Tái khởi động hay chấm dứt hoạt động Mỏ sắt Thạch Khê?
Từ góc nhìn và quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh, ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, dừng dự án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê là có cơ sở khoa học và thực tiễn.
Tiếp tục khai thác hay cam chịu mất vốn?
Phân tích so sánh giữa được và mất, lợi ích và thiệt hại, kinh tế và môi trường, tại Hội thảo: “Đánh giá và cân nhắc những vấn đề trước khi thực hiện hoạt động khai thác Mỏ sắt Thạch Khê tỉnh Hà Tĩnh” do Liên minh Khoáng sản và Hội Địa chất Việt Nam phối hợp tổ chức, các nhà khoa học đề xuất 2 phương án đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.
Phương án 1: Tái khởi động dự án khai thác, tiếp nối những công việc đã làm, bất chấp những rủi ro, tác động rất xấu đến môi trường không khí, đất, nước, biển và an sinh xã hội… mà việc khắc phục chúng cần nhiều kinh phí, sẽ đẩy giá thành sản xuất quặng lên cao, không có hiệu quả kinh tế.
Trước khi khai thác cần chứng minh khả năng tài chính của TIC, cần làm rõ thị trường tiêu thụ quặng; không xuất khẩu quặng thô theo quy định của Đảng và Nhà nước; chọn công nghệ khai thác hiện đại do cách mạng công nghiệp 4.0 đem lại; xây dựng đầy đủ luận cứ khoa học về bảo vệ nước ngầm trong cồn cát, chống xâm nhập mặn, ngăn ngừa hoang mạc hóa; bảo vệ môi trường biển khi đổ thải; đề xuất giải pháp thực tế đảm bảo người dân có ruộng đất canh tác, đảm bảo an sinh xã hội trên vùng đất Hà Tĩnh nghèo khó.
Có thể bạn quan tâm
Phương án 2: Chấm dứt hoạt động dự án, cam chịu mất phần vốn đầu tư đã bỏ ra (1.589,59 tỷ đồng), nhưng tránh được tất cả các rủi ro không mong muốn có thể xảy ra trong suốt đời dự án 52 năm; Không khai thác mỏ sắt Thạch Khê trong giai đoạn hiện nay là phù hợp với Chiến lược Khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Cần đưa mỏ này vào dự trữ quốc gia theo Điều 29, Luật Khoáng sản, để dành tài nguyên cho các thế hệ mai sau, đảm bảo phát triển bền vững Việt Nam theo Chương trình nghị sự 21 đã công bố.
Theo GS.TSKH Đặng Trung Thuận, Hội Địa hóa Việt Nam, khai thác quặng sắt nằm sâu trong lòng đất tiềm ẩn nhiều rủi ro. Tại vùng than Quảng Ninh, moong mỏ khai thác than lộ thiên Cọc Sáu cũng mới chỉ xuống sâu đến trên dưới 300m. Tại mỏ sắt Thạch Khê quặng nằm đến độ sâu âm 500m và hơn nữa, công nghệ khai thác kiểu mỏ này chưa có tiền lệ ở Việt Nam, nhiều khó khăn và rủi ro có thể xay ra như: sạt lở tầng đất phủ dọc bờ moong mỏ, ngập lụt nhấn chìn toàn bộ thiết bị cơ giới ở đáy moong mỏ khi có mưa bão lớn, sập sụt taluy mỏ ở những nơi có đới dập vỡ hay khe nứt kiến tạo, hoặc sự cố khi chuyển tải quặng sắt từ dưới sâu lên mặt đất...
Ngoài ra, quặng nằm trong tầng đá skarn và đá vôi, có thể có các hang động karstơ ngầm tích nước, tiềm ẩn nguy cơ bục nước. Để đánh giá và phòng tránh những rủi ro này cần phải đầu tư nhiều vào công nghệ và thiết bị khai thác, hệ quả là giá thành sản phẩm càng tăng cao, không thể cạnh tranh với hàng hóa cùng loại trên thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Dừng khai thác là có cơ sở khoa học và thực tiễn
Theo ý kiến của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thực tế các nhà máy luyện thép hiện nay ở Việt Nam chưa có lò cao xử lý được hàm lượng quặng sắt chứa kẽm cao như quặng sắt Thạch Khê, có nghĩa là chưa thể có nhà máy luyện kim nào có thể sẵn sàng sử dụng toàn bộ quặng sắt Thạch Khê. Từ đó, đặt ra tính khả thi đối với cam kết tiêu thụ quặng của các đối tác. Mặt khác, phương án tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê trong dài hạn là chưa chắc chắn. Việc khai thác và tuyển quặng sắt Thạch Khê sẽ chịu nhiều rủi ro trong khâu tiêu thụ.
Từ góc nhìn và quan điểm của tỉnh Hà Tĩnh, ông Đỗ Khoa Văn – Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, dừng dự án khai thác Mỏ sắt Thạch Khê là có cơ sở khoa học và thực tiễn. Môi trường sinh thái, môi trường sống của dân cư vùng ảnh hưởng sẽ được hoàn trả nguyên trạng; khôi phục, ổn định đời sống nhân dân vùng ảnh hưởng; đặc biệt, đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh, đây là yếu tố đặc biệt quan trọng cho phát triển bền vững, nhất là sau sự cố môi trường xẩy ra trong thời gian vừa qua.
Tạo điều kiện để phát triển du lịch dịch vụ Khu du lịch biển Thạch Hải nói riêng và dọc dải ven biển Hà Tĩnh nói chung; khôi phục sản xuất nông nghiệp, các làng nghề và nuôi trồng đánh bắt thủy sản. Cái được lớn nhất là về lâu dài, phát triển kinh tế - xã hội sẽ bền vững, tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn đảm bảo được vấn đề môi trường, nhất là môi trường dọc dải ven biển; sẽ không phải lo đối phó các vấn đề rủi ro, hệ lụy về môi trường, thảm họa thiên tai có thể đe dọa nghiêm trọng đến đời sống, môi trường đầu tư, môi trường biển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội như đã từng xẩy ra.
Đối với phần vốn đã đầu tư của dự án có một phần đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bồi thường GPMB, đào tạo nghề, nộp ngân sách; khoản đầu tư này người dân trong vùng bị ảnh hưởng của dự án và nhà nước được hưởng lợi, có thể xem đây như là khoản bù đắp của doanh nghiệp và nhà nước cho người dân địa phương đã chịu nhiều thiệt thòi do việc dừng dự án gần 10 năm qua.
Ngoài ra, phần vốn đầu tư mua sắm máy móc thiết bị doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng cho các dự án khác hoặc thanh lý thu hồi một phần vốn đã đầu tư, giảm bớt thiệt hại. Nhà nước có thể hỗ trợ một phần thiết hại cho doanh nghiệp hoặc thoái một phần vốn chủ sở hữu của mình chuyển cho doanh nghiệp.
Dự án mỏ sắt Thạch Khê, Hà Tĩnh là dự án chế biến, khai thác khoáng sản lớn được Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ giao cho Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê, trong đó Tập đoàn Than Khoáng sản VN (TKV) làm nòng cốt để chủ trì triển khai dự án. Đây là mỏ sắt lớn nhất Đông Nam Á, được phát hiện từ năm 1960, với trữ lượng khoảng 544 triệu tấn. Dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê do TIC làm chủ đầu tư được khởi công từ 2009. Dự án có quy mô lên tới 14.517 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 6.777 tỷ, giai đoạn 2 là 7.739 tỷ đồng. Tuy nhiên dự án này đã tạm dừng nhiều năm nay do vướng mắc nhiều thủ tục. |