Chọn nhà đầu tư chiến lược từ bài học đắt giá của Hãng phim truyện Việt Nam
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chọn nhà đầu tư chiến lược cần phải lựa chọn nhà đầu tư hoạt động trong ngành nghề phù hợp với lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đang cổ phần hóa.
Câu chuyện cổ phần hóa của Hãng phim truyện Việt Nam (VFS) trong thời gian qua đã gây dư luận không tốt xoay quanh câu chuyện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Ngay từ việc định giá với thương hiệu hơn 60 năm của mình mà VFS chỉ được định giá 0 đồng, chưa kể hàng loạt các khu đất vàng mà doanh nghiệp đang sở hữu, tiếp đến là việc nhà đầu tư chiến lược không có chuyên môn và năng lực liên quan đến hoạt động văn hóa nghệ thuật… Hàng loạt các vấn đề nổi cộm trên đã khiến việc cổ phần hóa phải thanh tra lại.
Và đến ngày 19/9/2018, Thanh tra Chính phủ đã có kết luận về quá trình cổ phần hóa của VFS. Kết luận đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình cổ phần hóa và cổ đông chiến lược của VFS là VIVASO (Tổng công ty Vận tải thủy) sẽ buộc phải thoái vốn khỏi hãng phim này.
Tuy nhiên, những tưởng mọi việc đã giải quyết xong thì Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch gửi tới VFS công văn 4974/BVHTTDL-KHTC về việc thực hiện kết luận thanh tra công tác cổ phần hóa VFS vào ngày 12/11.
Theo công văn có mục 4.2: Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm nội dung về mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ, phát triển thị trường, giải pháp sử dụng nguồn nhân lực... để Hội đồng quản trị, Ban giám đốc xem xét, phê duyệt bổ sung vào Kế hoạch hoạt động của Công ty trong thời gian tới.
Mục này đã khiến các nghệ sĩ VFS thắc mắc vì họ cho rằng VIVASO đang phải thoái vốn khỏi VFS, không có tư cách để tham gia vào việc lập kế hoạch phát triển hãng. TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, việc làm trên một phần muốn cho các nhà đầu tư chiến lược sau sẽ có thể tham khảo, tiếp tục mục tiêu kinh doanh, nhằm giữ vững tôn chỉ mục đích của doanh nghiệp đang cổ phần hóa. Trong trường hợp của VFS, là một trong những hãng phim truyện lâu đời và nổi tiếng nhất Việt Nam, việc lựa chọn một nhà đầu tư chiến lược phù hợp là rất quan trọng, liên quan đến định hướng, văn hóa của nhà nước.
Liên quan đến vấn đề định giá doanh nghiệp, theo TS Hiếu, cần đánh giá độc lập từ các công ty kiểm toán độc lập để có được giá trị thực tế của doanh nghiệp, cân đối kế toán, đề phòng trường hợp đẩy giá công ty lên cao nhằm phục vụ mục đích nhóm. Đặc biệt trong câu chuyện VFS, doanh nghiệp sở hữu nhiều khu đất vàng tại Hà Nội, TP HCM, TS Hiếu cho biết, để định giá đúng giá trị bất động sản, các công ty thẩm định giá độc lập có những phương pháp độc lập, đánh giá. “Thứ nhất, họ có thể sử dụng biện pháp so sánh thị trường, so sánh bất động sản khu đó với chung quanh. Thứ hai, họ đánh gia theo lợi nhuận bất động sản đó mang lại cho doanh nghiệp trong tương lai, dùng dự báo đó để có tỷ lệ triết khấu dòng tiền định giá bất động sản”.
Có thể bạn quan tâm
Định giá doanh nghiệp và câu chuyện cổ phần hóa VFS
13:20, 23/09/2018
30 ngày để thanh tra quá trình cổ phần hóa VFS
11:04, 13/10/2017
“Khoảng tối” sau cổ phần hóa của VFS
16:55, 06/10/2017
Cũng theo TS Hiếu, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, cần xét duyệt công ty hiện hữu thực hiện chức năng phù hợp với định hướng kinh doanh. Như VFS nên chọn nhà đầu tư cũng hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.