Công thức giúp nhà lãnh đạo truyền lửa cho nhân sự

Nguyễn Long - Bích Phương - Hoàng Hưng 13/03/2019 17:18

Lãnh đạo doanh nghiệp ngoài việc đối mặt với các vấn đề chuyên môn, việc truyền cảm hứng, tạo niềm tin của nhà lãnh đạo với nhân sự cũng vô cùng quan trọng.

Alain Goudsmet, Huấn luyện viên của các vị Lãnh đạo/ Quản lý cấp cao

Ông Alain Goudsmet, Huấn luyện viên của các vị Lãnh đạo, Quản lý cấp cao

Truyền cảm hứng cho nhân sự

Tại hội thảo "Chuyển hóa năng lượng: Công thức thành công của những Nhà Lãnh đạo hàng đầu", diễn giả Alain Goudsmet, Huấn luyện viên của các vị Lãnh đạo, Quản lý cấp cao cho biết, thách thức của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay là cách thức trong việc quản lý con người. Quan niệm thế nào là nhà lãnh đạo vẫn chưa được hiểu một cách đầy đủ. Người lãnh đạo không chỉ có chuyên môn và kiến thức mà còn phải có tư duy tốt, thái độ tốt, truyền cảm hứng cho những người khác để họ có niềm tin vào nhà lãnh đạo, tin vào chính bản thân họ.

“Chúng ta thường quan niệm rằng, nếu đã là chuyên gia và có kiến thức thì chúng ta có thể làm "sếp", nhưng trở thành "sếp" theo cách đó chỉ được coi là một vị trí. Hiện nay, rất nhiều người đang nhầm lẫn “vị trí” trong doanh nghiệp và “người lãnh đạo” trong doanh nghiệp. Từ đó, sẽ tạo ra những khó khăn trong vấn đề phát triển doanh nghiệp.

Theo ông Alain Goudsmet, điều đầu tiên để trở thành người lãnh đạo tốt thì phải biết huấn luyện để giúp nhân viên hiểu được thông điệp: “Vươn mình ra khỏi giới hạn của bản thân và thử thách chính mình sẽ mang đến sự khó khăn, nhưng chúng ta sẽ không thể phát triển được nếu mãi ở trong vùng thoải mái của bản thân. Thông qua những thất bại, vượt qua sự đau đơn, rút ra những kinh nghiệm, chúng ta sẽ chạm đến những điều bạn không ngờ tới”.

Để giúp nhân viên của mình có tinh thần tốt và sẵn sàng đối mặt với khó khăn, Diễn giả Alain Goudsmet đã đưa ra 4 lời khuyên cho người lãnh đạo: Thứ nhất, người lãnh đạo nên thường xuyên bên cạnh để ủng hộ, hỗ trợ, và giải thích vì sao nhân viên của mình cần phải nỗ lực.

Thứ hai, người lãnh đạo phải xác định trọng tâm, cần ưu tiên, tuy nhiên cũng nên xác định tối đa 3 mục tiêu, chứ không nên nhiều hơn. Vì nhiều hơn ba sẽ làm mất đi sự tập trung. Đồng thời, người lãnh đạo phải thể hiện những mục tiêu đó thật rõ ràng đến các nhân viên của mình.

Thứ ba, luôn gần gũi với nhân viên để sẵn sàng hỗ trợ và hiểu được thông điệp “bận rộn là một điều ngu ngốc mới”. Nếu lãnh đạo quá bận rộn không có thời gian để phản hồi, tiếp cận và hỗ trợ được nhân viên thì sẽ khó tạo được năng lượng làm việc cho nhân viên của mình.

Thứ tư, phải công nhận những đóng góp của người khác và dành những lời khen cho nhân viên của mình. Đây có thể được coi là bí quyết để giúp người lãnh đạo có thể chuyển hóa năng lượng đến nhân viên của mình.

Chuyển hóa năng lượng ra sao?

Huấn luyện viên Alain cho biết, năng lượng là nhiên liệu để chúng ta hoạt động tốt và để có năng lượng cần dựa vào 4 trụ cột: Thứ nhất là những kỹ năng về mặt kỹ thuật, kiến thức mà người nhân viên đó có được. Thứ hai, là về cảm xúc, nhân viên cần có tinh thần làm việc, cần được động viên, khuyến khích để phấn đấu. Thứ ba, là một cơ thể khỏe mạnh để làm việc có hiệu quả. Và trụ cột quan trọng nhất được coi là xương sống của bất kỳ hệ thống, giúp cân bằng 3 trụ cột trước đó là làm thế nào để cổ vũ được tinh thần của nhân viên của mình, để họ tự trả lời câu hỏi tại sao cần phải cố gắng đạt được mục đích đó.

Ông Alain Goudsmet đưa ra những lời khuyên giúp những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng được công thức chuyển hóa năng lượng với nhân sự của mình: “Chúng ta phải áp dụng công thức 70/20/10, tức là 10% năng lực nhân viên có được là do ta đào tạo được; 20% năng lực của họ là do những tương tác xã hội, học hỏi đồng nghiệp; 70% còn lại phụ thuộc vào việc họ có được huấn luyện từ người lãnh đạo hay không, làm thế nào để có thể chuyển những sự kiện xảy ra thành những trải nghiệm và người lãnh đạo phải có văn hóa phản hồi để cho họ có kinh nghiệm và có thể đạt được mức phát triển 70% từ trụ cột này”.

GS.Trần Thọ Đạt – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết: “Hy vọng kiến thức tiếp thu được từ những chương trình thế này giúp cho những nhà lãnh đạo doanh nghiệp phát triển được doanh nghiệp của mình, giúp nền kinh tế Việt Nam sẽ có những bước đột phá như nền bóng đá nước nhà. Thời gian qua, Chính phủ đã đưa ra những kế hoạch để đưa đất nước đến năm 2035 trở thành Quốc gia có thu nhập trung bình cao. Cùng với xu thế đó, mùa tuyển sinh đại học năm 2019, nhà trường mở tới 7 chương trình học mới mang tính liên thông Quốc tế, giảng dậy hoàn toàn bằng tiếng Anh, nhằm tạo ra nền tảng nguồn nhân lực phục vụ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.

Nguyễn Long - Bích Phương - Hoàng Hưng