Sau "Hạ Long", "Sông Thao", Vicem có đủ sức gánh thêm Quang Sơn?
Trước khi chuyển về Vicem, Xi măng Hạ Long cõng nợ 7.989 tỷ đồng và lỗ lũy kế là 3.640 tỷ đồng và Xi măng Sông Thao là 1.076 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 436 tỷ đồng.
Trong lúc đó, mất cân đối tài chính nghiêm trọng, nợ phải trả lớn, dòng tiền thu về không đủ trả nợ đã đẩy xi măng Hạ Long và Sông Thao đến bờ vực phá sản. Nếu không được tái cơ cấu, “gánh nặng” hai nhà máy này không biết sẽ đi đến đâu?
Tái cơ cấu để chấm dứt lỗ lũy kế.
Ông Lương Quang Khải – Chủ tịch HĐTV Vicem cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận xi măng Hạ Long (từ TCty Sông Đà, Tập đoàn Dầu khí) vào tháng 3/2016, Vicem đã có phương án giải quyết chấm dứt lỗ lũy kế. Trong đó, xi măng Hạ Long giao cho Vicem Hoàng Thạch và Vicem Hà Tiên 1 cơ cấu lạị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm thông qua quá trình quản trị đồng bộ. Tính đến hết tháng 12/2016, sản lượng tiêu thụ của xi măng Hạ Long tăng cao, lần đầu tiên đã tạo ra sản xuất có lợi nhuận trên 70 tỷ đồng và trả nợ được gần 700 tỷ đồng.
Sau hơn 2 năm tiếp nhận xi măng Hạ Long và hơn 1 năm tiếp nhận xi măng Sông Thao (từ HUD, LiLaMa), tình hình sản xuất kinh doanh và tài chính của hai đơn vị đã có lãi. Đặc biệt, sau khi được Vicem tái cơ cấu và bổ sung vốn điều lệ làm 2 đợt cho xi măng Hạ Long với tổng số tiền là 960 tỷ đồng.
Đến nay, hoạt động sản xuất kinh doanh của xi Hạ Long đã phát triển. Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm tăng từ 200 - 300 tỷ đồng mỗi năm so với thời điểm trước khi được về với Vicem tiếp quản, đã tự cân đối để trả nợ gốc và lãi các khoản vay nước ngoài là 853 tỷ đồng (43,06 triệu EUR và 3,06 triệu USD) và trả nợ Quỹ tích lũy là 782 tỷ đồng (29,17 triệu EUR). Nợ phải trả của xi măng Hạ Long đến nay là 6.549 tỷ đồng, giảm 1.440 tỷ đồng so với thời điểm trước khi về với Vicem.
Mặc dù xi măng Hạ Long đang nhiều khó khăn do lỗ lũy kế quá lớn nhưng sau khi tái cơ cấu, nhưng những quyết sách đúng đã thúc đẩy sản xuất phát triển, sản lượng tăng, chất lượng tốt, thị trường mở rộng, xi măng tiêu thụ nhiều, đời sống cán bộ công nhân viên được cải thiện, nâng cao. Tỷ suất hoạt động Ebitda/doanh thu thuần đạt mức cao từ 27% trở lên. Cụ thể, như năm 2016, lợi nhuận trước thuế là 148,12 tỷ đồng; năm 2017, lợi nhuận trước thuế là lỗ 199,5 tỷ đồng do doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá cuối kỳ là 312,15 tỷ đồng. Nếu loại trừ ảnh hưởng của chênh lệch tỷ giá cuối kỳ thì lợi nhuận của xi măng Hạ Long là 112,65 tỷ đồng.
Cùng với đó, hoạt động sản xuất của xi măng Sông Thao cũng tăng trưởng đáng kể sau khi được Vicem tiếp nhận và tái cơ cấu. Lợi nhuận trước thuế của xi măng Sông Thao trong năm 2017 là 0,56 tỷ đồng. Dự kiến năm 2018, lợi nhuận trước thuế của xi măng Sông Thao là 30 tỷ đồng. Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của xi măng Sông Thao tăng khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.
Mặc dù Vicem không thực hiện tăng vốn điều lệ cho xi măng Sông Thao nhưng xi măng Sông Thao đã tự cân đối để trả nợ, đặc biệt là các khoản nợ Quỹ tích lũy Bộ Tài chính. Cụ thể xi măng Sông Thao đã trả nợ Quỹ tích lũy Bộ Tài chính đến nay là 96,8 tỷ đồng (1,92 triệu EUR và 1,94 triệu USD).
Có thể bạn quan tâm
“Điểm mặt” những doanh nghiệp thua lỗ của Vicem
07:00, 11/09/2018
Vicem định hướng thị trường phát triển bền vững
11:10, 27/07/2018
Vicem “từ chối” tiếp nhận Xi măng Quang Sơn
05:45, 23/07/2018
Lại có nhà máy mang “khoản nợ khổng lồ” muốn Vicem gánh đỡ
Vừa qua, Bộ Công Thương đề nghị chuyển giao toàn bộ phần vốn của TCty Vinaincon đã đầu tư tại Cty Xi măng Quang Sơn sang Vicem dưới hình thức ghi tăng vốn Nhà nước cho Vicem và giảm vốn Nhà nước cho Vinaincon
Trong khi đó, Xi măng Quang Sơn đang gánh trên vai khoản nợ khổng lồ, vốn vay lên đến 95% tổng mức đầu tư, nhà máy lại nằm ở vị trí không thuận lợi cho giao thông và vận chuyển sản phẩm, cũng như thị trường tiêu thụ, chi phí giá thành cao... Với thể trạng “sức khỏe” như vậy, rất khó để tái cơ cấu trong bối cảnh thị trường đang dư nguồn cung lớn.
Trong khi bản thân Vicem cũng đang gồng mình nỗ lực giải quyết khó khăn tài chính của xi măng Hạ Long và Sông Thao, nếu nhận thêm khoản nợ từ Xi măng Quang Sơn thì doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn.
Theo kế hoạch, năm 2018 lợi nhuận trước thuế của Vicem Hạ Long đạt 130 tỷ đồng chưa tính chênh lệch tỷ giá cuối kỳ. Và lợi nhuận trước thuế của xi măng Sông Thao là 30 tỷ đồng. Dòng tiền thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng năm của xi măng Sông Thao tăng khoảng 50 tỷ đồng mỗi năm.
Dự kiến xi măng Sông Thao sẽ trả nợ hết số nợ còn là 22,4 tỷ (0,975 triệu USD) cho Quỹ tích lũy Bộ Tài chính trong năm 2018.
Vì vậy, dù Vicem đã tái cơ cấu bước đầu thành công với xi măng Hạ Long và xi măng Sông Thao, nhưng chưa hoàn toàn hết khó khăn.
Với vai trò là trụ cột của ngành xi măng Việt Nam, Vicem phát huy tối đa nội lực để hoàn thành kế hoạch đặt ra năm 2018. Đồng thời, tiếp tục tái cấu trúc lĩnh vực đầu tư không sinh lời, không hiệu quả. Trong chiến lược phát triển chỉ tập trung năng lực cốt lõi là sản xuất kinh doanh xi măng, không đầu tư kinh doanh ngoài ngành. Chính sách nợ đang được siết chặt và xử lý công nợ, nợ nội bộ một cách nghiêm túc.