Chủ tịch FLC: Bamboo Airways sẽ đạt hiệu quả tức thì sau khi mở đường bay thẳng Việt - Mỹ
Theo ông Trịnh Văn Quyết, với các doanh nghiệp tư nhân, khả năng tối ưu trong vận hành để mang đến lợi nhuận vẫn luôn là một điểm mạnh truyền thống...
Với các doanh nghiệp tư nhân, khả năng tối ưu trong vận hành để mang đến lợi nhuận vẫn luôn là một điểm mạnh truyền thống, Chủ tịch Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết bình luận trên trang Facebook cá nhân, sau khi có thông tin phía Mỹ đã chính thức công nhận Việt Nam xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT 1), mở đường cho việc mở đường bay thẳng giữa hai nước.
Trước đó, vào ngày 15/2, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink đã gặp Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể và Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng để chúc mừng Việt Nam đạt được xếp hạng an toàn hàng không loại 1 (CAT 1).
Với xếp hạng này, các hãng hàng không Việt Nam có thể thiết lập dịch vụ bay thẳng đến Mỹ và liên danh với các hãng hàng không Mỹ sau khi hoàn thành các bước cần thiết còn lại.
Bình luận về việc này, ông Quyết viết: "Bamboo Airways vui mừng với sự kiện này, không chỉ vì những lợi thế mang đến giá tốt cho hành khách nhờ nằm cùng hệ sinh thái du lịch chung của FLC, không chỉ vì lượng hành khách tiềm năng lớn trên thị trường nhờ quá trình giao thương, du lịch, đi lại, thăm thân... ngày càng nhộn nhịp giữa hai nước, giúp mang đến hiệu quả tức thì sau khi mở đường bay thẳng Việt - Mỹ, mà còn vì với các doanh nghiệp tư nhân, khả năng tối ưu trong vận hành để mang đến lợi nhuận vẫn luôn là một điểm mạnh truyền thống".
Cũng vào ngày 15/2 vừa qua, Bamboo Airways đã ký kết hợp tác chiến lược với SIAEC - công ty chuyên cung cấp các dịch vụ kỹ thuật hàng không được xếp hạng hàng đầu thế giới, thuộc hãng hàng không Singapore Airlines. Theo đó, SIAEC sẽ chuyển giao những công nghệ hiện đại về quản lý bay và công nghệ vận hành nhà xưởng, kho đậu máy bay, khu bảo dưỡng... cho Bamboo Airways.
Đây là những dịch vụ mà Bamboo Airways sẽ nghiên cứu và triển khai tại các cảng hàng không cả nước, trước mắt là hai cảng hàng không Vân Đồn (Quảng Ninh) và Thọ Xuân (Thanh Hóa).
Ông Trịnh Văn Quyết cho biết: "Cùng với việc xúc tiến đưa máy bay thân rộng về đội bay Bamboo Airways, đây là một bước chuẩn bị tiếp nối của chúng tôi trong mục tiêu mở đường bay thẳng đến Mỹ, điểm đến quan trọng trong mạng đường bay quốc tế mà Bamboo Airways đang bắt tay triển khai, khả năng sớm nhất từ cuối năm nay".
Năm 2018 là dấu mốc đáng nhớ của thị trường hàng không Việt Nam với sự ra đời của Bamboo Airways. Đây là hãng hàng không đầu tiên tuyên bố hoạt động theo mô hình lai hybrid, kết hợp những ưu điểm của cả hai phương thức truyền thống và giá rẻ; đặt cam kết kết nối các điểm đến du lịch đang lên và đưa ra gói combo dịch vụ bay và nghỉ dưỡng để phục vụ hành khách.
Dù bay thương mại chính thức chưa lâu, Bamboo Airways được coi là thương hiệu được đông đảo người dân, du khách ủng hộ. Trong một tháng, khoảng 1.000 chuyến bay trên 10 tàu bay của Bamboo Airways đã được thực hiện và được các cơ quan quản lý hàng không đánh giá cao.
Hiện tại, Bamboo Airways đã triển khai 10 tuyến bay nội địa, dự kiến tiếp tục mở thêm bốn đường bay tới Vinh từ 23-26/2 và ba đường bay từ Hà Nội đến Cần Thơ, Đà Lạt và Pleiku trong tháng ba.
Theo đại diện Bamboo Airways, năm 2019, hãng tiếp tục đón 30 máy bay mới, trong đó có các máy bay thân rộng để phục vụ đường bay Hà Nội - Tp.HCM và quốc tế, đưa tổng số máy bay đi vào hoạt động là 40 - 50 chiếc, nhằm tiếp tục mở thêm các đường bay mới, đảm bảo 37 - 40 đường bay nội địa và quốc tế từ nay đến cuối năm.