Vì sao khó bán vốn nhà nước?

ĐẠI DƯƠNG 11/08/2018 17:24

Cuối năm 2017, khi Sabeco về tay người Thái, những phản ứng trái chiều, thuận chiều đều có nhưng tựu trung lại, dư luận ủng hộ chủ trương “nhà nước không đi bán bia” của Thủ tướng nhiều hơn.

Thực ra, cú “áp phe” bán hơn 53% cổ phần Sabeco cho tỷ phú Thái được coi là một thành công. Bởi sau khi định giá là 320.000 đồng/cổ phần, giá Sabeco có tăng cao lên 330.000 đồng đến 340.000 đồng/cổ phần. Các đối thủ cạnh tranh đã khó có thể chịu được mức giá này và cuộc cuộc đấu giá "cạnh tranh" đã an bài khi chỉ có nhà đầu tư Thái Lan và một cá nhân tham gia.

p/Các doanh nghiệp lớn tiêu biểu dự kiến thoái vốn nhà nước trong năm 2018

Các doanh nghiệp lớn tiêu biểu dự kiến thoái vốn nhà nước trong năm 2018

Còn nhiều dư địa

Vấn đề là, qua thương vụ này, có vẻ nhà nước, với chủ trương bán doanh nghiệp không cần thiết Nhà nước nắm giữ, đã chấp nhận một cuộc chơi thị trường. Tương lai của Sabeco vẫn chưa thể đoán định. Nó có thể tốt lên hoặc xấu đi nhưng luật chơi thị trường đã được tuân thủ khi giá đã cao nhất, minh bạch nhất, thị trường nhất.

Cuối tháng 7/2018 vừa qua, trong một cuộc họp báo, ông Bùi Trường Thắng, Phó Tổng giám đốc Habeco cũng nhấn mạnh rằng: Thoái vốn, bán vốn nhà nước thì phải công khai, minh bạch, đạt hiệu quả cao nhất cho nhà nước, đảm bảo quyền lợi của người lao động. “Chúng tôi có lợi thế hơn, đi sau Sabeco, chúng tôi có nhiều bài học và kinh nghiệm để đạt được các mục tiêu đó”, ông Thắng nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

  • Nên có Luật cổ phần hóa DNNN

    11:05, 09/08/2018

  • Bộ Tài chính: Sẽ “thúc” doanh nghiệp đã cổ phần hóa khẩn trương niêm yết

    19:00, 01/08/2018

  • Minh bạch để cổ phần hóa hiệu quả

    06:00, 28/07/2018

Báo cáo mới nhất của Bộ KH&ĐT cho hay: Năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách năm 2017 đạt gần 145.000 tỷ đồng, cao hơn nhiều so với chỉ tiêu Quốc hội giao năm 2017 (60.000 tỷ đồng). Trong đó, thu từ cổ phần hóa là 5.192,44 tỷ đồng, thu từ thoái vốn là 139.385 tỷ đồng, trong khi giá trị sổ sách là 8.915 tỷ đồng.

Tuy thế, con số tài sản và vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực ra là lớn hơn nhiều. Cứ theo lời của Bộ trưởng Bộ KH&ĐT khi trả lời về Nghị định thành lập Ủy ban quản lý vốn tài sản chủ sở hữu nhà nước tại doanh nghiệp, thì con số có thể lên tới 5 triệu tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với việc, bán cổ phần vốn nhà nước vẫn còn nhiều dư địa.

Chậm chạp vì sao?

Nhưng vì sao quá trình ấy diễn ra chậm chạp mặc dù các chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước đã có đủ?

Trước hết, nguyên tắc xuyên suốt của quá trình này là “đảm bảo cao nhất quyền lợi của nhà nước”. Điều ấy cũng có nghĩa là, khi bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, nguyên tắc đầu tiên là phải bán với giá cao nhất. Nhưng câu chuyện thị trường chưa chắc đã làm… thỏa mãn yêu cầu này. Sự bất trắc của thị trường, sự không ổn định của môi trường, chính sách kinh doanh vẫn gây nghi ngại cho các nhà đầu tư mỗi khi muốn mua DNNN.

Thứ hai, không phải bất cứ DNNN nào cũng muốn được hoặc bị bán. Chế độ “bộ chủ quản” vẫn đang tồn tại, chưa thể xóa bỏ mặc dù Ủy ban quản lý vốn nhà nước đang được tiến hành thành lập.

Thứ ba, như TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương từng chia sẻ, luôn có một “án treo lơ lửng” trên đầu những người quyết liệt cổ phần hóa. Bởi khi đã tuân thủ luật chơi thị trường, thì việc giá trị tài sản nhà nước lên xuống là điều bình thường. Nhưng nguyên tắc “đảm bảo lợi ích cao nhất cho nhà nước” khiến bất kể ai quyết liệt cổ phần hóa cũng có thể bị hình sự hóa. Tội danh “làm thất thoát, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tài sản nhà nước” có thể đổ ập xuống bất kể ai, bất kể lúc nào.

Cuối cùng, sau khi bán vốn nhà nước, xử lý hậu kỳ vẫn là một câu chuyện khiến nhiều người e ngại. Điển hình như sau khi Sabeco về tay người Thái, thì những vấn đề liên quan đến tài sản, thuế… vẫn còn làm vướng víu những người đã từng đóng vai trò đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại đây.

Cần một cú hích đủ mạnh

Trong bối cảnh hiện nay, những mục tiêu đã được đặt ra trong thoái vốn nhà nước tuy rất cao nhưng vẫn cần một cú hích lớn hơn nữa.

Những mục tiêu đó là: Thoái toàn bộ vốn khỏi các DNNN tại các ngành nhà nước không cần nắm giữ trên 50%; Thoái vốn Nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư quy định theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg; Hoàn thành cổ phần hóa 137 DNNN, đến năm 2020 chỉ còn 103 DNNN (100% vốn Nhà nước) theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg; và Thu về tối thiếu 250.000 tỷ đồng từ cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, những mục tiêu định tính như: Xử lý dứt điểm các dự án của DNNN kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài; Nâng cao một bước quan trọng hiệu quả sản xuất kinh doanh; Nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh của DNNN; Phấn đấu đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về quản trị doanh nghiệp… vẫn cần một sự quyết liệt khác.

Trong năm 2018 cơ quan chuyên trách làm đại diện sở hữu đối với DNNN sẽ được thành lập. Nó có giải quyết được các yêu cầu trên hay không vẫn là điều đáng được trông đợi.

ĐẠI DƯƠNG