Phúc Sinh Sơn La: Nâng tầm cà phê arabica Việt Nam trên bản đồ quốc tế
Công ty Cổ phần Phúc Sinh (Phúc Sinh Group) chính thức khánh thành nhà máy cà phê Phúc Sinh Sơn La tại Bản Mạt, Xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La.
Đây là nhà máy thứ sáu trong hệ thống của Phúc Sinh Group được đưa vào hoạt động sau 5 nhà máy Cà phê và Gia vị, nông sản tại Bình Dương, Đắk Lắk, tiếp tục nâng cao năng suất xuất khẩu cà phê Sơn La chuẩn UTZ và BRC ra thế giới. Nhà máy Phúc Sinh Sơn La có tổng quy mô 45 hecta, giai đoạn I với vốn đầu tư trên 100 tỷ đồng đã hoàn thành sau 8 tháng xây dựng. 100% lao động tại nhà máy là người dân địa phương, được Phúc Sinh đào tạo các quy trình thu hái, chế biến, xuất khẩu… tuân thủ tiêu chuẩn cà phê quốc tế. Nhà máy Phúc Sinh Sơn La chính thức đi vào hoạt động sẽ cung cấp cà phê chỉ dẫn địa lý Arabica Sơn La, năng suất 20,000 tấn cà phê tươi/ năm, phục vụ cho thị trường xuất khẩu, tiêu dùng Việt Nam và tiến tới nâng cao năng suất đáp ứng nhu cầu trong nước và quốc tế.
Arabica - Món quà vô giá của thiên nhiên và con người Tây Bắc
Sơn La có địa hình đồi núi xen kẽ các thung lũng với 2 cao nguyên Nà Sản – Mộc Châu, tạo nên các tiểu vùng khí hậu khác nhau, ôn hòa và có 2 mùa tương phản, với nền đất đỏ vàng tầng dầy và phì nhiêu, rất phù hợp cho phát triển cây công nghiệp, trong đó có cây cà phê. Cà phê Arabica được trồng trên địa hình địa lý ấy, hấp thu thổ nhưỡng, đất đai, lại nằm ở vĩ độ khá cao về phía Bắc ít phải tưới, đã chưng cất tinh hoa đất trời và tâm sức con người, trở thành sản vật vô giá.
Với sức sống mãnh liệt, không phải chịu cảnh cao nguyên khô hạn khi vào mùa, ở trong điều kiện thổ nhưỡng đặc biệt, nên cà phê Arabica nơi đây có vị ngon đặc biệt, có thể được mô tả: Sau khi rang xay hạt cà phê toát ra mùi nồng ấm của gỗ lâu năm, và sau khi ủ nước nóng hương thơm toả ra từ hơi nóng - là mùi chua thanh của trái cây rừng rất đặc trưng, và khi hương vị này chạm vào lưỡi sẽ để lại hậu vị ngọt dịu, lâu của mật ong rừng, không phải vị đắng như những loại cà phê khác. Để mô tả chính xác nhất vị ngon đặc biệt của sản vật ấy, là cảm giác như hoa nở lan toả, thức tỉnh hết cả giác quan khi từng giọt cà phê thấm hết với lưỡi.
Được nhiều hộ nông dân và chính quyền địa phương tích cực phát triển, đến nay diện tích cà phê Arabica toàn tỉnh Sơn La đạt trên 17.817 ha, sản lượng cà phê nhân tính đến cuối 2017 đạt trên 60.000 tấn.
Sản lượng cà phê nói trên vẫn được xem là thấp so với tiềm năng và giá trị đời sống kinh tế, thương hiệu địa phương mà cà phê Arabica của Sơn La có thể mang lại. Nguyên do chủ yếu là việc sản xuất cà phê bao năm qua vẫn loay hoay với các vấn đề như: Canh tác cà phê còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, xây dựng địa bàn sản xuất tập trung rời rạc và không có tính bền vững, chưa hình thành được mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu, hay hoạt động thu mua, sơ chế sản phẩm chủ yếu còn nhỏ lẻ, việc phơi sấy còn thủ công, lạc hậu.
Ngoài ra, mối liên kết giữa người trồng cà phê và doanh nghiệp trong sản xuất, chế biến, kiểm soát chất lượng cà phê còn rất lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng hạt cà phê bị buông lỏng, việc tiêu thụ thiếu tính bền vững và phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường xuất khẩu, sản phẩm chủ yếu xuất hạt thô không có thương hiệu, có khi trở thành một nguyên liệu của Việt Nam được gắn nhãn hiệu cà phê Brazil. Quan trọng hơn, Sơn La còn thiếu vắng nhà máy chế biến các sản phẩm từ cà phê với quy mô và năng suất lớn, đáp ứng các yêu cầu về phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.
Cam kết chất lượng cùng “Phúc Sinh Blue Sơn La”
Nhận thấy khoảng trống còn lớn trong sản xuất, kinh doanh và xây dựng thương hiệu của cà phê Arabica Sơn La, bằng kinh nghiệm của một nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhiều năm liền giữ vị trí số 1 về xuất khẩu tiêu Việt Nam với 8% thị phần tiêu thế giới và tâm huyết của nhà chế biến cà phê tươi, kinh doanh cà phê nguyên liệu đến mọi thị trường khó tính nhất, Phúc Sinh đã đầu tư, xây dựng nhà máy hiện đại, công nghệ tiên tiến trên dây chuyền sản xuất cà phê ướt Arabica nhập khẩu từ Colombia và áp dụng mọi tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế mà Phúc Sinh đang tuân thủ trên toàn các nhà máy thuộc hệ thống.
Tại Sơn La, từ vùng trồng, Phúc Sinh phối hợp cùng các hộ sản xuất, nông dân để cùng với người trồng cà phê thực hiện các yêu cầu của chuẩn UTZ. Đội ngũ nhân viên kỹ thuật của Phúc Sinh đến từng nông hộ để giúp nông dân hiểu về quy trình tưới nước tiết kiệm, bón phân hữu cơ, cách sử dụng các hóa chất nông nghiệp: vi sinh, kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM), cách thức thu hái, phơi phóng an toàn, cách đóng gói nguyên liệu, vận chuyển đến kho…Quy trình đào tạo và chuyển giao công nghệ được Phúc Sinh Sơn La áp dụng liên tục để góp phần mở rộng hơn nữa vùng trồng, nâng cao sản lượng cho tương xứng với tiềm năng của sản vật vùng Tây Bắc. Đây cũng sẽ là nền tảng, đòn bẩy để thực hiện nâng tầm giá trị cà phê Blue Sơn La của Phúc Sinh Sơn La.
Tại Lễ khánh thành Nhà máy Phúc Sinh Sơn La, ông Cầm Ngọc Minh, Phó Bí thư tỉnh ủy – Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La phát biểu: “Giai đoạn 2019-2020 và các năm tới, tỉnh Sơn La xác định tiếp tục tập trung cao cho việc duy trì, phát triển các chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản là khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của nhân dân. Với định hướng đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ tỉnh Sơn La đã tập trung cao cho hoạt động xúc tiến, mời các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có nhiều bạn hàng ở các thị trường trên thế giới tham gia đầu tư sản xuất, chế biến nông sản trên địa bàn tỉnh. Sự kiện khánh thành Nhà máy chế biến sâu tinh chế cà phê từ sản phẩm cà phê Sơn La của Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La tại xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn với công suất 5.000 tấn sản phẩm (được đầu tư đồng bộ, hiện đại về dây truyền sản xuất, hệ thống xử lý nước thải); giá trị sản phẩm xuất khẩu của Nhà máy dự kiến đạt khoảng 28,42 triệu USD, là minh chứng rõ rệt nhất cho quyết tâm của Đảng bộ, Chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Sơn La và sự vào cuộc kịp thời, trách nhiệm, hiệu quả cao của cộng đồng các doanh nghiệp nói chung và của Công ty Cổ phần Phúc Sinh Sơn La nói riêng.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, từ trước đến nay, Việt Nam được biết đến trên bản đồ cà phê thế giới như là một quốc gia cung cấp cà phê Robusta đứng vị trí thứ 2 về sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, cà phê Việt Nam vẫn ấp ủ sản vật vô giá chưa hoàn toàn được khơi mở.
“Arabica của đất Tây Bắc với thương hiệu Blue Sơn La, sở hữu những đặc tính riêng biệt với mùi thơm hương hoa và vị ít đắng nhưng chua thanh,hậu vị ngọt nhẹ của mật ong rừng, hoàn toàn thoả mãn những tiêu chí khắt khe về hương và vị, có thể được xếp vào hàng cà phê đặc biệt -Specialty Coffee, sánh ngang với những cái tên danh tiếng như Jamaica Blue Sơn La và Hawaii Kona Coffee.
Sản vật cà phê Arabica tuyệt vời ấy đã được các chuyên gia của Phúc Sinh Group phát hiện qua nếm thử cà phê thương phẩm của người nông dân, tự trồng và chế biến tại địa phương. Vào thời khắc phát hiện vị ngon riêng có so với các loại cà phê Arabica từng được biết ở các khu vực trồng rải rác khác tại Đà Lạt hay Quảng Trị, Nghệ An, và lại đang ở một nơi tuy có điều kiện để phát triển vùng trồng nhưng hoàn toàn thiếu vắng đầu tư quy mô để chế biến sâu, nâng giá trị nguyên liệu ban đầu, Phúc Sinh đã quyết định đầu tư dài lâu vào Sơn La.
Đến nay, với một nhà máy chế biến đạt tiêu chuẩn toàn cầu của BRC và các nông trại được triển khai theo tiêu chuẩn UTZ, Phúc Sinh Group tin tưởng sẽ khai mở thực sự, nâng tầm giá trị sản vật Sơn La với thương hiệu Blue Sơn La, qua đó đánh dấu vị thế mới của Việt Nam trên bản đồ cà phê chất lượng toàn cầu”, ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, khẳng định.
Ngay sau sự kiện khánh thành Nhà máy Phúc Sinh Sơn La giai đoạn I với sự tham gia chứng kiến của các Lãnh đạo Trung ương, địa phương, hơn 300 đối tác quốc tế và trong nước của Phúc Sinh Group cùng đại diện các phương tiện truyền thông, đại diện Phúc Sinh Group cũng cho biết, song song với quá trình đồng hành cùng bà con nông dân vùng Tây Bắc, tăng cường đầu tư ổn định thu mua, chế biến, nâng tầm thương hiệu, gia tăng giá trị và xuất khẩu Blue Sơn La từ nhà máy Phúc Sinh Sơn La đến các thị trường, Phúc Sinh Group sẵn sàng tiếp tục đầu tư giai đoạn II theo lộ trình, gắn bó dài hạn, bền vững tại địa phương.