Ra mắt "siêu ủy ban": Sẽ tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách

Diễm Hương 30/09/2018 11:58

Hôm nay (30/9/2018) sẽ ra mắt Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, ước tính tổng giá trị tài sản lên tới hơn 2,3 triệu tỷ đồng của 19 TCty và Tập đoàn được bàn giao.

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam nằm trong 19

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt nam nằm trong 19 DN được bàn giao về CMSC

Đây là những thành phần nắm giữ những vị trí then chốt, yết hầu, xương sống của nền kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo. Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) ("Siêu Ủy ban") đóng vai trò giúp Chính phủ quản lý, giám sát có hiệu quả vốn và tài sản Nhà nước tại các doanh nghiệp; thực hiện các chủ trương về tái cơ cấu, thoái vốn, sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước.

Có thể bạn quan tâm

  • “Siêu ủy ban” quản lý vốn nhà nước như thế nào?

    06:16, 21/09/2018

  • "Siêu ủy ban" quản lý 5 triệu tỷ đồng sẽ hoạt động từ tháng 10 tới 

    00:59, 05/09/2018

  • “Siêu ủy ban” quản vốn nhà nước thế nào?

    05:34, 21/07/2018

  • “Siêu uỷ ban” sẽ quản trị doanh nghiệp thế nào?

    11:11, 23/06/2018

  • Xin ý kiến Thường vụ Quốc hội Dự thảo Nghị định về “siêu uỷ ban”

    11:00, 15/05/2018

  • Hành lang pháp lý riêng cho “siêu ủy ban”

    06:06, 25/02/2018

  • Tách chức năng quản lý vốn Nhà nước, đưa về “siêu Ủy ban”

    15:28, 12/02/2018

  • Chân dung Chủ tịch “siêu Ủy ban” quản lý 5 triệu tỷ đồng

    05:28, 10/02/2018

Xây dựng đồng bộ về thể chế pháp lý.

Theo chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09/NQ - CP ngày 03/02/2018 của Chính phủ về thành lập Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại Cty cổ phần, Cty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Tại nghị định quy định lần thứ 7 về chức năng và nhiệm vụ của Ủy ban quản lý vốn Nhà nước đã  được Thủ tướng ký ban hành số 131/2018/NĐ-CP ngày 29/9/2018. Theo đó, mô hình của một cơ quan chuyên trách như Ủy ban quản lý vốn nhà nước sẽ phải giải bài toàn: tách bạch chức năng chủ sở hữu nhà nước ra khỏi chức năng hoạch định chính sách, chức năng điều tiết và quản lý thị trường, qua đó đặt doanh nghiệp nhà nước vào vị thế cạnh tranh, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng. Điều này, theo các chuyên gia là đặc biệt quan trọng đối với các quốc gia chuyển đổi và tiến tới kinh tế thị trường đầy đủ.

Trong Nghị định Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cơ quan này gồm 9 đơn vị trực thuộc, trong đó có 4 đơn vị thực hiện chức năng tham mưu quản lý doanh nghiệp chia theo ngành, lĩnh vực như năng lượng, nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ và hạ tầng và các đơn vị tham mưu, hỗ trợ.

Tại buổi trao đổi với báo chí, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh cho biết: Ngay từ khi thành lập cơ quan đã triển khai chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử, và sớm nghiên cứu xây dựng phần mềm Bộ chỉ số giám sát, đánh giá hiệu quả doanh nghiệp để kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp được giao quản lý. Đồng thời cùng cán bộ biệt phái từ các bộ ngành xây dựng hệ thống các quy chế nghiệp vụ và quản trị nội bộ gồm hơn 40 quy chế. Theo đúng định hướng của Đảng và Nhà nước, góp phần vào quá trình đổi mới, sắp xếp và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trong thời gian tới.

Trong hệ thống quy chế này, đến nay Ủy ban đã cơ bản hoàn thành các quy chế nghiệp vụ quan trọng nhất về: tiếp nhận quyền đại diện sở hữu vốn nhà nước, quản trị vốn tại doanh nghiệp, giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả doanh nghiệp, thẩm định dự án và quản lý hoạt động đầu tư của doanh nghiệp, quy chế về người đại diện vốn, người quản lý doanh nghiệp..

Cho đến thời điểm này, Ủy ban đã hoàn thành xây dựng Đề án về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị trực thuộc và tổ chức thành lập Hội đồng tuyển dụng để thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy trình, thủ tục tuyển dụng, tiếp nhận 50 biên chế trong năm 2018 và dự kiến năm 2019 sẽ tuyển dụng đủ 150 biên chế có chất lượng đáp ứng khối lượng công việc đề ra. Theo kế hoạch, Ủy ban đã xây dựng và đang tiếp tục kiện toàn đồng bộ công tác Đảng, công đoàn, đoàn thanh niên theo đúng quy định.

Theo đó, Ủy ban sẽ áp dụng các tiêu chí quản trị hiện đại trên nền tảng ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhằm tăng cường tính minh bạch, kịp thời, hiện đại theo xu thế cuộc cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Chủ động trong công tác chuẩn bị trụ sở, trang thiết bị làm việc và bước đầu đẩy mạnh hợp tác quốc tế hướng chuyên nghiệp.

Cùng với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đồng bộ về thể chế pháp lý, quy trình, quy chế, nhân sự, cơ sở vật chất…Ủy ban đã sẵn sàng tiếp nhận các doanh nghiệp để quản lý thông suốt, không để hoạt động của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, gián đoạn khi chuyển giao về Ủy ban.

Nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước

Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh: Những khó khăn khi Ủy ban đi vào hoạt động chính thức là rất nặng nề, việc thực hiện quyền, trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp; tuân thủ các quy định của Chính phủ, Bộ Tài chính về chế độ quản lý tài chính doanh nghiệp, cơ chế giám sát về tài chính đối với các doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu. Quản lý đầu tư, sử dụng vốn nhà nước phù hợp chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển ngành quốc gia. Tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, công khai, minh bạch hoạt động kinh doanh, điều hành của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Theo đó, Ủy ban chủ động đề ra kế hoạch hoạt động giai đoạn 2018-2020 để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tập trung các nội dung như: Chỉ đạo triển khai kế hoạch kinh doanh năm 2019 của các doanh nghiệp trên cơ cở thúc đẩy ứng dụng, đầu tư cho đổi mới công nghệ, đổi mới sản phẩm, dịch vụ nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường hiệu quả kinh doanh và phát triển bền vững. Nghiên cứu, phối hợp với các doanh nghiệp đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý vốn nhà nước và xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển của từng doanh nghiệp phù hợp chiến lược phát triển ngành, nhu cầu của thị trường.Thúc đẩy sắp xếp, cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp theo các quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động của các Tập đoàn, TCty nhà nước sau khi Ủy ban được thành lập, ngay trong ngày 29/9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 131/2018/NĐ-CP hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban, Ủy ban thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp. Trên nguyên tắc đặt ra là chuyển giao nguyên trạng, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại buổi Lễ ra mắt, Ủy ban sẽ ký Biên bản hợp tác về chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 12 TCty và 7 Tập đoàn kinh tế với 05 Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thông tin Truyền thông và Tài chính.

Khối doanh nghiệp này hiện theo tổng hợp Báo cáo tài chính thời điểm 31/12/2017, giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu nhà nước của 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Ủy ban là trên 1 triệu tỷ đồng, tổng giá trị tài sản là hơn 2,3 triệu tỷ đồng.

Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là mô hình được Bộ KH&ĐT đưa ra lấy ý kiến trong dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước. Đây được xem là cơ quan chuyên trách quản lý doanh nghiệp nhà nước có sự tách bạch quyền sở hữu với quyền điều hành chính sách, có quy mô vốn và tài sản tại các doanh nghiệp.

19 TCty và Tập đoàn chuyển giao vềỦy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu:

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Thuốc lá Việt nam (Vinataba), Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood1), Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2), Tổng công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe), Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam.

Diễm Hương