Cơ may nào cho lời “cầu cứu” của Gang thép Thái Nguyên?
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) vẫn chưa hết khó khăn do không thể đàm phán với nhà thầu, bảo lãnh với ngân hàng không xử lý được.
Ông Nguyễn Đình Phúc, Tổng giám đốc Vn Steel đã cho biết tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2018, triển khai công tác năm 2019 của Tổng công ty Thép Việt Nam (Vn Steel) vừa tổ chức gần đây. Trước đó, theo lãnh đạo CTCP Gang thép Thái Nguyên (Tisco), kể từ khi SCIC rút 1.000 tỷ đồng vốn (tháng 4/2017) khiến cho chi tiêu tiêu tài chính của công ty bị xấu đi. Tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đã đánh giá mức độ tín nhiệm của TISCO rất thấp nên đã giảm hạn mức cho vay. Và nếu vay, doanh nghiệp phải có tài sản đảm bảo, đồng thời nâng lãi suất lên mức 8% một năm khiến TISCO khó khăn càng thêm chất chồng. Với tình hình tài chính như hiện tại, Tisco không đủ khả năng thanh toán các khoản nợ vay của dự án nếu không được các ngân hàng cho vay (VDB và VietinBank) tái cơ cấu thời gian trả nợ.
Có thể bạn quan tâm
TISCO xin cơ cấu lại thời gian trả nợ VDB
06:00, 26/06/2018
TISCO: Xài hết tiền mà nhà máy vẫn chưa thành hình hài
15:20, 20/06/2018
TISCO dự tính khởi kiện tổng thầu Trung Quốc: Thà một lần đau...
15:52, 06/03/2018
Khoản nợ vay tại VietinBank đã được ngân hàng này cơ cấu thời gian trả nợ cho Tisco đến tháng 6/2019. Theo đó, doanh nghiệp cân đối nguồn thu từ khu vực mỏ Tiến Bộ (đã đi vào sản xuất) để trả cho VietinBank (theo tỷ lệ giải ngân). Đến thời điểm 31/5/2018, Tisco đang nợ VietinBank 2.210,8 tỷ đồng.
Đối với khoản vay tại Ngân hàng VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên, đến nay, VDB vẫn chưa thực hiện cơ cấu nợ gốc và lãi cho TISCO. Hàng tháng, VDB vẫn thông báo thu nợ, tính lãi phạt và đang xếp tín dụng của TISCO vào nợ xấu nhóm 5. Do mỏ Tiến Bộ đã đi vào sản xuất nên năm 2017, Tisco tiếp tục trả VDB chi nhánh Bắc Kạn Thái Nguyên 14 tỷ đồng. Đến thời điểm 31/5/2018, Tisco đang nợ VDB 1.573 tỷ đồng, trong đó nợ quá hạn là 415 tỷ đồng.
Theo Tisco, nếu việc chuyển nhóm nợ xảy ra, nguy cơ doanh nghiệp phá sản là rất lớn, hậu quả dẫn đến mất vốn đầu tư của các cổ đông, trong đó có cổ đông nhà nước chiếm 65% vốn điều lệ (1.196 tỷ đồng), các ngân hàng mất vốn do TISCO không trả nợ được. Trước tình hình đó, Tisco kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính cho phép VDB cơ cấu lại thời gian trả nợ (gốc và lãi) của TISCO, đồng thời chưa cung cấp thông tin chuyển nhóm nợ lên hệ thống CIC cho đến khi thực hiện xong việc xử lý tồn tại của dự án.
Đánh giá về vấn đề của TISCO, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, nút thắt TISCO sẽ không tháo nổi nếu không cho dùng ngân sách. Nhưng quan điểm của Bộ Công Thương và Chính phủ là sẽ không "bơm" thêm tiền cho những dự án thua lỗ. Do đó, việc giải quyết khó khăn cho TISCO càng thêm khó khăn. Trong khi đó, ông Phúc khẳng định, nếu TISCO không thể tiếp cận vốn thì chắc chắn ra Tết, TISCO sẽ phải dừng sản xuất.
Trao đổi với DĐDN về thực trạng của TISCO, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, có rất nhiều biện pháp xử lý doanh nghiệp này, đơn cử như: M&A, chuyển nhượng một phần hay toàn phần, xấu nhất là cho phá sản… nhưng tuyệt đối không dùng tiền ngân sách để “hà hơi thổi ngạt”, không thể thấy lỗ mà mủi lòng “bơm tiền” vào "đống sắt vụn" này nữa.
“Chúng ta nên bỏ tư tưởng khi thấy DNNN yếu kém thì phải tìm mọi cách cứu sống bằng hình thức rót tiền ngân sách”, ông Long bày tỏ.