“Chướng ngại vật” với thuỷ sản Việt

Quốc Anh 23/02/2019 04:32

Năm 2019 ngành thủy sản đặt mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD trở lên, tăng 11% so với năm 2018. Tuy nhiên, đạt được con số này không phải là chuyện đơn giản.

Để đạt được con số trên, ngành thủy sản cần chủ động, kiểm soát nguyên liệu, đồng thời ứng phó với thuế chống bán phá giá cá da trơn, thẻ vàng IUU của châu Âu.

p/Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD năm 2018. Nguồn: VASEP

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam đạt gần 9 tỷ USD năm 2018. Nguồn: VASEP

Khó khăn ở cả 3 thị trường chính

Trong năm 2019, ngành thủy sản Việt vẫn tập trung vào các thị trường xuất khẩu chính, như Mỹ, Nhật Bản, EU. Trong đó, tại EU, thủy sản Việt vẫn chưa được Uỷ ban châu Âu (EC) rút "thẻ vàng". Lẽ ra, trong tháng 1/2019 EU sẽ có cuộc kiểm tra thuỷ sản Việt Nam nhưng rút cuộc họ đã lùi cuộc kiểm tra sang tháng 5 hoặc tháng 6/2019. Lý do là EC muốn xem xét việc thực hiện Luật thủy sản của Việt Nam.

Trong khi đó, Mỹ vẫn đưa ra rào cản xuất khẩu tôm, cá Việt sang thị trường này khi từ ngày 31/12/2018, Mỹ đã đưa ra chương trình giám sát thủy sản nhập khẩu (SIMP). Theo đó, các mặt hàng tôm, bào ngư xuất khẩu vào Mỹ tuân theo SIMP.

Thị trường Nhật cũng sẽ tiếp tục kiểm tra chặt chẽ các mặt hàng thuỷ sản nhập khẩu. Năm ngoái, xuất khẩu thuỷ sản Việt vào Nhật đã giảm so với những năm trước, và được dự báo tiếp tục giảm trong năm nay.

“Cửa sáng” vẫn còn

Ngoài vấn đề chất lượng thủy sản, đại diện VASEP cũng thừa nhận rằng, những khó khăn nội tại của ngành thuỷ sản vẫn còn chồng chất. Cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão… dù đã được quy hoạch, đầu tư nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu, thiếu cảng để neo đậu và bốc dỡ sản phẩm khai thác. Bên cạnh đó, việc thiếu lao động khai thác hải sản vẫn phổ biến ở nhiều địa phương dẫn đến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn trong ngành thủy sản còn thiếu và chưa đồng bộ.

Tuy nhiên, ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP tự tin nói rằng, từ nay đến năm 2020, sức tiêu thụ thuỷ sản trên thế giới tiếp tục tăng khoảng 98,6 triệu tấn tại các nước đang phát triển và đạt 29,2 triệu tấn tại các nước phát triển. Trong khi nguồn cung chỉ đạt 78,6 triệu tấn. Đây được xem là cơ hội lớn cho ngành thủy sản của Việt Nam.

Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, nhiều quốc gia khác cũng bắt đầu tăng nhu cầu tiêu thụ thuỷ sản Việt. Đơn cử như thị trường Trung Quốc, xuất khẩu thủy sản Việt cũng đang dần đi vào ổn định khi hai nước có những thỏa thuận song phương. Các thị trường khác như Hàn Quốc, ASEAN có thể sẽ tăng khá trong năm 2019 khi doanh nghiệp Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn từ đối tác. 

Quốc Anh