Doanh nhân Nguyễn Hữu Trí: “Làm nông nghiệp phải đam mê”
Có một niềm đam mê đặc biệt với nông nghiệp công nghệ cao, doanh nhân Nguyễn Hữu Trí biết rằng chặng đường này không trải hoa hồng, mà thấm đẫm mồ hôi, nước mắt....
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã và đang trở thành xu hướng phát triển ở nhiều quốc gia, tại Việt Nam hiện cũng đã có rất nhiều vùng quy hoạch nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Hữu Trí – một doanh nhân rất tâm huyết với lĩnh vực này, nền nông nghiệp Việt Nam nói chung và nông nghiệp công nghệ cao nói riêng chưa tận dụng được hết các lợi thế của mình để phát triển.
Vướng “rào cản”, nông nghiệp công nghệ cao khó cất cánh!
Xuất phát từ một luật sư – một chuyên gia kinh tế, nhưng lại cũng đam mê nông nghiệp, ông Trí trăn trở với nghịch cảnh “được mùa mất giá – được giá mất mùa” của người nông dân Việt. Ông muốn góp phần thay đổi văn hóa canh tác, muốn nông dân Việt Nam không còn lo nơm nớp cảnh bị thương lái ép giá. Ông mong muốn nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc với vị thế cao trên thị trường nông sản thế giới từ trồng trọt cho đến bảo quản và chế biến sau thu hoạch, ông muốn Việt nam là cánh đồng của thế giới, là nguồn cung cấp nguyên liệu nông sản cho thế giới.... Hiện thực hóa những mong muốn đó, ông thành lập Công ty sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt – với ý nghĩa trí tuệ của người Việt sẽ mang các sản phẩm nông sản của Việt Nam ra thế giới.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nhân Nguyễn Hữu Trí: Trăn trở tìm “visa” cho trái cây Việt
18:30, 04/12/2017
Doanh nhân Nguyễn Hữu Trí: Người tìm đường cho trái cây Việt ra nước ngoài
11:06, 29/11/2017
Nhà đầu tư đổ vốn lớn vào dự án trồng cỏ tại Sơn La
00:12, 16/03/2019
Sơn La: Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn
20:25, 12/03/2019
Khi bắt tay vào làm thực tế, ông nhận ra có quá nhiều rào cản khiến nông nghiệp công nghệ cao tại Việt Nam khó lòng "cất cánh" ra thế giới. Ông hiểu, ứng dụng công nghệ cao là xu hướng tất yếu, là con đường để ngành nông nghiệp thoát khỏi tình trạng được mùa mất giá, nhưng đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp công nghệ cao đến nay vẫn còn khiêm tốn vì gặp nhiều rào cản.
Doanh nhân Nguyễn Hữu Trí với mong muốn nền nông nghiệp Việt Nam sẽ có chỗ đứng vững chắc với vị thế cao trên thị trường nông sản thế giới từ trồng trọt cho đến bảo quản và chế biến sau thu hoạch
Theo ông Trí, một trong những rào cản chính của nông nghiệp công nghệ cao là quy hoạch các khu công nghiệp chưa đồng bộ, công tác triển khai xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thường bị kéo dài do những chậm trễ liên quan đến công tác quy hoạch, khó khăn trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, thiếu vốn đầu tư.
Trong khi đó, quá trình tích tụ đất đai diễn ra chậm, manh mún vì vướng các quy định về hạn mức giao đất đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp, trong khi 96% diện tích đất nông nghiệp đã được giao cho các hộ gia đình. Và chỉ khi doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đầu tư vào khu nhà nước đã quy hoạch thì họ mới được nhận các chính sách ưu đãi, nếu không doanh nghiệp phải “tự bơi”.
Ông Trí chia sẻ, so với các nước tiên tiến khu vực châu Á và thế giới, trình độ công nghệ áp dụng trong nông nghiệp ở Việt Nam còn thấp và chưa có hệ thống. Một số công nghệ cao nhập khẩu trọn gói từ nước ngoài chưa thực sự phù hợp các điều kiện thực tế về thổ nhưỡng, khí hậu, tài chính và các kịch bản dự phòng khi có sự cố xảy ra…, gây ra tốn kém và gia tăng rủi ro đầu tư. Cùng với đó, để đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đòi hỏi đầu tư một lượng vốn rất lớn, thời gian thu hồi vốn lâu. Các doanh nghiệp phần lớn có quy mô nhỏ, khó tiếp cận được nguồn vốn lớn dẫn đến công nghệ lạc hậu, khó cạnh tranh, chi phí sản xuất cao nên lợi nhuận thấp, không có kinh phí để mở rộng và nghiên cứu những công nghệ mới hơn. Trong khi đó, đa số ngân hàng thương mại Việt Nam chỉ cho vay nguồn vốn ngắn và trung hạn với lãi suất không thật sự ưu đãi.
Khó khăn chồng chất khó khăn, “người nông dân” Nguyễn Hữu Trí cho biết, đã có không ít người đầu tư đổ vốn vào nông nghiệp công nghệ cao, vay nợ nhưng rồi cuối cùng phá sản, mang nợ và mất cả đất đai. Nguyên nhân là vì thiếu thông tin, không tiếp cận được khoa học kỹ thuật, chi phí sản phẩm cao và không có thị trường.
“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”
Sau nhiều năm ấp ủ, vượt qua bao nhiêu khó khăn, ông Trí bắt đầu với bằng trang trại chanh, tắc rộng 13 ha huyện Bến Lức, tỉnh Long An, đồng thời ông còn liên kết với các hợp tác xã trồng chanh, chanh dây, xoài, sầu riêng, bơ… lớn trên các vùng chuyên canh của Nam Bộ, Tây Nguyên. Các sản phẩm này được kiểm soát từ giống cây đến thì hình thành sản phẩm.
Có kinh nghiệm làm việc với nhiều đối tác nước ngoài, ông Trí biết thị trường các nước ưa chuộng sản phẩm tự nhiên, an toàn, không hóa chất độc hại và phải giữ được hương vị đặc trưng của xoài, thanh long, chanh leo, sầu riêng, dưa hấu... mà không cần bổ sung hương liệu. Do vậy, ông áp dụng công nghệ phun sấy khô nên giữ được 100% hương vị của trái cây tươi. Đây là điều mà rất ít doanh nghiệp Việt Nam làm được tính đến thời điểm này.
Sau khi đã thành công trong việc tìm “visa” cho trái cây Việt ra với thế giới, ông nhận ra Việt Nam không những có những vựa hoa quả, mà còn là một quốc gia có thế mạnh về phát triển chăn nuôi. Theo thống kê, tính đến tháng 10/2018, đàn bò Việt Nam có khoảng 5,8 triệu con và đàn trâu có 2,4 triệu con. Tuy nhiên, nguồn cỏ tự nhiên, phụ phẩm nông nghiệp không còn đáp ứng đủ nhu cầu chăn nuôi tại hầu hết các địa phương.
Với thực trạng thiếu hụt nguồn thực phẩm chăn nuôi, việc phát triển lĩnh vực trồng cỏ và các loại cây cho thức ăn gia súc được khuyến khích đầu tư nhằm tăng hiệu quả chăn nuôi. Đồng thời, trồng cỏ cũng là một giải pháp nhằm chuyển đổi diện tích đất trồng kém hiệu quả, chủ động được nguồn thức ăn thường xuyên và có chất lượng hơn.
Nhìn ra được tiềm năng của việc đầu tư vào trồng cỏ theo hình thức NN – CNC, ông quyết định sẽ đầu tư vào dòng cỏ Mutalo II với tiêu chuẩn GlobalGap. Giống cỏ Mulato II được các nhà khoa học đánh giá là loại cỏ tươi hàng đầu trong chăn nuôi. Sau trồng khoảng 60 - 70 ngày, cỏ Mulato II có thể thu hoạch lứa đầu tiên nếu gieo bằng hạt và 45 - 50 ngày nếu trồng bằng hom. Đồng thời, cỏ Mulato II cho sản lượng 200 - 250 tấn/ha/năm, hàm lượng chất khô từ 19 - 22% và protein là 14 - 16%, cao hơn nhiều so với các loại cỏ như VA06, cỏ voi… rất thích hợp để làm nguồn thức ăn cho bò sữa, đặc biệt là bò đang giai đoạn vắt sữa.
Giống cỏ Mulato II được ông Trí nghiên cứu và đầu tư trồng được nhập khẩu từ nước ngoài, chăm sóc hoàn toàn bằng phân hữu cơ, vi sinh, hệ thống tưới bằng nước sạch, hiện đại, đạt tiêu chuẩn GlobalGap và tiến tới sản xuất cỏ chất lượng cao theo tiêu chuẩn hữu cơ.
Việc thu hoạch, chế biến cỏ được thực hiện bằng hệ thống máy thu hoạch liên hợp của Hà Lan, giúp cho việc thu hoạch và ủ men được thực hiện ngay trên cánh đồng; việc sản xuất cỏ khô được xử lý bằng năng lượng mặt trời (phơi) và sấy nhiệt bằng hệ thống sấy do chuyên gia sản xuất riêng theo đơn đặt hàng của công ty. Cỏ Mutalo sau khi được thu hoach, sẽ được đóng gói theo các dạng thức khác nhau, phù hợp với nhu cầu đa dạng của khách hàng, từ cỏ tươi, cỏ khô, cỏ ủ chua, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò sinh sản, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò thịt vỗ béo, thức ăn hỗn hợp TMR cho bò sữa….
Mới đây, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt đã hợp tác cùng Công ty CP Phát triển nông nghiệp Bắc Giang đầu tư phát triển dự án trồng và chế biến cỏ chất lượng cao Mulato II dành cho chăn nuôi bò sữa, bò thịt, chăn nuôi đại gia súc tại huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La… Sau khi đi vào khai thác, dự án sẽ cung ứng ra thị trường 100.000 - 125.000 tấn thức ăn thô xanh/năm, đáp ứng nhu cầu về thức ăn chất lượng cao dành cho gia súc đang thiếu hụt tại thị trường trong nước.
Bên cạnh dự án trồng cỏ Mulato II tại Sơn La, Công ty TNHH Sản xuất thương mại nông sản thực phẩm Trí Việt hiện đã triển khai cánh đồng cỏ 50ha tại Bắc Bình Thuận, 500ha tại Nam Bình Thuận và sẽ tiếp tục hợp tác triển khai tiếp khoảng 3.000ha tại khu vực Bắc Bình Thuận trong tháng 4/2019.
Theo đại diên phát triển dự án trồng cỏ Mulato II, hiện tại Hiệp hội bò sữa – Hiệp hội chăn nuôi – Hiệp hội nông dân Hàn quốc cũng đã ký hợp đồng nguyên tắc mua sản phẩm cỏ ủ chua, cỏ khô của công ty với số lượng lớn, vì vậy, việc chúng tôi đầu tư phát triển đồng cỏ chăn nuôi chất lượng cao - Mulato II có tính khả thi cao, và thị trường quốc tế rất đón nhận.
Khi nói về Bình Thuận, dường như người ta chỉ hình dung ra một mảnh đất nắng gió, với đặc trưng khí hậu sa mạc khô nóng, thật khó để hình dung chỉ một thời gian ngắn, có một người doanh nhân đã phủ xanh vùng đất này với những cánh đồng cỏ xanh mướt mải, cùng hệ thống phun mưa tự động hiện đại. Không những thế, vùng núi Vân Hồ, với cái điểm nóng ma túy Lóng Luông ngày nào, sắp tới đây sẽ là những vùng đồng cỏ xanh mênh mang, đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn nông nghiệp khắt khe của nước ngoài. Có tận mắt nhìn những cánh đồng cỏ tốt tươi, những trang trại hoa quả chất lượng cao, mới thấy hết được tâm huyết của vị luật sư – chuyên gia kinh tế - doanh nhân Nguyễn Hữu Trí, mới thấy rằng “có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”!