PVD “khó thoát" mục tiêu không lỗ!
Với cả 2 quý kinh doanh thua lỗ, nên lũy kế 6 tháng đầu năm 2018 PVD lỗ ròng gần 307 tỷ đồng, cao hơn khoản lỗ 253 tỷ đồng của nửa đầu năm 2017.
Tuy nhiên, doanh thu thuần được cải thiện đáng kể tới 2.726 tỷ đồng tăng gần gấp 2 lần so với cùng kỳ 2017.
Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan Dầu khí (mã CK: PVD) đã công bố BCTC quý 2/2018.Theo đó, doanh thu thuần trong kỳ đạt 1.618,6 tỷ đồng tăng tới 71,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán chiếm tới gần 97% trong doanh thu thuần nên lãi gộp chỉ còn hơn 50 tỷ đồng giảm gần 30% so với quý 2/2017.
Có thể bạn quan tâm
PVD nan giải với bài toán cho thuê giàn khoan
06:06, 06/05/2018
Vì đâu cổ phiếu PVD giảm 50% trong quý 1/2018?
04:35, 01/05/2018
Khó chồng khó tại PVD
11:00, 22/04/2018
Trong kỳ doanh thu tài chính đạt hơn 35 tỷ đồng giảm nhẹ so với cùng kỳ, hoạt động liên doanh liên kết mang về khoản lãi hơn 24 tỷ đồng tuy nhiên chi phí tài chính tăng thêm gần 8 tỷ đồng và doanh nghiệp này vẫn phải chi tới 119,3 tỷ đồng chi phí quản lý doanh nghiệp nên kết quả PV Drilling (PVD) báo lỗ ròng hơn 67 tỷ đồng trong khi cùng kỳ cũng lỗ hơn 45 tỷ đồng.
Theo giải trình từ phía công ty, nguyên nhân thua lỗ trong quý 2/2018 là do công ty phát sinh chi phí thuế nhà thầu tạm nộp khi giàn khoan hoạt động tại Malaysia (sẽ hoàn thuế sau khi quyết toán năm). Ngoài ra trong kỳ công ty tăng chi phí bảo trì bảo dưỡng giàn khoan do có giàn khoan PV DRILLING II thực hiện công tác bảo trì định kỳ. Chi phí tài chính tăng mạnh chủ yếu do ghi nhận dự phòng lỗ đầu tư PVD Overseas khi giàn hoạt động dưới giá vốn và do biến động tăng tỷ giá.
Tuy nhiên, công ty nhận định so với quý 1/2018, kết quả sản xuất kinh doanh hợp nhất của PV Drilling trong quý 2/2018 có nhiều cải thiện, lỗ ít hơn 172 tỷ đồng chủ yếu do tăng hiệu suất sử dụng và giảm trích lập dự phòng khoản phải thu khó đòi trong quý 2/2018. Bên cạnh đó, cùng với việc thị trường dầu khí đang có những tín hiệu tích cực, PV Drilling kỳ vọng đạt được kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn trong thời gian tới.
Được biết năm 2018, PVD dự kiến doanh thu đạt 3.000 tỷ đồng, nhưng để có lợi nhuận trong thời điểm này thực sự khó khăn và do đó PVD đã đặt mục tiêu không lỗ trong năm 2018. Việc PVD đặt mục tiêu không lãi của PVD căn cứ tình hình khó khăn của ngành cũng như thực tế hơn 90% nhà thầu khoan trên thế giới không có lãi, 10% công ty đã phá sản hoặc bị mua lại…Như vậy, mới chỉ nửa đầu năm nhưng PVD đã gần hoàn thành mục tiêu kinh doanh của mình, nhiệm vụ kinh doanh của nửa năm còn lại để giúp PVD thoát lỗ cả năm 2018 là khó khả thi khi mà nửa đầu năm đã thua lỗ tới 307 tỷ đồng.
Với câu hỏi căn cứ nào để Ban lãnh đạo PVD đặt mục tiêu doanh thu 3.000 tỷ đồng? Theo Ban lãnh đạo PVD, thực tế có khoảng 2.000 tỷ đồng doanh thu đã được ký kết hợp đồng và sẽ thực hiện trong năm 2018. Còn 1.000 tỷ đồng còn lại sẽ là sự cố gắng và phấn đấu của doanh nghiệp trong năm nay và phụ thuộc khá nhiều vào diễn biến thị trường.
Doanh nghiệp đặt giả định mức hiệu suất sử dụng giàn khoan của PVD sẽ đạt 2,5 giàn (so với 2,9 giàn trong năm 2017) và doanh thu 50-60 ngàn USD/ngày. Đây là mức tương đối phù hợp với tình hình hiện nay. Trên thực tế một số đối tác vì cạnh tranh thậm chí còn chấp nhận mức 40 ngàn USD.