Doanh nghiệp khúc mắc phân loại “cần trục bánh lốp” và “xe cần cẩu”

Nguyễn việt 15/10/2018 11:00

Doanh nghiệp muốn được làm rõ vấn đề phân loại mã số hàng hóa đối với mặt hàng nhập khẩu cần trục bánh lốp của Tổng cục Hải quan và Cục Đăng kiểm.

xét về góc độ tính thuế thì mặt hàng của công ty phải mang mã số “ô tô”, nhưng xét về góc độ quản lý chuyên ngành thì mặt hàng của chúng tôi lại được coi là “máy móc”.

Theo Thông tư 13/2015TT-BGTVT thì tất cả các loại cần trục bánh lốp theo mô tả trong Mục 3.4.1 của TCVN 7772:2007 sẽ phải thuộc mã HS 8426.41.00, thế nhưng Tổng cục Hải quan vẫn muốn doanh nghiệp phải phân loại vào mã ô tô cần cẩu – mã số 8705.10.00 – “xe cần cẩu”

Trong Công văn số 5266/TCHQ-TXNK cho rằng, các cần trục bánh lốp có hai cabin riêng biệt có kết cấu tương tự như ô tô cần cẩu được nêu tại Mục 3.4.2 của TCVN7772:2007. Trong khi đó, tại Mục 3.4.2 của TCVN 7772:2007 có mô tả về đặc điểm của ô tô cần cẩu như sau: 3.4.2 có tên gọi ô tô cần cẩu (cần trục ô tô); Đặc điểm: Được mô tả trong TCVN 7271-2003 và không thuộc loại cần trục bánh lốp.

Doanh nghiệp khẳng định không nhập ô tô cần cẩu

Và tại Mục 3.3.9 của TCVN 7271-2003 quy định về đặc điểm của ô tô cần cẩu: “Ô tô chuyên dùng (3.3) có lắp cần cẩu và thiết bị chỉ để thực hiện các công việc nâng, hạ. Trong đó, ô tô chuyên dùng là ô tô có kết cấu và trang bị để thực hiện một chức năng, công dụng đặc biệt”.

Có thể bạn quan tâm

  • Mặt hàng cần trục bánh lốp bị hồi tố thuế nhập khẩu

    Mặt hàng cần trục bánh lốp bị hồi tố thuế nhập khẩu

    05:30, 14/10/2018

Tuy nhiên, thực tế theo ông Nguyễn Văn Huynh – Giám đốc công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Đức Huynh, mặt hàng công ty nhập khẩu không phải là loại ô tô cần cẩu hay xe cần cẩu như Tổng cục Hải quan đã nhận định trong Công văn 5266, vì các xe ô tô cần cẩu hay xe cần cẩu là xe ô tô tải có gắn cẩu, có chassis là ô tô tải thương mại, các kích thước phải tuân theo quy định dành cho ô tô tải, khi lưu hành phải tuân thủ các quy định dành cho ô tô tải, biển kiểm soát do công an quản lý.

Trong khi đó, các mặt hàng công ty TNHH Vận tải và Xây dựng Đức Huynh nhập khẩu có chassis nguyên khối chuyên dùng của nhà sản xuất cẩu (chasis hình chữ Y hoặc hình hộp 2 chữ Y) tương ứng sức nâng của cẩu, chỉ dùng trong phạm vi hẹp, khi di chuyển thường phải tháo rời hoặc xin giấy phép lưu hành đặc biệt, biển kiểm soát do cơ quan giao thông quản lý.

“Với những đặc điểm, cấu tạo như trên, mặt hàng chúng tôi nhập khẩu phải được coi là cần trục bánh lốp theo mô tả trong Mục 3.4.1 của TCVN 7772:2007, chứ không phải là mặt hàng tương tự xe cần cẩu theo mô tả trong Mục 3.4.2 của TCVN 7772:2007”, ông Huynh kiến nghị.

Ông Huynh cho biết thêm, việc phân biệt 2 Mục này là rõ ràng về mặt tiêu chí, làm rạch ròi được 2 dòng xe. Và vì vậy không thể “lòi” ra một phần tử xe nào vừa thuộc Mục 3.4.1, vừa thuộc Mục 3.4.2 như Tổng cục Hải quan đề nghị áp vào mã 8705.10.00.

“Việc Tổng cục Hải quan căn cứ vào mô tả trong Mục 3.4.2 của TCVN 7772:2007 để xác định mặt hàng doanh nghiệp chúng tôi nhập khẩu là ô tô cần cẩu hay xe cần cẩu là không phù hợp với bản chất và đặc điểm của mặt hàng”, ông Huynh nhấn mạnh.

Mâu thuẫn phân loại mã số hàng hóa

Còn theo ông Nguyễn Ngọc Đức, Giám đốc công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ Vạn Phước Hưng, căn cứ theo Thông tư 13/2015TT-BGTVT thì tất cả các loại cần trục bánh lốp theo mô tả trong Mục 3.4.1 của TCVN 7772:2007 sẽ phải thuộc mã HS 8426.41.00, thế nhưng Tổng cục Hải quan vẫn muốn doanh nghiệp phải phân loại vào mã ô tô cần cẩu – mã số 8705.10.00 – “xe cần cẩu” là vô lý.

Ông Đức cho rằng, trường hợp mặt hàng chúng tôi nhập khẩu được phân loại vào mã ô tô cần cẩu, thì khi nhập khẩu doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định tại các văn bản như: Nghị định 12/2006/NĐ-CP ngày 23/1/2006 quy định chi tiết thi hành thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với  nước ngoài; Nghị định 187/2013/NĐ-CP ngày 20/11/2013 quy định  chi tiết thi hành luật thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và các hoạt động đại lý mua, bán, gia công và quá cảnh hàng hóa với nước ngoài; Nghị định 69/2018NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương (tùy theo từng thời điểm).

Nếu áp dụng theo quy định của các văn bản pháp luật này thì thời hạn sử dụng của mặt hàng ô tô cần cẩu sẽ không được quá 5 năm tính từ năm sản xuất đến năm nhập khẩu. “Trong khi đó, chúng tôi nhập khẩu không hề có giới hạn sử dụng, nhưng Tổng cục Hải quan vẫn yêu cầu doanh nghiệp  phải phân loại mặt hàng trên là ô tô cần cẩu là chưa thể hiện sự nhất quán trong việc giám sát phân loại hàng hóa”, ông Đức cho biết.

Bởi theo ông Đức, xét về góc độ tính thuế thì mặt hàng của công ty phải mang mã số “ô tô”, nhưng xét về góc độ quản lý chuyên ngành thì mặt hàng của chúng tôi lại được coi là “máy móc”. “Chính việc này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến doanh nghiệp chúng tôi trong quá trình thực hiện thủ tục kê khai hải quan khi nhập khẩu hàng hóa”, ông Đức chia sẻ.

Nguyễn việt