PTC đứng trước nguy cơ bị hủy niêm yết
Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) vừa có văn bản lưu ý về nguy cơ cổ phiếu PTC sẽ bị hủy niêm yết.
Báo cáo tài chính bán niên của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện (HOSE: PTC) vừa gửi Sở GDCK TPHCM (HOSE) bị đơn vị kiểm toán là công ty TNHH KPF Việt Nam từ chối đưa ra kết luận.
Kiểm toán KPF từ chối kết luận
Cụ thể, đơn vị kiểm toán không thể kiểm tra được tính đúng đắn về các số dư đầu kỳ. Do vậy, KPF không đưa ra ý kiến về số dư tại ngày 1/1/2018 cũng như ảnh hưởng của chúng tới các chỉ tiêu khác được trình bày trên BCTC hợp nhất bán niên kết thúc 30/6.
Ngoài ra, tổng các khoản công nợ phải thu đã được đối chiếu là 11,7 tỷ đồng, chiếm 14% tổng số công nợ phải thu khách hàng, trả trước cho người bán và các khoản phải thu khác. Công nợ phải trả cũng chưa được đối chiếu xác nhận đầy đủ. KPF không thể kiểm tra được tính đúng đắn về các số liệu này bằng các thủ tục soát xét, do đó không đưa kết luận về tính hiện hữu và giá trị các khoản mục nêu trên.
Công ty chưa trích lập đầy đủ dự phòng nợ phải thu khó đòi, dự phòng hàng tồn kho. Theo ước tính của KPF, dự phòng phải thu khó đòi cần trích lập bổ sung 14,4 tỷ và dự phòng hàng tồn kho cần trích lập 7,9 tỷ đồng. Công ty chưa xử lý các tài sản thiếu tại Xí nghiệp 7 và chi nhánh HCM với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng.
Công ty con là CTCP PTIC-ZTE Công nghệ Viễn thông có dấu hiệu dừng hoạt động từ giữa 2017. BCTC của PTC được lập trên cơ sở BCTC của công ty con tại ngày 31/12/2017. Do đó, KPF không đưa ra ý kiến về số dư các khoản mục có liên quan từ việc sử dụng BCTC của công ty trên tại ngày 31/12/2017 trên BCTC hợp nhất bán niên của PTC.
Do tầm quan trọng của các vấn đề nêu trên, đơn vị kiểm toán không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng thích hợp để làm cơ sở đưa ra kết luận về báo cáo tài chính hợp nhất PTC.
Về ý kiến của ban Tổng giám đốc, PTC cho rằng BCTC hợp nhất bán niên đã soát xét phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính của công ty tại ngày 30/6; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và lưu chuyển tiền tệ được lập phù hợp với các chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán doanh nghiệp và các quy định pháp lý liên quan.
HOSE đã cảnh báo
Theo BCTC hợp nhất đã soát xét, lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ công ty là 7,32 tỷ đồng (báo cáo tự lập lỗ 4,2 tỷ). Tổng số lỗ lũy kế đến ngày 30/6 là 21,24 tỷ đồng. Do đó, HOSE đã lưu ý công ty về nguy cơ cổ phiếu PTC sẽ bị hủy niêm yết nếu tại BCTC kiểm toán năm 2018 tổ chức kiểm toán từ chối đưa ra ý kiến.
Trước đó, vào tháng 4/2018, PTC đã tiếp tục nhận quyết định giữ nguyên diện cảnh báo, đồng thời HOSE đã cảnh báo việc xem xét hướng xử lý tiếp theo đối với cổ phiếu này sẽ căn cứ vào báo cáo tài chính hợp nhất xoát xét bán niên năm 2018.
Được biết, năm nay, Công ty đặt kế hoạch doanh thu 60,61 tỷ đồng và không đưa ra các mục tiêu lợi nhuận trước và sau thuế. Chốt phiên giao dịch ngày 12/9, cổ phiếu PTC tiếp tục "đứng im", giao dịch ở mức 6.060 đồng/cổ phiếu, vốn hóa thị trường theo đó khoảng gần 100 tỷ đồng. Tính trung bình 10 phiên gần đây, khối lượng khớp lệnh của PTC cũng chỉ đạt 5.129 đơn vị/phiên.
Theo giải trình của PTC về một số ý kiến từ chối của kiểm toán, do các công trình PTC ký với chủ đầu tư đa số là các doanh nghiệp Nhà nước, các đơn vị này hầu như ký xác nhận vào thời điểm 31/12 cho nên công ty chỉ xác nhận được 15% tổng số công nợ phải thu đối với khách hàng. Mặt khác, các khoản tạm ứng, phải thu cá nhân của các cán bộ cũ, PTC chỉ có thể đối chiếu thời điểm gần nhất 31/12/2017. Vì vậy, tại thời 30/6/2018 công ty chỉ đối chiếu được 15%.
Các khoản dự phòng cần phải trích lập, dự phòng hàng tồn kho và dự phòng đầu tư, tài sản thiếu chờ xử lý, PTC cố gắng thu hồi trong 6 tháng cuối năm và kiểm kê, phân loại sau đó có phương án xử lý. Đối với công ty con PTIC-ZTE hiện tại, PTC cùng với ZTE là hai cổ đông góp vốn chính hiện đang liên hệ và ký hợp đồng với một đơn vị luật làm thủ tục giải thể công ty.