Ngành xi măng lấy thị trường nội địa làm nền tảng cho sự phát triển
Ngành xi măng đi theo con đường phát triển bền vững, lấy thị trường nội địa làm “đại bản doanh”, luôn làm chủ tình thế và không để bị động và phụ thuộc thị trường bên ngoài.
Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) với DĐDN về việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu xi măng Việt Nam thời gian gần đây. Ông Nguyễn Quang Cung khẳng định, chính sách của ngành xi măng không phụ thuộc vào xuất khẩu, vì nếu thị trường xuất khẩu biến động, thậm chí dừng nhập khẩu thì ngành xi măng sẽ rơi vào tình trạng “ngập lụt” nguồn cung.
Trung Quốc thay đổi chính sách
Trước câu hỏi liệu có vấn đề gì đằng sau chuyện Trung Quốc tăng cường nhập khẩu xi măng Việt Nam, ông Cung đánh giá, là do thay đổi chính sách của Chính phủ Trung Quốc trong lĩnh vực này. Việc thay đổi chính sách của Trung Quốc trong lĩnh vực xi măng thì có nhiều vấn đề mà chúng ta không thể biết hết được. Nhưng có một thực tế, vào mùa đông Trung Quốc thường bị thiếu điện cho nên họ phải giảm bớt tiêu thụ điện. Từ đây dẫn đến một số nhà máy xi măng hiệu quả thấp sẽ bị buộc phải đóng cửa. Cụ thể, ở phương Bắc – là nơi gió thổi vào Bắc Kinh, có đến 50% nhà máy sản xuất xi măng đã bị dừng hoạt động . Ngoài ra, Trung Quốc cho dừng hàng loạt nhà máy là do vấn đề ô nhiễm môi trường.
“Cũng có thể đằng sau nội bộ của họ còn có nhiều vấn đề khác chứ không đơn thuần là cho dừng các nhà máy xi măng mà bản thân chúng ta không biết hết”, ông Cung chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
Sau "Hạ Long", "Sông Thao", Vicem có đủ sức gánh thêm Quang Sơn?
06:00, 16/09/2018
TCty Công nghiệp xi măng Việt Nam (Vicem): Gồng mình Tái cơ cấu những khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng
01:57, 15/09/2018
“Điểm mặt” những doanh nghiệp thua lỗ của Vicem
07:00, 11/09/2018
Vicem định hướng thị trường phát triển bền vững
11:10, 27/07/2018
Tuy nhiên, đến tháng 4/2018 Trung Quốc lại khôi phục lại, cho nên từ tháng 4 trở đi việc nhập khẩu xi măng của Việt Nam đã giảm xuống.
Đánh giá việc Trung Quốc nhập khẩu xi măng Việt Nam thời gian qua sẽ có tác động thế nào đến sự phát triển của ngành, ông Cung cho rằng, không phải vì Trung Quốc tăng cường nhập khẩu xi măng Việt Nam mà chúng ta sẽ tăng số lượng lên. Bản thân Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu xi măng lớn trong khu vực, do đó không phải vì thấy số lượng xuất khẩu xi măng sang Trung Quốc lớn mà lại tăng đầu tư để xuất khẩu, chúng ta vẫn giữ nguyên số lượng xi măng như trước đây.
“Bản chất của ngành xi măng là luôn luôn phải nghĩ đến việc tiết kiệm năng lượng, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Qua đó mới nâng được chất lượng, hạ giá thành sản xuất và mở rộng thị trường”, ông Cung nói.
Thị trường nội địa vẫn là nền tảng
Việc Trung Quốc cho dừng một loạt các nhà máy xi măng và chuyển sang nhập khẩu xi măng Việt Nam xuất phát từ việc ô nhiễm môi trường. Mặc dù, đây có thể được coi là cơ hội cho xuất khẩu xi măng Việt Nam, nhưng câu chuyện ô nhiễm môi trường, thiếu nguyên liệu sản xuất, cũng như điện của các nhà máy sản xuất xi măng Việt Nam cũng cần được bàn đến.
Theo ông Cung, nếu so sánh giữa 2 nền công nghiệp xi măng, thì công nghiệp xi măng Việt Nam tiến bộ hơn của Trung Quốc. Việt Nam có tỉ lệ dây chuyền công suất lớn hơn, trong khi đó Trung Quốc có nhiều dây chuyền công suất nhỏ, công nghệ chủ yếu do Trung Quốc tự sản xuất, còn công nghệ sản xuất xi măng của Việt Nam phần lớn nhập từ các nước phát triển, chủ yếu là các nước G7. Số lượng dây chuyền Việt Nam nhập từ Trung Quốc chỉ chiếm hơn 10% về khối lượng sản xuất.
“Do đó, việc ảnh hưởng đến môi trường từ các dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam ít hơn Trung Quốc”, ông Cung bày tỏ.
Còn vấn đề tiết kiệm năng lượng, theo ông Cung đây luôn là bài toán lớn đối với ngành xi măng, thậm chí đến 100 năm sau cũng vẫn phải suy nghĩ đến chuyện tiết kiệm năng lượng. Tiết kiệm năng lượng sẽ giảm được giá thành sản phẩm, cùng với tiết kiệm năng lượng thì cũng sẽ tiết giảm được ô nhiễm môi trường.
Trước việc Trung Quốc tăng cường nhập khẩu xi măng của Việt Nam, thì ngành xi măng sẽ có chiến lược như thế nào cho sự phát triển trong thời gian tới, ông Cung khẳng định "định hướng của ngành xi măng Việt Nam vẫn lấy thị trường nội địa làm nền tảng chính cho sự phát triển, chúng tôi không căn cứ vào xuất khẩu để hoạch định chính sách".