Đại học chuyển mình theo 4.0

Ths Vũ Tuấn Anh - Chuyên Gia Chuyển Đổi Số và Đổi Mới Sáng Tạo 12/07/2018 17:21

Nút thắt cổ chai khiến doanh nghiệp khó chuyển hóa thành công chính là hệ thống giáo dục đại học.

Bởi vậy, hệ thống giáo dục đại học cần phải chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, nhanh hơn nữa và sâu sắc hơn nữa nhằm trở thành đại học 4.0. Diễn đàn công nghiệp 4.0 do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc và các lãnh đạo điều hành, diễn ra ngày 12-13/07 tại Hà Nội. Có rất nhiều vấn đề được đặt ra để Việt Nam có thể vượt qua thách thức Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 hội nhập với kinh tế thế giới. Công nghệ 4.0 hội tụ thay đổi nhanh và tác động sâu rộng đã tạo ra môi trường VUCAH (biến động, không chắc chắn, phức tạp, không rõ ràng, siêu kết nối).

p/Đại học 4.0 là quá trình sử dụng các công nghệ 4.0 nhằm chuyển đổi số các hoạt động đào tạo và thực hành truyền thống tiến tới nền tảng E-learning. (Nghiên cứu sinh Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ NANO, Trường đại học Khoa học công nghệ Hà Nội. Ảnh: Đức Anh)

Đại học 4.0 là quá trình sử dụng các công nghệ 4.0 nhằm chuyển đổi số các hoạt động đào tạo và thực hành truyền thống tiến tới nền tảng E-learning. (Nghiên cứu sinh Khoa học vật liệu tiên tiến và công nghệ NANO, Trường đại học Khoa học công nghệ Hà Nội. Ảnh: Đức Anh)

Học đi đôi với hành

Muốn làm chủ được công nghệ, chúng ta cần phải có nguồn lực lao động 4.0 nhằm đáp ứng đòi hỏi của doanh nghiệp. Tuy nhiên trên thực tế, tốt nghiệp là thất nghiệp không còn là lời vui đùa mà đã trở thành sự thật căng thẳng với các bạn sinh viên và gia đình. Bên cạnh đó, tình hình sinh viên có việc làm nhưng doanh nghiệp phải tái đào tạo lại rất nhiều, đặc biệt trong những lĩnh vực công nghệ thay đổi nhanh như 4.0.

Do tốc độ thay đổi tri thức nhanh hơn rất nhiều so với quá khứ, nên thị trường lao động bị ảnh hưởng bởi VUCAH không thể đợi sinh viên đào tạo 4 năm sau đó ra làm việc. Các kiến thức học trong 4 năm đó có thể lạc hậu ngay khi sinh viên đang theo học. Do đó, đại học hiện tại và tương lai cần phải rút ngắn thời gian học tập để đáp ứng tốc độ thay đổi của thị trường lao động, đặc biệt từ tác động của cuộc CMCN 4.0. Theo đó, các chương trình đào tạo cần phải rút ngắn hoặc thiết kế theo dạng module nhỏ để có thể linh hoạt thay đổi theo biến chuyển thời cuộc. Quan trọng nhất là đại học cần phải tạo ra môi trường tích hợp với doanh nghiệp giúp cho sinh viên học xong module ra làm việc thực tế, sau đó quay lại ngay giảng đường để kiểm nghiệm lý thuyết và thực tiễn. Theo cách tiếp cận này, môi trường học tập và môi trường thực tế được trộn lẫn vào nhau tạo ra trải nghiệm học và làm song hành.

Để một sinh viên chuyển hóa thành một nhân viên làm việc cần qua giai đoạn 4 chữ H: học lý thuyết/ tri thức – hiểu lý thuyết trên thực tế- hành các lý thuyết đó và rút ra bài học – hoàn thiện sau khi lặp đi lặp lại phần hành.
Trên nền tảng tích hợp đào tạo và thực hành, doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên cũng không cần tới bằng cấp của các em. Bởi tấm bằng đại học chỉ xác nhận các em đã học xong các kiến thức, còn có làm được việc hay không thì chưa đảm bảo. Thông qua hệ thống tích hợp học và làm nói trên đảm bảo vòng tròn 4 chữ H, các em có thể chứng tỏ mình thông qua các việc làm, các dự án cùng những công việc song song với học.

Số hóa bài giảng

Đáp ứng những câu chuyện trên, đại học cần phải số hóa thông qua các công nghệ 4.0. Chỉ có số hóa, nhà trường mới có thể dễ dàng tích hợp các doanh nghiệp cùng các giảng viên thực tế. Số hóa giảng viên/ bài giảng nhằm triển khai quay các bài giảng và đào tạo tích hợp trên hệ thống E- learning giúp cho sinh viên có thể học bất kỳ đâu và bất kỳ thời gian nào. Số hóa bài giảng còn giúp cho các giảng viên thực tế có cơ hội nắm bắt lý thuyết, từ đó triển khai các hoạt động trên thực tế cho phù hợp. Đặc biệt, giảng viên thực tế có thể đóng góp ngay những gì mới cập nhật hay yêu cầu từ thị trường lao động tới đại học mà không cần phải đợi từ 1-2 năm.

Như vậy, đại học số sẽ chuyển đổi các lớp học truyền thống sang số hóa–hình ảnh/âm thanh các bài tập trên nền tảng số giúp cho quá trình học tập và tương tác 24/24h. Các bạn sinh viên sẽ tự động dựa trên kho dữ liệu số để tự xây dựng chương trình đào tạo phù hợp với khả năng và trình độ bản thân. Các giờ giảng bài trên lớp sẽ chủ yếu dựa trên tương tác hỗ trợ và giảng dạy chuyên sâu dựa trên các kiến thức cơ bản được số hóa.

Đại học 4.0 là quá trình sử dụng các công nghệ 4.0 nhằm chuyển đổi số các hoạt động giảng dạy đào tạo và thực hành truyền thống tiến tới nền tảng đào tạo E- learning diện rộng kết hợp với các hoạt động và nghiên cứu thực tế tại doanh nghiệp.

Cách tiếp cận này phù hợp với những thay đổi trong đào tạo khối lượng KAS – kiến thức/thái độ/ kỹ năng cho các bạn sinh viên thời 4.0. Các khối lượng bổ sung như đổi mới sáng tạo, tâm thế khởi nghiệp, các công cụ tư duy mới,... chỉ có thể phát triển cho sinh viên thông qua các hoạt động đào tạo thực tiễn như bài tập nhóm, dự án, thực tập, giải quyết các vấn đề cụ thể...

Trong môi trường nói trên, chính các bạn sinh viên là người quyết định học như thế nào, học từ ai và học để làm gì?. Tuy nhiên để duy trì chất lượng của đại học 4.0, chúng ta cần áp dụng những triết lý quản trị quy trình và quản trị chất lượng đồng bộ nhằm đảm bảo một hệ thống đào tạo tốt, một hệ thống giảng viên tốt và cùng một hệ thống nội dung số tốt. Đại học 4.0 đã tạo ra hệ thống giáo dục đại học mở với đầu vào mở, quá trình đào tạo mở, đánh giá mở từ nhiều phía, nhiều bên và nhiều góc nhìn.

Thông qua đại học 4.0, thị trường cung ứng lao động và sử dụng lao động kết hợp được chung nhau và cùng nhau tạo ra sản phẩm- người lao động phù hợp nhất có thể ngay từ lúc các sinh viên vào trường tới khi ra trường để giúp doanh nghiệp vươn lên làm chủ CMCN 4.0. 

Ths Vũ Tuấn Anh - Chuyên Gia Chuyển Đổi Số và Đổi Mới Sáng Tạo