Nguy cơ thiếu trầm trọng nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0

Hồng Hương 18/09/2018 11:02

Đó là nhận đinh của TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông, Chủ tịch Hội đồng Bình chọn Chương trình “50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018”.

TS. Mai Liêm Trực cho rằng, với lợi thế về nguồn nhân lực trẻ năng động cũng như bắt kịp xu thế của thế giới trong CMCN 4.0, nhiều doanh nghiệp CNTT Việt Nam đã tập trung đầu tư và phát triển các công nghệ mới, các ứng dụng phát triển trên nền công nghệ 4.0 đang có những bước đột phá tại nhiều doanh nghiệp.

Nguồn nhân sự cho cách mạng công nghiệp 4.0 có nguy cơ thiếu trầm trọng

Nguồn nhân sự cho cách mạng công nghiệp 4.0 có nguy cơ thiếu trầm trọng

“Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia mạnh mẽ hơn vào “cuộc chơi 4.0”, kiến tạo một hình ảnh mới cho nền CNTT Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới…”, TS. Mai Liêm Trực nhìn nhận.

Tuy nhiên, vẫn còn một thực trạng đang là mối lo chung của nhiều doanh nghiệp đó là nguy cơ thiếu trầm trọng nguồn nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0, trong bối cảnh các bộ ngành, cơ quan – tổ chức tại Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số trong mọi hoạt động quản lý, sản xuất, kinh doanh…

Việc đào tạo và đào tạo lại nhân lực cho các công nghệ mới (như AI, IoT, Robotic, AR, VRR, Blockchain, Big Data…) và những kiến thức, kỹ năng phù hợp với sự phát triển, thay đổi của một “xã hội 4.0” và nền kinh tế số đang là một thách thức lớn đối với nền công nghệ Việt Nam.

Nói về thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cũng đồng thời nhấn mạnh: "Khi doanh nghiệp còn đang ở giai đoạn nhỏ, gọn như lúc này thì cần nhanh chóng chuyển đổi sang thời kỳ công nghệ số, làm quen với các công nghệ mới, như dữ liệu lớn, phân tích dữ liệu, học máy... Dù khó khăn nhưng cuộc cách mạng 4.0 đồng thời cũng là cơ hội lớn đối với chúng ta bởi chúng ta có sẵn nguồn nhân lực trẻ, tài năng."

Theo danh sách 50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam và 10 doanh nghiệp có năng lực công nghệ 4.0 tiêu biểu 2018 do Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vừa công bố mới đây, cho thấy các doanh nghiệp đang có sự phát triển mạnh mẽ, có khả năng tác động ảnh hưởng tới xu thế phát triển của thị trường và ngành CNTT tại Việt Nam.

Cũng theo số liệu thống kê của VINASA, các doanh nghiệp này có tổng doanh thu năm 2017 đạt 374.433 tỷ VND, tương đương 16,69 tỉ USD, doanh thu của lĩnh vực ứng cử là 71.857 tỷ đồng tương đương 3,2 tỷ USD, chiếm 35,5% doanh thu toàn ngành phần mềm và nội dung số và dịch vụ CNTT Việt Nam năm 2017; tổng số nhân lực là 92.795 người, chiếm 22,9% tổng số nhân lực toàn ngành.

Trong số này, có những đơn vị đang là doanh nghiệp “trụ cột” của nền công nghệ Việt Nam với tiềm lực lớn mạnh và sức tăng trưởng mạnh mẽ, như Tập đoàn Công nghiệp viễn thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT, Công ty cổ phần MISA, Công ty CMC, Công ty cổ phần VNG…

Cùng với đó, đại đa số các doanh nghiệp CNTT thuộc “Top 50” năm nay đều cho biết họ không chỉ tập trung vào các “bài toán” kinh doanh mà còn quan tâm đến việc đầu tư xây dựng năng lực công nghệ mới và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản phẩm – dịch vụ đáp ứng nhu cầu của xã hội. Chẳng hạn, FPT phát triển phần mềm cho xe tự hành và bắt đầu hợp tác cung cấp dịch vụ cho 1 số hàng xe lớn tại Nhật và châu Âu, Viettel đưa các công nghệ mới vào phát triển các sản phẩm – giải pháp cho các dự án về Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh…; hay VNG thành lập trung tâm nghiên cứu thử nghiệm ứng dụng IoT, AI…

Danh sách “50 doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam 2018” gồm 20 doanh nghiệp lĩnh vực BPO, IT Outsourcing và KPO; 28 doanh nghiệp lĩnh vực Phần mềm, giải pháp và dịch vụ CNTT; và 2 doanh nghiệp lĩnh vực Nội dung số, ứng dụng, giải pháp cho mobile. Cùng với đó, danh sách 10 doanh nghiệp đi đầu trong lĩnh vực công nghệ mới của cách mạng công nghiệp 4.0 theo công bố của VINASA bao gồm FPT, MISA, NashTech Vietnam, NOVAON, Sao Bắc Đẩu, Viettel, VNEXT, VNG, VNPAY.

Hồng Hương