Đặt kế hoạch lợi nhuận giảm 22%, Hòa Phát "toan tính" gì?

Nguyễn Việt 16/03/2019 06:15

Kế hoạch lợi nhuận năm 2019 Hòa Phát vừa công bố khiến nhiều nhà đầu tư không khỏi bất ngờ khi doanh thu tăng 24% nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 22%.

giới chuyên gia bình luận, việc đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận giảm là do Từ trước tới nay ban lãnh đạo Hòa Phát nổi tiếng thận trọng. Đó là lí do vì sao Hòa Phát gắn với hình ảnh

Giới chuyên gia bình luận, việc đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận giảm là do từ trước tới nay ban lãnh đạo Hòa Phát nổi tiếng thận trọng. Còn lịch sử chứng minh doanh nghiệp này luôn vượt kế hoạch đề ra.

Vậy vì sao Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận năm 2019 giảm 22%, từ 8.600 tỷ xuống còn 6.700 tỷ đồng, trong khi doanh thu 70.000 tỷ đồng (tăng 24%)? Một số lý do khiến Hòa Phát đặt kế hoạch lợi nhuận giảm khá mạnh có thể kể đến như, giá quặng sắt chỉ trong 1 tháng đầu năm 2019 đã tăng từ đáy 64 USD/tấn lên 94 USD/tấn trong khi bình quân năm ngoái dao động trong khoảng 65-75 USD/tấn. Giá quặng sắt tăng mạnh đã đẩy các doanh nghiệp thép trong nước điều chỉnh giá bán tăng tới 4 lần từ đầu năm.

Có thể bạn quan tâm

  • Thép Hòa Phát đạt hơn 200.000 tấn trong tháng Tết

    Thép Hòa Phát đạt hơn 200.000 tấn trong tháng Tết

    14:17, 07/03/2019

  • Thép Hòa Phát đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

    Thép Hòa Phát đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

    14:12, 07/01/2019

Yếu tố tiếp theo là thị trường tiêu thụ. Từ đầu tháng 3 giá quặng sắt đã giảm trở lại vì nhu cầu tiêu thụ quặng sắt Trung Quốc vẫn yếu, trong khi tại thị trường trong nước chưa thể quá lạc quan về diễn biến thị trường bất động sản năm 2019.  Nếu thị trường bất động sản bị chậm lại, ngành thép không thể quá lạc quan.

Một vấn đề quan trọng khác có thể khiến Hòa Phát thận trọng khi đặt mục tiêu lợi nhuận giảm là thuế tự vệ thép. Sản lượng xuất khẩu của Hòa Phát đang tăng rất nhanh. Năm 2018, Tập đoàn này xuất khẩu đi 14 nước trong đó Nhật Bản tăng 20 lần, Campuchia, Malaisia tăng gấp 3, thậm chí thị trường Mỹ bị áp thuế 15% doanh nghiệp này vẫn xuất khẩu được 35.600 tấn.

Với thị trường trong nước, tháng 7/2016, Bộ Công thương đã ban hành thuế tự vệ áp dụng cho phôi thép và thép dài, mức thuế tự vệ 23,3% cho các sản phẩm thép nhập khẩu. Mức thuế này giảm dần theo từng năm và sẽ hết hiệu lực vào tháng 3/2020 nếu không kéo dài thêm.

Tức là chỉ còn 1 năm nữa nếu không tiếp tục gia hạn việc áp thuế bảo vệ thị trường trong nước, các doanh nghiệp thép sẽ phải cạnh tranh với thép Trung Quốc, hiện đang dư thừa công suất. Bản thân Hòa Phát, đơn vị đầu ngành chiếm 1/4 sản lượng thép xây dựng sẽ quan tâm đặc biệt đến vấn đề này. Do đó, việc ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận thận trọng là điều dễ hiểu.

Hơn nữa, năm 2019 Hòa Phát dự kiến đưa vào vận hành lò cao đầu tiên của nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất. Để đảm bảo đầu ra ổn định, mục tiêu năm nay của Hòa Phát sẽ phải là thị phần. Số liệu công bố mới nhất cho thấy thị phần ống thép của Hòa Phát trong nước vào tháng 2/2019 đã lên 31,72%, và thị phần thép xây dựng đạt trên 26%.

Tập trung giành thị phần sẽ phát sinh nhiều chi phí như giảm giá bán, tăng quảng cáo, hoa hồng cho đại lý… Có thể "hi sinh" lợi ích trước mắt để chờ thời điểm khi Hòa Phát đi vào vận hành ổn định Dung Quất lúc đó không quá lo về đầu ra. Đó cũng là lí do doanh thu của Hòa Phát năm 2019 sẽ tăng 24% lên 70.000 tỷ.

Mặc dù Hòa Phát chưa đưa ra lý giải về kế hoạch lợi nhuận gây bất ngờ này nhưng theo nhận định của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC), chỉ tiêu này cho thấy Hòa Phát đang rất thận trọng về giá nguyên liệu đầu vào, việc tăng giá điện và chi phí khấu hao tăng xuất phát từ dự án Dung Quất cũng như nhu cầu vốn lưu động cao hơn sẽ làm tăng chi phí lãi vay.

Còn theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), kế hoạch lợi nhuận của Hòa Phát thường không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh thực tế. Trong quá khứ, lợi nhuận của tập đoàn này đã vượt kế hoạch 51% trong năm 2015, 106% trong năm 2016, 33% trong năm 2017 và 7% trong năm 2018.

Nguyễn Việt