Parkson thua vì sai chiến thuật?
Parkson đang có động thái sắp đóng cửa thêm một trung tâm thương mại tại khu phức hợp Cantavil An Phú, Quận 2, TP HCM.
Nếu đóng cửa Parkson Cantavil thì Parkson chỉ còn lại đúng 3 trung tâm thương mại tại TP.HCM gồm Parkson Hùng Vương (Quận 5), Parkson Saigon Tourist Plaza (Quận 1) và Parkson CT Plaza (Quận Tân Bình). Trước đó, Parkson đã phải lần lượt dừng hoạt động các trung tâm mua sắm tại Paragon (Quận 7) và Flemington (Quận 11).
Dấu hiệu đuối sức
Với 4 trung tâm thương mại đóng cửa từ năm 2015 đến nay, Parkson cho thấy dấu hiệu đuối sức trong cuộc đua giành thị phần bán lẻ tại thị trường họ từng đánh giá đầy tiềm năng. Bởi lẽ cách đây không lâu, đại gia bán lẻ này đặt mục tiêu mỗi năm sẽ mở 2-3 trung tâm tại các đô thị lớn của Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Parkson đã hết thời?
04:20, 16/05/2018
Parkson và kết cục buồn của "đại gia" kinh doanh trung tâm thương mại
07:07, 27/02/2018
Với phân khúc tiềm năng là khách hàng thu nhập cao, không quá khó hiểu khi Parkson có lợi nhuận rất khả quan giai đoạn 2005-2010 khi kinh doanh ở trung tâm TP. Hồ Chí Minh - khu dân cư có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước. Vẫn giữ chiến lược này trong giai đoạn sau đó, Parkson đã mở rộng thị trường ra ngoài trung tâm với Parkson Flemington ở quận 11 và Parkson Paragon ở quận 7.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế đi xuống do ảnh hưởng của khủng hoảng thế giới, người dân có xu hướng giảm dần chi tiêu mặt hàng xa xỉ đã khiến doanh thu của hãng bán lẻ này chững lại và thậm chí bị thua lỗ. Lý do là bên cạnh phải trang trải chi phí để duy trì các trung tâm cũ, Parkson phải lo chi phí để mở rộng trung tâm mới.
Khi được phỏng vấn, CEO của Parkson Việt Nam lúc đó - ông Tham Tuck Choy cho rằng: "Dù thị trường tăng trưởng chậm lại trong năm 2013 do kinh tế khó khăn nhưng chúng tôi vẫn mở thêm khu mua sắm vì tin tưởng Việt Nam là thị trường đầy tiềm năng trong tương lai và vẫn tiếp tục đổ tiền đầu tư".
Ông này cũng nói thêm rằng đầu tư vào khu vực nội đô Sài Gòn và nhiều quận khác là lời cam kết đầu tư lâu dài của Parkson; mỗi năm Parkson sẽ mở trung bình 2-3 trung tâm thương mại nữa. Thực tế đã chứng minh việc mở rộng thị trường của Parkson đã không mang lại kết quả như mong đợi, dù tăng trưởng kinh tế đã hồi phục những năm gần đây.
Thất bại vì “lười” thay đổi phong cách
Parkson đã phải chịu mức lỗ lũy kế kéo dài trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế cùng với việc mở rộng địa bàn hoạt động để tìm kiếm thêm các đối tượng cao cấp mới, xong mức tiêu thụ hàng hóa xa xỉ ở Việt Nam còn thấp phần nào khiến Parkson phải đóng cửa thêm trung tâm thương mại tại quận 11, TP HCM, nhằm tiết kiệm chi phí khi doanh thu không đủ bù đắp mức lỗ lũy kế quá lớn.
Đánh giá việc Parkson liên tục phải “rút lui” khỏi “đấu trường” ngành bán lẻ tại Việt Nam, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú từng bình luận, trong cơ chế thị trường, việc đóng - mở là việc bình thường và không có gì "ghê gớm".
Nhưng điều quan trọng, sức mua của nhóm ngành hàng mà Parkson kinh doanh không có xu hướng tăng. Vì mặt hàng quá cao cấp, trong khi tỉ lệ người giàu ở Việt Nam chỉ chiếm khoảng 15% - 20% có mức thu nhập từ 12 đến 15 triệu đồng, còn lại khoảng 80% là những người nghèo, người có mức thu nhập thấp đến trung bình.
Cho nên, xu hướng bây giờ là mua hàng bình dân. Có những trung tâm trường vốn vẫn cố gắng trụ vững để giữ thương hiệu nhưng hiệu quả thấp.
Còn theo chuyên gia đào tạo về bán lẻ của Trung tâm BSA, ông Phạm Trọng Chinh, sự tàn lụi của Parkson đã được dự đoán trước từ cách đây 3 năm, khi đơn vị này đóng cửa TTTM đầu tiên. Câu chuyện của Parkson chỉ thuần túy nằm ở yếu tố cạnh tranh, trong khi các đối thủ liên tục đổi mới để thu hút khách hàng thì Parkson lại “lười” thay đổi từ phong cách đến phương pháp kinh doanh.
Bên cạnh đó, Parkson vẫn giữ mô hình kinh doanh nhắm vào giới thu nhập cao, ít có các hoạt động hướng tới giới thu nhập trung bình hoặc khách hàng tiềm năng ở những đối tượng khác… Việc này đã dần khiến Parkson mất khách hàng, doanh thu tụt giảm nghiêm trọng và tình trạng thua lỗ kéo dài trong những năm qua.