Dự án mỏ sắt Thạch Khê: Phát triển du lịch biển như Cửa Lò?
Do Dự án mỏ sắt Thạch Khê không đảm bảo về mặt môi trường, hiệu quả dự án..., nên một số chuyên gia cho rằng, nên phát triển dự án gắn với du lịch biển như Cửa Lò (Nghệ An).
TS. Lê Công Lương cho biết, quặng sắt của dự án mỏ sắt Thạch Khê có hàm lượng kẽm 0,071%, gây phát thải khí độc hại và ăn mòn thiết bị trong quá trình luyện thép rất lớn, đòi hỏi công nghệ rất đặc biệt. Thực tế, các nhà máy luyện thép hiện nay ở Việt Nam chưa có lò cao loại này.
Trước đó vào tháng 12/2017, Công ty Formosa Hà Tĩnh cũng đã thẳng thừng từ chối: "Hàm lượng kẽm trong quặng sát này cao hơn 10 lần so với quặng sắt thông thường, đồng thời cao hơn 4,5 lần so với tiêu chuẩn của công ty, nên đơn vị này không thể sử dụng loại quặng này".
Đối tác lớn từ chối, đối tác nhỏ không đủ sức
Các công ty thép nhỏ trong nước thì không đủ sức tiêu thụ sản lượng 8-10 triệu tấn quặng/năm. Xuất khẩu quặng thô thì vi phạm quy định của Nhà nước. Đây là rủi ro rất lớn khi khai thác và tiêu thụ quặng sắt Thạch Khê.
Có thể bạn quan tâm
Tái khởi động hay chấm dứt hoạt động Mỏ sắt Thạch Khê?
07:00, 22/12/2018
Dừng khai thác mỏ Thạch Khê để tránh rủi ro
05:31, 15/12/2018
Các bộ tranh cãi vì dự án sắt Thạch Khê
14:11, 04/08/2017
Còn theo quan điểm của Liên minh Khoáng sản thì nên dừng khai thác mỏ sắt, hoàn thiện, trả lại mặt bằng, khắc phục diện tích bị sa mạc hóa và khôi phục nguồn nước phục vụ đời sống, sản xuất cho người dân. Vì người dân vùng tái định cư sau gần 10 năm vẫn chưa thể ổn định đời sống, “sống dở chết dở”. Đặc biệt, nước là vấn đề bức xúc nhất của người dân, họ vẫn chưa có nước sạch để sử dụng trong sinh hoạt, mặc dù nhà máy nước sạch được hứa hẹn từ khi triển khai dự án vẫn chỉ trên giấy. Rất nhiều đoàn công tác của các cơ quan chức năng lẫn truyền thông đã đến làm việc, ghi nhận và đề cập về vấn đề này, nhưng khó khăn vẫn không được khắc phục.
Về phương án vận tải quặng sắt, ông Lương thông tin phía Công ty cổ phần sắt Thạch Khê (TIC) cho hay, trong thời gian xây dựng mỏ, tổng khối lượng quặng thu hồi, khai thác được là 4,4 triệu tấn. Tất cả được vận chuyển bằng đường bộ vào cảng Vũng Áng (khoảng 65km). Sau khi đi vào hoạt động sản xuất, TIC đầu tư hoàn thành hệ thống cảng tại khu vực đổ thải lấn biển. Khi đó, quặng sẽ được vận chuyển để tiêu thụ chủ yếu thông qua đường thủy.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh Hà Tĩnh, phương án vận chuyển bằng đường bộ hay đường thủy đều có những tồn tại, bất cập. Nếu vận chuyển bằng đường bộ vào cảng Vũng Áng với tần suất 300 ngày/năm, mỗi xe trọng tải 40 tấn quay vòng được 4 chuyến/ngày thì cần 123 xe ô tô để vận chuyển và liên tục 2 – 3 phút/chuyến. Với lưu lượng như vậy, khả năng chịu tải của đường bộ là không thể đáp ứng, dễ gây mất an toàn giao thông. Với vận chuyển đường biển thì việc xây dựng cảng không khả thi. Vấn đề là trong thiết kế dự án, chủ đầu tư chưa bố trí đồng vốn nào cho xây dựng, duy tu sửa chữa đường bộ.
Lo lắng về năng lực các cổ đông
Còn về năng lực của TIC- chủ đầu tư dự án, sau khi tái cơ cấu cổ đông và cơ cấu vốn, tổng giá trị vốn góp của các cổ đông là 1.809 tỷ đồng/2.033 tỷ đồng, còn thiếu 244 tỷ. Trong 5 cổ đông của TIC (Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam - TKV, Tổng công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh - MITRACO, Tổng công ty Thép Việt Nam - VNSTEEL, Công ty TNHH Tập đoàn BITEXCO, Công ty cổ phần Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long), chỉ có TKV góp đủ vốn huy động 1.076 tỷ đồng, 3 cổ đông không thực hiện góp đủ vốn cam kết, công ty khoáng sản Thăng Long thiếu 10 tỷ đồng.
Hơn nữa, MITRACO đã có văn bản xin rút vốn khỏi dự án. Thực tế cho thấy, tiềm lực tài chính của các cổ đông đang là vấn đề lớn so với yêu cầu năng lực của chủ đầu tư. Như vậy, chủ đầu tư TIC đang gặp vấn đề lớn về năng lực tài chính. Nếu vấn đề này không được giải quyết tốt sẽ đe dọa thành công của Dự án.
Và theo ông Lương, dự án chỉ nên tiếp tục triển khai, sau khi những vấn đề về môi trường (tự nhiên và xã hội) có được phương án xử lý đảm bảo, các khó khăn về kỹ thuật và công nghệ được khắc phục, vấn đề hiệu quả kinh tế - xã hội được khẳng định chắc chắn.
“Kiên quyết không triển khai dự án nếu không đảm bảo an toàn về môi trương, hiệu quả kinh tế thấp, mà nên xây dựng, phát triển vùng dự án này thành một thị xã gắn với du lịch biển như Cửa Lò (Nghệ An)”, ông Lương kiến nghị.