SBIC xin không bị cưỡng chế trả 238 tỷ đồng tiền bảo lãnh cho đơn vị thành viên

Nguyễn Việt 28/08/2018 07:04

SBIC vừa có báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính về việc cơ quan thi hành án dân sự quận Ba Đình quyết thi hành án đối với SBIC.

số tiền SBIC phải trả là 238 tỷ đồng và lãi quá hạn kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến khi thanh toán xong hết nợ.

Số tiền SBIC phải trả là 238 tỷ đồng và lãi quá hạn kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến khi thanh toán xong hết nợ.

Theo báo cáo, ngày 24/5/2018, Chi cục Thi hành án dân sự quận Ba Đình có quyết định buộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) là tổ chức bảo lãnh cho Công ty Cổ phần Cơ khí chính xác Vinashin phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Theo đó, số tiền SBIC phải trả là 238 tỷ đồng và lãi quá hạn kể từ ngày xét xử sơ thẩm đến khi thanh toán xong hết nợ.

Không có khả năng trả thay 

SBIC cho hay tổng công ty này đang thực hiện Nghị quyết 07/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý tập trung các nguồn vốn của SBIC.

“Vì vậy, SBIC không có khả năng thực hiện các nghĩa vụ bảo lãnh trả thay cho các đơn vị thành viên mà SBIC đã bảo lãnh trước đây”, lãnh đạo SBIC khẳng định.

Tuy nhiên, để không ảnh hưởng đến nguồn vốn của Nhà nước, đồng thời đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, SBIC đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính hỗ trợ SBIC kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có văn bản đề nghị Tổng cục Thi hành án – Bộ Tư pháp hướng dẫn các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương không thực hiện biện pháp cưỡng chế tài sản/tài khoản của SBIC để đảm bảo hoạt động thường xuyên không bị gián đoạn.

“SBIC kính mong các Quý Bộ sớm có giải pháp nghiệp vụ hướng dẫn SBIC để trước mắt ưu tiên đảm bảo an toàn tiền gửi/giao dịch tại các Ngân hàng trong quá trình hoạt động và thực hiện Quyết định 12/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ”, lãnh đạo SBIC gửi gắm.

Có thể bạn quan tâm

  • SBIC dự kiến... lỗ gần 3.000 tỷ đồng

    SBIC dự kiến... lỗ gần 3.000 tỷ đồng

    05:30, 10/08/2018

  • "Ông lớn" SBIC bị cưỡng chế thu hồi nợ thuế hàng trăm tỷ đồng

    11:11, 13/06/2018

Năm 2018, Công ty mẹ - SBIC đặt mục tiêu tổng doanh thu và thu nhập khác 2.320 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ hoạt động tài chính là 2.291 tỷ đồng. Đáng chú ý, Công ty mẹ - SBIC đặt mục tiêu lỗ trước thuế 2.884 tỷ đồng trong năm nay. 6 tháng đầu năm, tổng doanh thu và thu nhập khác của Công ty mẹ - SBIC chỉ đạt vỏn vẹn 242 tỷ đồng, hoàn thành 10,5% kế hoạch năm. Cùng kỳ năm ngoái, con số này là 740 tỷ đồng.

Xét toàn tập đoàn (gồm cả 8 công ty thành viên), 6 tháng đầu năm, SBIC ghi nhận 1.359 tỷ đồng doanh thu và thu nhập khác, hoàn thành 35% kế hoạch năm. Trong đó, lĩnh vực Đóng mới tàu, thuyền, phương tiện nổi đem về doanh thu 884 tỷ đồng; lĩnh vực Sửa chữa tàu, thuyền, phương tiện nổi đem về 149 tỷ đồng; lĩnh vực khác đem về 181 tỷ đồng; còn lại là doanh thu tài chính và thu nhập khác. Đặc biệt, nửa đầu năm, SBIC nợ tới 81,7 tỷ đồng tiền lương và 316 tỷ đồng tiền bảo hiểm xã hội.

Từng có văn bản cưỡng chế tiền thuế

Trước đó, Tổng cục Thuế  cũng đã có văn bản gửi Cục Thuế Hà Nội về việc cưỡng chế thu hồi tiền thuế nợ đối với SBIC. Cụ thể, căn cứ vào các quy định hiện hành, SBIC đang nợ các khoản tiền thuế, tiền nộp chậm tiền thuế đã quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp thuế và thuộc trường hợp bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế.

Về việc cưỡng chế thu hồi nợ thuế với SBIC, Tổng cục Thuế từng có nhiều văn bản hướng dẫn. Theo đó, SBIC phải sử dụng nguồn thu từ hoạt động kinh doanh và các nguồn vốn hợp pháp khác không phải nguồn vốn tạm ứng hỗ trợ sản xuất và nguồn thu từ tái cơ cấu để nộp ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, trong trường hợp SBIC cam kết toàn bộ số tiền gửi tại các ngân hàng và các tổ chức tín dụng là nguồn vốn tạm ứng hỗ trợ sản xuất kinh doanh và nguồn thu từ tái cơ cấu thì cơ quan thuế không áp dụng được biện pháp trích tiền từ tài khoản đối với SBIC. Do đó, cơ quan này phải chuyển sang áp dụng biện pháp cưỡng chế thông báo hoá đơn không còn giá trị sử dụng theo đúng quy định.

Còn trong trường hợp, cơ quan Hải quan có văn bản đề nghị cơ quan Thuế áp dụng biện pháp cưỡng chế hoá đơn không còn giá trị sử dụng đối với SBIC thì Cục Thuế Hà Nội phối hợp thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.

Được biết, tính tới hết năm 2015, SBIC còn nợ số tiền thuế hơn 133 tỷ đồng, và xếp thứ 2 trong danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn trên cả do Bộ Tài chính công bố. Số tiền nợ thuế này SBIC vẫn chưa trả được, và tới nay còn cộng thêm tiền lãi, phạt chậm nộp…

Mặt khác, hiện SBIC đang được kiểm soát đặc biệt, nên dòng tiền cũng chuyển trực tiếp về Bộ Tài chính quản lý, nên không còn tiền để thanh toán số thuế còn nợ.

Liên quan tới hoạt động của SBIC, báo cáo của Kiểm toàn Nhà nước về quản lý danh mục nợ đưa ra giữa năm 2017 thì đến 31/12/2015, dư nợ của các dự án cho vay lại có nợ quá hạn tương đương 28.034 tỷ đồng, chiếm 9,1% tổng dư nợ. Trong đó, riêng Vinashin là 22.392 tỷ đồng, còn lại 55 dự án là 5.641 tỷ đồng.

Nguyễn Việt