Thật - giả và những cơn "đau đầu" của doanh nghiệp hữu cơ

Nguyễn Việt thực hiện 21/09/2018 16:00

Vấn đề thật - giả lẫn lộn luôn làm các doanh nghiệp hữu cơ chân chính phải “đau đầu”, đôi khi còn bị “tai bay vạ gió”.

ông Nguyễn Kim Tuấn, thành viên HĐQT Tập đoàn NTEA Việt Nam:

Ông Nguyễn Kim Tuấn, thành viên HĐQT Tập đoàn NTEA Việt Nam: "Một doanh nghiệp chân chính muốn giữ được thương hiệu của mình thì sẽ không thể đưa đến khách hàng một sản phẩm giả dối". Ảnh: Nguyễn Việt

Theo ông Nguyễn Kim Tuấn, thành viên HĐQT Tập đoàn NTEA Việt Nam, câu chuyện niềm tin ở đây đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

- Bắt đầu sản xuất chè hữu cơ từ năm 2012, nhưng tại thời điểm đó Việt Nam chưa có một tiêu chuẩn cụ thể nào về nông nghiệp hữu cơ. Việc này có ảnh hưởng đến quá trình phát triển sản phẩm chè sạch của tập đoàn không, thưa ông?

Đó là giai đoạn khó khăn nhất đối với NTEA. Để bắt tay vào sản xuất chúng tôi đã phải tự “mày mò” tìm kiếm các bộ tiêu chí, tiêu chuẩn trong nước, thậm chí phải ra nước ngoài sưu tầm tài liệu và học hỏi kinh nghiệm của các nước. Qua thực tế, tôi nhận thấy có tiêu chuẩn là một việc, nhưng áp dụng được lại là việc khác. Khi đưa những tiêu chuẩn từ nước ngoài về Việt Nam thì gần như không thể triển khai, từ cơ sở hạ tầng, con  người, kỹ thuật… đều rất khó thích ứng.

Và từ chuyến đi Israel đã mở ra cho tôi nhiều điều thú vị và ấn tượng. Đất nước này có tới 2/3 lãnh thổ là sa mạc nhưng tại sao nền nông nghiệp sạch của họ lại phát triển hàng đầu thế giới. Lúc này tôi mới hiểu, bản chất của hữu cơ là trong quá trình sản xuất, trồng trọt hay chăn nuôi, để tạo ra sản phẩm hữu cơ phải tuân thủ theo một quy trình tự nhiên, nhưng có sự kiểm soát.

- Tuy nhiên, hiện nay có nhiều cơ sở sản xuất tự gắn mác hữu cơ lên sản phẩm của mình nhưng không theo quy trình một quy trình nào, và cũng ít bị ai kiểm soát. Những trường hợp như vậy sẽ ảnh hưởng như thế nào đến các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ chân chính, thưa ông?

Vấn đề thật - giả lẫn lộn luôn làm các doanh nghiệp hữu cơ chân chính phải “đau đầu”, đôi khi còn bị “tai bay vạ gió”. 

Và câu chuyện ở đây là niềm tin có yếu tố đặc biệt quan trọng. Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ sạch phải củng cố được 3 niềm tin. Thứ nhất, niềm tin với người sản xuất. Thứ hai, niềm tin với người tiêu dùng. Thứ ba, niềm tin với các cơ quan chức năng.

Hiện nay, trên thị trường sản phẩm sạch hay bẩn, tốt hay xấu đang bị mất niềm tin một cách trầm trọng. Đơn cử, trong các siêu thị có bày bán sản phẩm dán nhãn mác hữu cơ, người hiểu về sản phẩm đó sẽ sẵn sàng mua dùng, người không hiểu thì hoài nghi, không biết sản phẩm đó có đúng hữu cơ hay không nhưng giá đắt hơn các sản phẩm cùng loại thì ngay lập tức "lắc đầu".

- Vậy theo ông người tiêu dùng nên đặt niềm tin vào những sản phẩm hữu cơ ở điểm nào?

Người tiêu dùng nên đặt niềm tin vào thương hiệu của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hữu cơ sạch. Vì một doanh nghiệp chân chính muốn giữ được thương hiệu của mình thì sẽ không thể đưa đến khách hàng một sản phẩm giả dối. Uy tín đồng nghĩa với sự tồn vong của doanh nghiệp và cũng không dễ dàng gì doanh nghiệp có thể mua được thương hiệu trong ngày một ngày hai.

- Xin cảm ơn ông!

Nguyễn Việt thực hiện