Kịch bản phân chia tài sản Trung Nguyên

Lê Mỹ 02/03/2019 14:27

Việc phân chia tài sản khi ly hôn của ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ quyết định vận mệnh của Tập đoàn Trung Nguyên - Tập đoàn cà phê 100% vốn nội lớn nhất Việt Nam.

Cuộc ly hôn của vua cà phê Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ với nữ hoàng đang sở hữu thương hiệu King Coffee Lê Hoàng Diệp Thảo có thể nói là cuộc chia tay tốn kém bút mực và gây tranh cãi nhất hiện nay.

Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7. (Nguồn biểu đồ: Vnexpress)

Cả hai vợ chồng đều đang sở hữu 93% tài sản hữu hình và vô hình, bao gồm các thương hiệu như Trung Nguyên, G7. (Nguồn biểu đồ: Vnexpress)

Tiền hay quyền?

Đây là cuộc ly hôn mà bản án tòa phán quyết vào ngày 1/3/2019, có ý nghĩa quyết định hướng đi của Trung Nguyên. Tuy hôn nhân là chuyện riêng của một gia đình, nhưng lại cần được chú ý và xem xét ở cả góc độ của một doanh nghiệp - một thương hiệu Việt.

Có thể bạn quan tâm

  • Trung Nguyên đang ở đâu trên thị trường cafe Việt Nam?

    Trung Nguyên đang ở đâu trên thị trường cafe Việt Nam?

    05:15, 28/02/2019

  • Tiền và “Triết đạop/cà phê Trung Nguyên”

    Tiền và “Triết đạo cà phê Trung Nguyên”

    11:15, 27/02/2019

  • Lộ diện khối tài sản chung trị giá gần 8.400 tỷ đồng của 2 nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên

    Lộ diện khối tài sản chung trị giá gần 8.400 tỷ đồng của 2 nhà sáng lập Tập đoàn Trung Nguyên

    17:44, 20/02/2019

Hiện tại, ở quy mô Tập đoàn, về cơ cấu và loại hình hoạt động, Trung Nguyên là Cty cổ phần quản trị theo cách thức gia đình, chưa đại chúng. Do đó, cấu trúc chủ sở hữu cô đặc, chỉ tập trung quyền lực theo đại diện vốn chủ sở hữu với 2 cổ đông lớn nhất là ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo, ngoài cổ đông tổ chức lớn là CTCP Đầu tư Trung Nguyên (sở hữu 70%). Tỷ lệ nắm giữ tại Trung Nguyên của ông Vũ và bà Thảo lần lượt là 20% và 10%. Nếu tính gộp cả sở hữu trực tiếp và gián tiếp thông qua Đầu tư Trung Nguyên thì ông Vũ đang là cổ đông lớn nhất nắm 62% của Trung Nguyên.

8.000 tỷ đồng là tổng tài sản của ông Vũ và bà Thảo, ngoài khoản tiền mặt và phi tiền mặt (chủ yếu là bất động sản).

Theo dõi các phiên xử tại tòa thời gian qua, có thể thấy mấu chốt gây vướng mắc của cuộc ly hôn này là việc phân chia tài sản theo tỷ lệ vốn góp chủ sở hữu - quyết định quyền chi phối Tập đoàn, chứ không đơn thuần là định giá tài sản theo nghĩa giá trị quy ra tiền. Tính toán của Luật sư phía ông Vũ đưa ra, cho thấy vốn góp chủ sở hữu (cổ phiếu Trung Nguyên) của ông Vũ và bà Thảo chiếm phần lớn tổng tài sản của 2 người có trị giá ước tính hơn 8.000 tỷ đồng (ngoài khoản tiền mặt và tài sản phi tiền mặt (chủ yếu là bất động sản). Tòa phán quyết phân chia tài sản và tỷ lệ sở hữu tại Trung Nguyên theo kịch bản nào, thì chiếu theo Luật doanh nghiệp, Luật chứng khoán, người chủ chính thức của Trung Nguyên hậu ly hôn sẽ được xác thực.

Chờ phán quyết của tòa án

Theo đề xuất từ luật sư ông Vũ, ngoài tài sản bất động sản được chia 50-50, tỷ lệ cổ phần tại Trung Nguyên của 2 người sẽ được chia 70-30. Ông Vũ đồng thời cấp dưỡng cho các con chung mỗi năm 10 tỷ đồng. Có nghĩa ông Vũ vẫn là cổ đông lớn nhất, thừa phiếu (trên 65% ) để quyết mọi vấn đề của Trung Nguyên.

Ngược lại, nếu bà Thảo chấp thuận cấp dưỡng nuôi con thay cho đề nghị ban đầu là chia 20% cổ tức cho các con, nhưng trong trường hợp Tòa không thể xác định được yếu tố “của chồng công vợ” hay xác định được nguồn gốc vốn góp ban đầu, công lao và “khổ lao” đóng góp cho Trung Nguyên của 2 người, mà bác đề xuất chia 50/50 ở phần tài sản còn lại (đồng ý kém hơn ông Vũ 100 tỷ đồng) của bà Thảo, thì bà Thảo có thể vẫn sẽ giữ đúng tỷ lệ cổ phiếu biểu quyết hiện hữu tại Trung Nguyên. Tức bà Thảo tuy vẫn là cổ đông lớn thứ 3 nhưng sẽ không có quyền kiểm soát lợi ích chi phối ở Trung Nguyên.

Nếu phán quyết cho nguyên đơn và bị đơn theo kịch bản trên, Trung Nguyên được cho sẽ tiếp tục đi theo “sứ mệnh” và những chiến lược xây dựng “thánh địa cà phê”, “đạo cà phê”, có thể xa hơn là các sứ mệnh khác mà ông Vũ từng trả lời cho báo chí. Khát vọng xây dựng Trung Nguyên và thực tế đã đưa thương hiệu này trở thành một đế chế cà phê ở Việt Nam của ông Vũ đã được chứng minh trong quá khứ. Nhưng khát vọng này ở giai đoạn tới, liệu có còn giữ được ngọn lửa kích thích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo và sự minh triết của một đạo kinh doanh đúng nghĩa hay không, rất khó có thể nói trước. Đặc biệt, khi Trung Nguyên đã hoàn toàn “cách ly” với bà Thảo, người từng quản trị và nắm giữ tài chính, được cho là khá chặt và “song kiếm hợp bích” thành công cùng ông Vũ ở một thời đoạn.

Một kịch bản tưởng trung dung nhưng không hẳn rõ ràng với vận mệnh Trung Nguyên, là nếu tòa phán quyết 50-50 về tỷ lệ cổ phần sở hữu, cộng thêm cổ phần nhỏ lẻ của các cổ đông (bố mẹ ông Vũ), thì tuy ông Vũ chiếm ưu thế nhưng chỉ đủ để triệu tập lá phiếu cổ đông, vẫn có một số các nội dung biểu quyết thông qua những quyết định lớn vẫn cần trên 55%. Sự khác biệt trong tầm nhìn và hướng đi của Trung Nguyên giữa ông Vũ và bà Thảo, theo đó, nếu không ai nhường ai, sẽ đưa Trung Nguyên tiếp tục “nội chiến”.

Ở kịch bản ngược lại, bà Thảo có cơ hội nắm lá phiếu biểu quyết cao hơn ông Vũ, đưa Trung Nguyên hợp nhất với King Coffee. Tuy nhiên, đây là khả năng khó có thể xảy ra khi bà Thảo khó vận động được các cổ đông nhỏ lẻ và quan trọng, vẫn cần đàm phán được cổ phần kế nghiệp cho các con.

Lối thoát cho Trung Nguyên?

Theo đánh giá của giới quản trị ngoài cuộc, trước mắt nếu có một sự công bằng 50-50 đúng nghĩa “của chồng công vợ” và ông Vũ, bà Thảo thuận tình đàm phán mua-trao lại cổ phiếu Trung Nguyên, thì sẽ có lối thoát cho Trung Nguyên. Nhưng đó chỉ là giả thuyết và hợp lý ngắn hạn khi bản chất của cuộc ly hôn đang gắn liền với lợi ích phân quyền tại Trung Nguyên. Một số chuyên gia hy vọng bà Thảo có thể chấp thuận lối thoát này nếu tư duy sẽ có thêm nguồn lực vốn và động lực để đưa King Coffee - gia tài riêng của mình, trở thành một đế chế và cạnh tranh sòng phẳng cùng Trung Nguyên.

Về dài hạn, một thương hiệu lớn vẫn có nguy cơ đổ vỡ nếu không kiên định năng lực và tầm nhìn cốt lõi. Để Trung Nguyên tiếp tục “bay xa”, Tập đoàn này thực sự cần sợi dây neo buộc Cty với mặt đất. Đại chúng và mở rộng, thay đổi quản trị gia đình, không tập trung vào 1 cá nhân sẽ là hướng đi tuyệt vời nhưng cũng khó xảy ra nhất với Trung Nguyên - khi ông Vũ khó có thể san sẻ tinh thần của “đứa con” đặc biệt này, với những người được cho không đồng tiếng nói.

Vì vậy, khó có thể nói trước tương lai của Trung Nguyên, dù 1 phán quyết sẽ phác thảo phần nào viễn cảnh…

Lê Mỹ