Vì sao kinh doanh xăng dầu chưa bao giờ thua lỗ?
Tại sao hoạt động kinh doanh xăng dầu lúc nào cũng có lợi nhuận mà không thua lỗ? Để hiểu hơn về vấn đề này, DĐDN đã có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long xung quanh câu chuyện này.
- Sau khi điều chỉnh tăng 320 đồng/lít cách vào ngày 21/9, ngày 6/10 vừa qua giá xăng lại tiếp tục tăng thêm 675 đồng/lít. Theo ông, điều này ảnh hưởng như thế nào đến chi phí đầu vào của doanh nghiệp?
Xăng là một thành tố trong chi phí đối với những doanh nghiệp kinh doanh trực tiếp như vận tải, đánh bắt xa bờ, nhà máy sản xuất điện dùng dầu… Việc thay đổi giá xăng dầu, cụ thể là tăng giá xăng dầu không chỉ tác động trực tiếp rất lớn đến các doanh nghiệp này, mà còn tác động gián tiếp đến gười tiêu dùng, bởi chi phí hoạt động của doanh nghiệp tăng có thể tác động tới giá thành của sản phẩm.
- Với việc tăng mạnh giá xăng lần này, theo ông chúng ta có giữ được mức lạm phát 4% như mục tiêu đã đề ra hay không?
Việc tăng giá xăng đã được tính toán, tăng ở mức độ này hay còn tiếp tục tăng thì sẽ dùng quỹ bình ổn giá xăng dầu để bù trừ. Theo tôi được biết, hiện nay có động thái mới của giá xăng dầu, đó là có thể sau ngày 4/11 Mỹ chưa áp đặt lệnh trừng phạt Iran. Bên cạnh đó, Ả Rập Saudi hứa sẽ đảm bảo nguồn cung dầu ra thị trường thế giới. Dự báo giá dầu thế giới có thể tăng lên 100USD/thùng, nhưng khả năng này còn hạn chế. Vì vậy, việc giữ mức lạm phát 4% trong năm nay là khả thi và thực hiện được.
- Có nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng giá xăng dầu vừa qua là giúp nhóm doanh nghiệp độc quyền xăng dầu không bị giảm lợi nhuận, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
Nhà nước đã quy định cố định lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu là 300 đồng/lít. Việc của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bây giờ là phải tiết giảm chi phí kinh doanh và lợi nhuận cho các đại lý thì doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu sẽ có lãi.
Có thể bạn quan tâm
Giá xăng và “tác động kép”
05:18, 09/10/2018
Chiều 6/10, giá xăng được điều chỉnh tăng cao nhất kể từ đầu năm 2018
16:24, 06/10/2018
Thuế xăng dầu tăng kịch trần: Tăng áp lực cho doanh nghiệp ngành vận tải!
11:02, 02/10/2018
“Trăm dâu” đổ đầu xăng dầu
11:30, 30/09/2018
Thuế xăng dầu tăng kịch trần, vận tải điêu đứng
09:12, 27/09/2018
Đã nên "thả nổi" giá xăng dầu theo thị trường?
06:47, 27/09/2018
Tăng kịch trần thuế môi trường với xăng dầu: Áp lực tăng giá hàng hóa
06:16, 26/09/2018
- Hiện nay nhóm doanh nghiệp xăng dầu độc quyền được hưởng “lợi nhuận định mức”, nghĩa là bất chấp giá xăng dầu thế giới tăng hay giảm, họ vẫn được một khoản lợi nhuận cố định trên một đơn vị xăng dầu. Ông đánh giá như thế nào về cơ chế này?
Petrolimex hiện chiếm 48% thị phần, do đó doanh nghiệp này đang thống lĩnh thị trường. Petrolimex, PVOil và Saigon Petro đang kiểm soát trên 60% thị phần, nên được coi là đang thống lĩnh thị trường.
Dư luận đặt câu hỏi, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu mặc nhiên được hưởng 300 đồng lợi nhuận/lít xăng là điều vô lý. Tại sao hoạt động kinh doanh xăng dầu lúc nào cũng có lợi nhuận mà không có lỗ. Vấn đề, giá do nhà nước quy định, còn nếu để thị trường quy định giá bán lẻ thì nhà nước sẽ không quy định 300 đồng này nữa. Nhà nước tính giá cơ sở với yếu tố đó là đã theo sát giá thị trường, do đó có thể có doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu lỗ hoặc lãi. Theo tôi, giá này nhà nước đã tính toán khá hợp lý, ví dụ các loại thuế, chi phí kinh doanh, chi phí bình ổn, lợi nhuận định mức… thì sẽ ra được giá bán lẻ.
Vì vậy, nếu doanh nghiệp nào tính toán đúng công thức đó thì đảm bảo có lợi nhuận, nếu nhập khẩu xăng dầu với giá cao, chi phí kinh doanh nhiều, chiết khấu cho đại lý quá lớn thì sẽ bị lỗ. Còn tại sao nhà nước phải quy định lợi nhuận 300 đồng như vậy? Vì nhà nước vẫn còn định giá, cho nên vẫn phải quy định lợi nhuận cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu. Nếu để thị trường quyết định giá thì nhà nước không cần quy định như vậy.
Nhiều người thắc mắc tại sao với cơ chế thị trường mà doanh nghiệp xăng dầu lại được cộng 300 đồng. Theo tôi, việc được cộng 300 đồng/lít xăng với các loại chi phí do nhà nước quy định là hợp lý.
- Hiện nay không ai có thể kiểm soát được giá nhập khẩu xăng dầu thực sự là bao nhiêu, chất lượng như thế nào, chi phí ra làm sao. Điều này vẫn nằm trong vòng bí mật của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trong nhiều năm nay. Có ý kiến cho rằng cần xóa bỏ cơ chế độc quyền để tạo ra thị trường xăng dầu minh bạch, cạnh tranh lành mạnh?. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Theo tôi, công thức tính giá cơ sở hiện nay đã rất minh bạch, công khai. Mấu chốt ở đây là lấy giá CIF làm sao cho hợp lý (giá tại cửa khẩu của bên nhập, đã bao gồm chi phí bảo hiểm, vận chuyển hàng hoá tới cửa khẩu của bên nhập). Hiện nay có nhiều doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ nhiều nguồn khác nhau, như thị trường, mức thuế, chi phí bảo hiểm, chi phí vận tải… bây giờ phải lấy giá nào làm chuẩn để làm giá cơ sở.
Nhưng nhiều doanh nghiệp xăng dầu lấy giá của Petrolimex làm chuẩn là chưa hợp lý.
- Xin cảm ơn ông!