Động lực mới cho cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước

Lê Mỹ 16/02/2019 11:56

Ngay đầu năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có chỉ đạo đẩy nhanh việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN).

Đáng chú ý, 2 trong 8 yêu cầu theo chỉ đạo của Thủ tướng, có việc xác định rõ trách nhiệm mới của Tcty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) và Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Ủy ban).

p/Từ năm 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp.

Từ năm 2016 đến tháng 11/2018, cả nước đã cổ phần hóa được 147 doanh nghiệp.

SCIC sẽ kiêm “bà bầu” thoái vốn

Ở yêu cầu 5 -Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu rà soát, điều chỉnh lại danh sách các đơn vị thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020, đảm bảo khả năng thực hiện. Theo đó sẽ “sà soát các đơn vị thoái vốn chưa thực hiện được trong giai đoạn 2016 - 2018 để chuyển giao sang SCIC thực hiện thoái vốn trong giai đoạn 2019 – 2020”.

Như vậy từ năm nay, SCIC không chỉ là đơn vị thực hiện thoái vốn các doanh nghiệp trong danh mục đầu tư, mà còn chịu trách nhiệm thực hiện thoái vốn ở các doanh nghiệp không do họ đầu tư, nhưng nay được chuyển giao. Có nghĩa SCIC phải kiêm cả trọng trách “bà bầu thoái vốn”. Thị trường sẽ không chỉ nhìn vào những Vinamilk, Dược Hậu Giang… - những thương hiệu khủng kiểu Sabeco, mà còn ngóng đợi những đại doanh nghiệp hay các doanh nghiệp thành viên, đơn vị khác hiện đang ở ngoài danh mục của SCIC.

  Năm 2019, Bộ Tài chính kỳ vọng hoạt động thoái vốn và cổ phần hóa sẽ đóng góp vào ngân sách 50.000 tỷ đồng, cao hơn 40% so với kết quả thực hiện năm trước (2018 hoạt động này đạt chỉ 75% chỉ tiêu Quốc hội giao). 

Tuy nhiên, hiện một số các doanh nghiệp lớn mà thị trường chờ đợi sẽ có đợt “nhả hàng” hấp dẫn trong năm 2019, lại đã có hoạt động chuyển vốn từ SCIC về Siêu Ủy ban để quản lý. Ngoại trừ danh mục của chính SCIC, thì đơn vị này sẽ tiếp nhận bao nhiêu doanh nghiệp, có bao nhiêu trong đó thực sự là hàng hóa hấp dẫn để hoạt động thoái vốn sở hữu chất dung môi cơ bản đi đến được với thị trường sẽ là vấn đề của SCIC.

“Để trở thành “bà bầu” mới, cơ chế và trách nhiệm của SCIC cần được xác định rõ tại các đơn vị mà họ tiếp nhận chuyển giao, bao gồm các đơn vị có thể làm ăn thua lỗ, ít lợi thế cạnh tranh và triển vọng tương lai…”, một chuyên gia cho biết.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phần hóa DNNN: Tài sản thất thoát đủ kiểu

    13:45, 27/01/2019

  • Sao không sớm cổ phần hóa Đạm Ninh Bình?

    07:00, 11/12/2018

  • Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không để có lỗ hổng pháp lý và tái diễn những vi phạm trong cổ phần hóa

    17:22, 22/11/2018

  • Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần tập trung vào chất lượng hơn số lượng

    13:26, 21/11/2018

  • Thủ tướng Chính phủ: “Cổ phần hoá DNNN không thể “vô Chính phủ” - làm cũng được, không làm cũng được”

    12:20, 21/11/2018

  • Cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chậm, có thể không đạt kế hoạch đề ra

    09:00, 21/11/2018

  • Kế hoạch cổ phần hóa năm 2018 tiếp tục "lỡ nhịp"

    07:00, 20/11/2018

  • Vì sao khó kiểm soát thất thoát khi cổ phần hóa DNNN?

    03:31, 10/11/2018

Bước “thử lửa” của Siêu Ủy ban

Cũng theo chỉ thị của Thủ tướng, Siêu Ủy ban khẩn trương ổn định cơ cấu tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu Nhà nước tại 19 tập đoàn, Tcty được chuyển giao. Đối với các doanh nghiệp còn lại thuộc diện bàn giao về SCIC, thực hiện nghiêm việc chuyển giao theo quy định.

Hiện, Siêu Ủy ban đã thực hiện tiếp nhận nhiều Tập đoàn, Tcty. Trong đó, có nhiều đơn vị đã có lộ trình thoái vốn trong giai đoạn 2019 -2020, như Tcty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) với kế hoạch bán 20% vốn, Vietnam Airlines có kế hoạch thoái vốn Nhà nước xuống chỉ còn 51% vào 2020, Tcty đường sắt Việt Nam đã vỡ kế hoạch thoái vốn khủng toàn bộ 15 đơn vị thành viên, liên kết trong năm 2018- đang dồn áp lực sang 2019...

Ngoài ra, một loạt Tập đoàn từ Bộ Công thương mà giới đầu tư đánh giá là “hàng nóng”, đã về tay Siêu Ủy ban, như Petrolimex, EVN, TKV, VINACHEM, VINATABA… Trong đó, Petrolimex dự kiến thoái 25% vốn năm nay.

Dù mới đi vào hoạt động được vài tháng, nhưng quản lý các đơn vị lớn và một loạt trọng trách thoái vốn đi kèm cần được thực hiện ngay trong năm 2019, chính là bước “thử lửa” của Siêu ủy ban.

Từng có ý kiến cho rằng nên có một “kịch bản” cho cơ chế phối hợp giữa SCIC và Siêu Ủy ban, bởi Siêu Ủy ban vừa mới tiếp nhận quản lý vốn, nhưng lại chưa thực hiện đợt đấu giá thoái vốn cổ phần nào, trong khi SCIC đã thực hiện khá tròn vai nhiệm vụ này.

Tuy nhiên, theo Chuyên gia Tài chính Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, điều này là không cần thiết bởi mỗi bên sẽ phải chịu trách nhiệm với số doanh nghiệp mà mình quản lý hay làm “bà bầu” thoái vốn. Vấn đề của các nhà quản lý khi đứng ra tổ chức thoái vốn Nhà nước cần lưu ý yếu tố công khai, minh bạch hơn nữa về danh mục sẽ bán, tiến độ thực thi, trách nhiệm phải chịu. Theo đó, nhà đầu tư mới có thể cùng tiến, cùng lùi với các kế hoạch bán mua trị giá lớn. Bên cạnh đó, cả SCIC lẫn Siêu Ủy ban đều phải tính đến việc nắm bắt thời cơ thực thi ở những thời điểm thị trường chứng khoán thuận lợi. Bởi thị trường năm nay sẽ không hoàn toàn dễ dàng cho các vụ thoái vốn, hút đầu tư khủng kiểu Sabeco.

Lê Mỹ