Hướng đi nào cho DQS?
Trước thực trạng Nhà máy đóng tàu Dung Quất gặp nhiều khó khăn với khoản lỗ hàng ngàn tỷ đồng, PVN đang quyết tâm vực dậy và khôi phục sản xuất kinh doanh cho nhà máy này.
Nhà máy đóng tàu Dung Quất được đầu tư với mục tiêu là trung tâm đóng mới tàu với công suất khoảng 6.000 tấn trọng tải tàu/năm. Tuy nhiên, do công tác đầu tư còn dở dang, thiếu đồng bộ, chất lượng kém, nên cơ sở vật chất, hạ tầng đã đầu tư có hiệu suất sử dụng không cao, chỉ đạt 20-30% nhưng chi phí khấu hao hằng năm rất lớn.
PVN muốn DQS “tiếp tục chạy”
Bên cạnh đó, do báo cáo tài chính xấu, nên Công ty Công nghiệp tàu thuỷ Dung Quất (DQS) - đơn vị chủ quản của Nhà máy đóng tàu Dung Quất bị hạn chế khả năng tham gia vào các đơn hàng đấu thầu cho các đơn vị ngoài ngành dầu khí. Như dự án đóng mới 8 tàu Nghi Sơn, mặc dù hoàn toàn nằm trong khả năng thực hiện của DQS với mức giá cạnh tranh (thấp nhất), tuy nhiên chủ đầu tư không giao cho DQS mà giao cho nhà máy đóng tàu thuộc sở hữu nước ngoài thực hiện...
Trước những khó khăn chồng chất của DQS, tại buổi làm việc với tổng công ty này mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đề nghị lãnh đạo PVN có giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khôi phục và phát triển Nhà máy đóng tàu Dung Quất.
“Cần phải vực dậy nhà máy, không để tình trạng này kéo dài thêm nữa, gây lãng phí đất đai, hư hỏng tài sản đã đầu tư trên đất và ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của cán bộ, công nhân công ty. Về phía tỉnh sẽ kêu gọi, vận động các doanh nghiệp lớn trên địa bàn như Doosan Vina, Hòa Phát Dung Quất... phối hợp, liên kết với DQS để cùng phát triển”, ông Chữ nhấn mạnh.
Còn Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Trần Sỹ Thanh thì cho rằng, DQS có rất nhiều khó khăn tồn tại từ trước khi chuyển giao từ Vinashin về PVN như cơ sở vật chất, hạ tầng; năng lực tài chính; sự suy giảm của thị trường đóng tàu, ngành vận tải biển trên thế giới; các vướng mắc liên quan đến công tác quyết toán vốn đầu tư; tác động của truyền thông về thông tin công ty sẽ phá sản...
“Quan điểm thống nhất xuyên suốt của PVN là phải đưa nhà máy chạy trở lại, không phá sản. Trước mắt, các đơn vị nội bộ của PVN phải chia sẻ, chung tay giúp đỡ DQS bước qua giai đoạn khó khăn này. Về phía PVN sẽ có nghị quyết hỗ trợ giúp đỡ khôi phục DQS”, ông Thanh cho biết.
Có thể bạn quan tâm |
Có nên tái cơ cấu?
Trước đó, Bộ Công thương đã có báo cáo gửi ĐBQH, trong đó đưa ra 3 phương án xử lý đối với nhà máy DQS. Bộ Công thương cũng thẳng thắn nêu quan điểm thiên về lựa chọn phương án cho nhà máy này phá sản.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Vĩnh Trị - nguyên Giám đốc Công nghệ thông tin, Tập đoàn Vinashin cũng khẳng định, chỉ có cách cho phá sản là khả thi nhất, mặc dù cũng không đơn giản và thiệt hại sẽ rất lớn. Ông Trị giải thích, với phương án tái cơ cấu thì cần có rất nhiều tiền. Thứ nhất là để trả nợ. Thứ hai là đầu tư thêm để nhà máy có thể đóng tàu có lãi. Thứ ba là có người biết tái cơ cấu về năng lực sản xuất và có thị trường.
Cả ba điều đó hiện nay đều không có, do đó tái cơ cấu là không khả thi. Ngay từ 2010, nếu hiểu rõ về Vinashin sẽ thấy rằng hai yếu tố cơ bản để tái cơ cấu: thị trường tàu cỡ 100.000 tấn và năng lực đóng tàu có lãi đều không có. Cách PVN đã làm: đổ tiền và đưa đơn hàng vào không giải quyết được vấn đề.
Vẫn theo ông Trị, về phương án chuyển nhượng trong nước thì nếu ngay cả PVN còn chịu thua, có lẽ không có đơn vị nào trong nước kham nổi, kể cả quân đội. Chuyển nhượng cho nước ngoài cũng không khả thi. Ngành đóng tàu thế giới đang xuống đáy, không chủ đầu tư nào muốn bỏ tiền vào lúc này.
Còn nếu nhận chuyển nhượng để làm việc khác thì cũng không chủ đầu tư nào bỏ tiền ra cho những tài sản rồi sẽ phải bỏ đi không dùng đến, chỉ giữ lại có đất. Và chốt lại, theo ông Trị, chỉ còn khả năng cho phá sản thì làm càng sớm càng có lợi. Để càng lâu, thiệt hại sẽ càng lớn.
Nói thêm về khoản nợ của DQS, ông Trị nói thẳng, về nguyên tắc, tất cả những người đổ tiền vào một doanh nghiệp bị phá sản đều hiểu rằng khi thanh lý tài sản để trả nợ, thu được đồng nào hay đồng ấy, không thu đủ thì phải chịu.
“Ngành đóng tàu có một đặc điểm đặc thù: máy móc thiết bị của nó rất khó bán vì không dùng ra ngoài ngành được. Chưa nói đến việc như báo chí đã nêu, máy móc thiết bị ở DQS lạc hậu và không đồng bộ. Do đó, khả năng bán tài sản thu tiền không cao", ông Trị nói.