Năm 2019, Gỗ Trường Thành sẽ sạch nợ?
Công bố báo cáo tài chính quý 4/2018 của Công ty Cổ phần Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành mới đây đã cho biết, doanh thu công ty tiếp tục sụt giảm xuống còn 380 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm, Gỗ Trường Thành đạt doanh thu 1.028 tỷ đồng, giảm 24% so với năm trước. Số lỗ 737 tỷ đồng trong năm đã nâng lỗ lũy kế lên 2.060 tỷ đồng. Kéo theo là việc vốn chủ sở hữu chỉ còn 90 tỷ đồng, giảm mạnh so với con số 828 tỷ đồng hồi đầu năm.
Ông Mai Hữu Tín, Tổng giám đốc Gỗ Trường Thành – người đang cố kéo công ty này khỏi hố sâu thua lỗ từng thẳng thắn, vấn đề của Gỗ Trường Thành nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí, khoản đầu tư ở công ty con, công ty liên kết. Do đó, Gỗ Trường Thành sẽ phải giải quyết dứt điểm các "điểm đen" này.
Có thể bạn quan tâm
Gỗ Trường Thành muốn phát hành 100 triệu cổ phiếu mới để M&A
16:00, 16/10/2018
Cửa “thoát hiểm” cho gỗ Trường Thành
11:02, 05/08/2018
Gỗ Trường Thành là doanh nghiệp trải qua nhiều thăng trầm, từng đứng bên bờ vực phá sản, gắn liền với tên tuổi của doanh nhân Võ Trường Thành. Và cũng đã từng là một doanh nghiệp lớn trong ngành gỗ, nhưng Trường Thành dần đi xuống và gần như mất hút trên thị trường xuất khẩu sau những lùm xùm tài chính cách đây vài năm, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản. Chỉ sau khi có sự xuất hiện của CTCP Xây dựng U&I (U&I Construction) – công ty thành viên của CTCP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) do ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc, Trường Thành đang từng bước tái cơ cấu và khôi phục lại công ty.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh không mấy khả quan khi số lỗ 737 tỷ đồng trong năm 2018 đã nâng lỗ lũy kế lên 2.060 tỷ đồng. Kéo theo là việc vốn chủ sở hữu chỉ còn 90 tỷ đồng. Mặt khác, nợ phải trả ngắn hạn của nhóm công ty đã vượt 100 tỷ đồng so với tổng tài sản ngắn hạn. Căn cứ theo đó, kiểm toán đặt nghi ngờ về sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu liên quan đến khả năng hoạt động liên tục của nhóm công ty.
Tại ĐHĐCĐ bất thường, ban lãnh đạo Gỗ Trường Thành đã trình cổ đông nội dung phương án đổi tên thành CTCP Total Furniture với tên viết tắt là TTF và mã chứng khoán vẫn không thay đổi là TTF, nhằm "tạo điều kiện thuận lợi khi giao dịch và mở rộng thị trường". Thực tế, "thay tên, đổi vận", tăng vốn, sáp nhập, có thể là chiến lược mới mà ban lãnh đạo doanh nghiệp này áp dụng để tìm lại "hào quang" của quá khứ. Tuy nhiên, các nhà đầu tư có thể tiếp tục tin tưởng vào Gỗ Trường Thành một lần nữa hay không lại là một vấn đề.
Với "sức hỏe" như hiện tại, Gỗ Trường Thành có thực sự đủ năng lực để nhận sáp nhập một công ty khác với "quyền lợi" cả về những khoản nợ, trong khi bản thân doanh nghiệp cũng đang "nợ chồng chất"? Tổng Giám đốc Mai Hữu Tín hứa với cổ đông: "Từ năm 2019, chúng ta sẽ tốt lên chứ không thể xấu hơn". Ông Tín khẳng định sang năm 2019, Gỗ Trường Thành sẽ sạch nợ, nhưng đồng thời cũng nhắn nhủ với các cổ đông trong 5 năm tới, công ty sẽ không chia cổ tức vì "tôi thích một cuộc chơi dài hạn và những thách thức mà tôi đang có".