Vì sao MWG đặt mục tiêu tăng trưởng “dè dặt”?
“Ông trùm bán lẻ” Nguyễn Đức Tài mong muốn sẽ duy trì vị trí “thống trị” về bán lẻ tại Việt Nam, thậm chí còn kéo dài khoảng cách với các nhà bán lẻ khác trong nước.
Trong thông điệp mới đây gửi đến cổ đông, khách hàng và toàn bộ nhân viên của Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG), Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cho biết, năm 2018 là một năm thành công của MWG khi giữ vững vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam về cả doanh thu, lợi nhuận và số lượng cửa hàng. MWG hiện có gần 2.190 cửa hàng Thế giới di động, Điện máy Xanh và Bách hóa Xanh trên toàn quốc; doanh thu thuần đạt trên 86.500 tỷ đồng và lợi nhuận ròng hợp nhất đạt 2.880 tỷ đồng.
Tăng trưởng nằm trong “tính toán chiến lược”
Theo “tính toán” của ông Nguyễn Đức Tài, trong TOP 500 nhà bán lẻ hàng đầu châu Á - Thái Bình Dương (xếp hạng bởi Tạp chí Retail Asia trong phạm vi 14 quốc gia) thì hầu hết vị trí thống lĩnh thuộc về các nhà điều hành chuỗi siêu thị, cửa hàng thực phẩm, trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi. Do đó, việc mở rộng sang lĩnh vực bán lẻ thực phẩm và hàng tiêu dùng với chuỗi Bách hóa Xanh sẽ là động lực giúp MWG tăng trưởng bền vững và duy trì vị thế dẫn đầu dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Thế giới Di động “nhảy” vào thị trường đồng hồ?
22:26, 11/03/2019
Vì sao Thế Giới Di Động cần "kẻ ngoại đạo"?
19:00, 11/03/2019
Và ông Tài tin rằng, MWG sẽ duy trì vị trí nhà bán lẻ số 1 Việt Nam và khoảng cách giữa MWG và các nhà bán lẻ khác tại Việt Nam sẽ ngày càng lớn hơn trong tương lai. Để chinh phục mục tiêu đầy thử thách này, MWG sẽ tiếp tục mở mới cửa hàng ở những khu vực mà Thế giới di động và Điện máy Xanh vẫn còn khả năng tăng doanh thu và thị phần, song song với nỗ lực tối ưu hóa doanh thu mỗi cửa hàng thông qua việc chuyển đổi cửa hàng, thay mới và tối ưu cách thức trưng bày sản phẩm, kinh doanh thêm nhóm sản phẩm mới và đa dạng hóa lựa chọn cho nhóm sản phẩm hiện tại.
Nhìn vào kế hoạch tăng trưởng năm 2019, MWG đặt kế hoạch kinh doanh hơn 108.000 tỷ đồng doanh thu và hơn 3.500 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế đã cho thấy, MWG đang dè dặt hơn trong tăng trưởng, bởi năm 2018, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của công ty này cao hơn đáng kể, đều ở mức 30%. Trước đó nữa, năm 2017, mức tăng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 49% và 40%; trong khi năm 2016 lần lượt là 77% và 47%.
Động thái thận trọng của MWG là dễ hiểu, bởi mảng bán lẻ điện thoại đang tiệm cận trạng thái bão hòa khi thị phần của MWG đã lên đến 45%. Năm 2018, tăng trưởng doanh thu điện thoại của công ty này ở mức 16%, mặc dù nhỉnh hơn năm 2017 (tăng khoảng 13%), nhưng thấp hơn nhiều mảng điện máy (trên 55%) và thấp hơn nhiều so với trước đây (năm 2016, doanh thu chuỗi Thế giới di động tăng tới 49%).
Với mảng điện máy, thị phần của MWG cũng đã ở mức rất cao, 35%. Giới phân tích dự báo chỉ vài năm nữa, mảng điện máy sẽ tiệm cận trạng thái bão hòa tương tự như mảng điện thoại. MWG hiện đặt kế hoạch đến hết năm 2020 sẽ chiếm 45% thị phần điện máy - tương đương với thị phần bán lẻ điện thoại hiện nay. Với mức thị phần 45%, mảng bán lẻ điện thoại ghi nhận mức tăng trưởng 16% trong năm 2018, không tệ, nhưng thấp hơn nhiều so với trước đây.
“Đi buôn” đồng hồ liệu có “nửa vời”?
Trong một động thái đáng chú ý gần đây, MWG đã chính thức thử nghiệm kinh doanh đồng hồ. Rõ ràng, MWG đang hướng đến thị trường đồng hồ trị giá 17.000 tỷ đồng nhằm mục tiêu duy trì tăng trưởng doanh thu ở mức cao, nhưng thật khó để xác định hành động trên là "cải tiến cái cũ" hay "xây dựng cái mới". Nói cách khác, có sự nửa vời trong động thái kinh doanh đồng hồ của MWG, nếu công ty này thực sự muốn tích hợp sản phẩm đồng hồ vào chuỗi Thế giới di động.
Đồng hồ thực chất là một sản phẩm trang sức. Việc tích hợp một sản phẩm trang sức vào một cửa hàng chuyên bán điện thoại sẽ tạo ra tình trạng không nhất quán về hình ảnh cũng như danh tiếng. Việc cung ứng hai sản phẩm mang hai giá trị không nhất quán với nhau có thể làm rối trí khách hàng, xói mòn thương hiệu.
Để phù hợp hơn với hệ thống, MWG đang cố gắng "đánh" vào nhóm khách hàng nhạy cảm về giá. Theo khảo sát của Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), có 37% sản phẩm đồng hồ MWG bán có giá dưới 45 USD, 21% có giá từ 45 USD đến 130 USD, 42% có giá từ 130 USD đến 300 USD và chỉ có vỏn vẹn 1% đồng hồ có giá trên 300 USD. Trong khi đó, 90% sản phẩm đồng hồ mà chuỗi cửa hàng trang sức PNJ kinh doanh có giá trên 130 USD.
Tất nhiên, MWG mới chỉ thử nghiệm và "truyền thống" của doanh nghiệp này là: thử và nếu sai, sẽ thay đổi chiến lược, thậm chí là dừng kể cả khi đã bỏ ra lượng vốn lớn. Việc đóng cửa trang thương mại điện tử Vuivui.com, hay việc dừng thâu tóm trên 51% cổ phần chuỗi cửa hàng dược Phúc An Khang (nay đã đổi tên thành "An Khang") đều là những ví dụ điển hình.