Lỗ lớn “đè nặng” Agrifish
Nửa đầu năm 2018, Agrifish báo lỗ sau thuế 166 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3,5 tỷ đồng.
Kết quả báo cáo tài chính bán niên soát xét (1/10/2017 – 31/3/2018) do Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (Agrifish, Mã: AGF) công bố cho thấy, nửa đầu năm 2018, Agrifish báo lỗ sau thuế 166 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 3,5 tỷ đồng. Trong đó, lỗ từ hoạt động kinh doanh là 156 tỷ đồng và lỗ khác là 10 tỷ đồng.
Chồng chất khó khăn
Doanh thu bán niên của công ty ghi nhận 810 tỷ đồng, giảm hơn 30%. Giá vốn hàng bán giá trị gần 890 tỷ đồng, trong đó, giá vốn cá xuất khẩu tăng gần 100 tỷ đồng do giá cá nguyên liệu tăng.
Lỗ lũy kế của Agrifish tại thời điểm 31/3 là 257 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn điều lệ hiện nay của Agrifish là 281 tỷ đồng. Nếu không cải thiện tình hình kinh doanh, dẫn đến vốn chủ sở hữu âm, Agrifish có thể đối mặt với án hủy niêm yết. Được biết, ngày 7/3, cổ phiếu AGF bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt do vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Đáng chú ý, trong 2 quý đầu năm 2018, khoản thu ngắn hạn của Agrifish chưa xử lý được khi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi gần 160 tỷ đồng, bằng số liệu đầu kỳ báo cáo. Tính đến 31/3, tổng tài sản của Agrifish là 1.475 tỷ đồng, giảm 29% so với thời điểm đầu kì 1/10/2017; nợ ngắn hạn chiếm 1.014 tỷ đồng, giảm 330 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 435 tỷ đồng, giảm 166 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Bị EU rút “thẻ vàng” cảnh cáo: Doanh nghiệp thuỷ sản “thiệt đơn thiệt kép”
05:54, 26/10/2017
Doanh nghiệp thủy sản Việt bị đối tác ngoại lừa đảo bằng L/C
09:47, 08/01/2017
Hội nhập TPP: Doanh nghiệp thủy sản thờ ơ với quản trị rủi ro
08:49, 13/03/2016
Doanh nghiệp thủy sản gian nan tìm đường về
11:22, 23/09/2015
Nguyên nhân tài khoản suy giảm là do khoản phải thu ngắn hạn giảm 236 tỷ đồng và hàng tồn kho giảm 387 tỷ đồng. Các khoản mục hàng tồn kho gồm thành phẩm, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang và nguyên vật liệu của công ty đều giảm mạnh so với đầu kỳ.
Không chỉ ghi nhận lỗ, báo cáo tài chính của AGF còn cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn, mà nổi cộm là các khoản phải thu và tồn kho.
Cụ thể, tính đến 31/12/2017, khoản phải thu là khoản mục lớn nhất trong cơ cấu tài sản của AGF với tỷ trọng 51,5%, song chất lượng các khoản này đang bị đặt dấu hỏi khi tại thời điểm cuối quý I, AGF đã phải trích lập dự phòng 159,6 tỷ đồng, tương đương 16,5% giá trị.
Trong niên độ 2016-2017, việc phải trích lập các khoản phải thu thêm 82,6 tỷ đồng cũng là nguyên nhân khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 4,8 lần, đẩy lỗ sau thuế lên đến 187 tỷ đồng.
Trong khi đó, với đặc thù các mặt hàng thủy sản có thời gian tồn kho ngắn, dễ hư hỏng, việc tồn kho chiếm 21,4% tổng tài sản còn khiến AGF đối mặt với rủi ro chi phí lưu kho tăng cao. Trong niên độ 2016-2017, chi phí lưu kho của AGF là 42,9 tỷ đồng, tăng 48,4% so với 2016 và chiếm 34,5% chi phí bán hàng.
Về cơ cấu tài chính, việc thua lỗ tổng cộng 284 tỷ đồng trong niên độ 2016-2017 và quý đầu năm niên độ mới đã khiến vốn chủ sở hữu của AGF sụt giảm nghiêm trọng, cơ cấu vốn nghiêng hẳn về phía nợ.
Bí đầu ra, siết tín dụng khiến AGF gặp khó
Tính đến 31/12/2017, nợ phải trả của AGF chiếm 69,3% nguồn vốn, với 65,4% tổng nợ là các khoản vay ngắn hạn. Trong đó, vay ngoại tệ chiếm phần lớn với 18,79 triệu USD, tương đương 427,4 tỷ đồng và vay nội tệ 313,8 tỷ đồng.
Về thị trường, Agifish năm qua không xuất hàng qua Mỹ khi bị áp mức thuế chống phá giá khá cao. Thuế suất áp dụng cho sản phẩm cá tra philê đông lạnh của Agifish ở mức 0,66 USD/kg. Không thể xuất vào thị trường Mỹ cũng dẫn đến các khoản nợ phải thu tăng cao, buộc công ty phải trích lập dự phòng với số tiền lớn (dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng thêm 83 lên 160 tỷ đồng).
Do vậy, công ty đã tìm kiếm thị trường thay thế mới là Trung Quốc, thị trường này có mức tăng trưởng, song sản lượng xuất chủ yếu là nguyên con nên giá trị thấp, hiệu quả không cao.
Về nguồn nguyên liệu, do ảnh hưởng từ năm 2016 nên diện tích thả nuôi của AGF giảm, dẫn đến tình trạng thiếu hụt cá nguyên liệu khi giá cá bắt đầu tăng, công ty phải tăng thu mua bên ngoài nhưng giá xuất khẩu tăng không theo kịp tốc độ tăng giá nguyên liệu.
Về nguồn vốn, Công ty gặp khó khăn do chính sách tín dụng của các ngân hàng thắt chặt, nguồn vốn công ty bị thiếu hụt không đủ đáp ứng cho các vùng nuôi nguyên liệu dẫn đến giá thành nuôi cao, thiếu nguyên liệu sản xuất, không đủ sản phẩm đáp ứng cho thị trường những lúc giá xuất khẩu tăng cao, lỡ mất thời cơ.
Thiếu nguồn vốn cũng là nguyên nhân các vùng nuôi không đạt hiệu quả, thiếu thức ăn cá chậm lớn, hao hụt nhiều, giá thành tăng, làm cho hiệu quả nuôi không đạt như kế hoạch.
Việc mất thị trường cũng như thiếu hụt nguồn vốn dường như chưa được khắc phục khi Agifish tiếp tục lỗ lớn ngay trong quý I/2018. Lượng cá nguyên liệu nuôi vẫn chưa thể đáp ứng cho các nhà máy chế biến, trong khi giá nguyên liệu ngoài thị trường khá cao.
Nhằm giải quyết những khó khăn trong thời gian tới, Agifish đang hướng đến việc thu gọn các vùng nuôi, đổi mới phương thức quản lý để vùng nuôi đạt hiệu quả; thay đổi chiến lược sản xuất kinh doanh theo hướng thu hẹp sản xuất để giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để có giá bán tốt tăng hiệu quả; tiết giảm chi phí quản lý, bán hàng,…
Với những kết quả kém hiệu quả trên, cổ phiếu của Agifish cũng bắt đầu lao dốc từ vùng giá 9.500 đồng/cp về mức dưới 7.000 đồng/cp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ngoài ra, cổ phiếu cũng bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt kể từ ngày 07/03/2018 do tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi đã bị đưa vào diện cảnh báo.