Doanh nhân Johnathan Hạnh Nguyễn cùng “lương duyên” mới Sasco
Diện mạo của Sasco là không còn tình trạng xuống cấp như trước, thông qua việc nâng cấp thương hiệu và chất lượng dịch vụ, bộ mặt của các cửa hàng Sasco được thay đổi hoàn toàn.
Bộ mặt của các cửa hàng đổi thay hoàn toàn, chất lượng dịch vụ được nâng tầm, doanh thu năm 2018 tăng 12%, lợi nhuận sau thuế tăng 16% so với năm 2017 là những "điểm nhấn" nổi bật trong hoạt động của Công ty CP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco) sau một năm ông Johnathan Hạnh Nguyễn đảm đương vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
DĐDN đã có cuộc trò chuyện với người mang lại "làn gió mới" này để tỏ tường hơn chân dung một Sasco trong hiện tại lẫn tương lai.
- Ông có thể cho biết những đổi thay của Sasco từ khi Tập đoàn Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) do ông dẫn dắt chính thức tham gia vào Hội đồng quản trị (HĐQT) Sasco?
Trước khi IPPG tham gia vào HĐQT, chức danh Chủ tịch/Tổng Giám đốc của Sasco vẫn thuộc về Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV). Từ năm 2015, IPPG tham gia vào Hội đồng quản trị và từ năm 2017 tôi được chính thức giữ vai trò Chủ tịch. Một thuận lợi lớn là ngay sau khi cổ phần hóa và IPPG được lựa chọn là đối tác chiến lược, tiếng nói của chúng tôi cũng trở nên có trọng lượng hơn và mọi ý kiến đóng góp đều được Ban lãnh đạo Sasco cầu thị lắng nghe bởi vì chúng tôi cũng đã có hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh cửa hàng miễn thuế, cửa hang bách hóa tại các sân bay Việt Nam.
Cũng từ năm 2017, khi giữ vai trò Chủ tịch HĐQT Sasco, chúng tôi được trực tiếp tham gia vào các quyết định cũng như các chủ trương, chính sách của Sasco. Qua thời gian, ACV đã dần thấy rõ được tính hiệu quả từ việc IPPG tham gia vào HĐQT và luôn tôn trọng mọi ý kiến của chúng tôi.
Một đổi thay lớn khác đến từ diện mạo của Sasco là không còn tình trạng xuống cấp như trước, thông qua nỗ lực cải tạo các cửa hàng, nâng cấp thương hiệu và chất lượng dịch vụ, bộ mặt của các cửa hàng Sasco được thay đổi hoàn toàn, được khách hàng đánh giá cao. Trên cơ sở thấu hiểu rõ nhân tố quan trọng góp phần tạo nên các giá trị này cho doanh nghiệp chính là đội ngũ nhân viên, do đó chúng tôi tập trung huấn luyện, đào tạo phong cách phục vụ cho nhân viên; đồng thời sàng lọc lại đội ngũ lãnh đạo cấp trung, tổ chức tái cơ cấu lại một loạt nhân sự. Những bộ phận nào không cần thiết thì cắt bỏ, tập trung vào những mảng kinh doanh có lãi để tiếp tục phát triển. Đại hội cổ đông rất tin tưởng vào sự điều hành của Chủ tịch và ban Tổng Giám đốc thông qua quyết định của HĐQT ACV.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao lợi nhuận ròng Sasco giảm 36%?
07:00, 17/10/2018
SASCO toan tính gì khi "lấn sân" sang lĩnh vực đường sắt?
05:36, 20/03/2018
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói gì về sai phạm của Sasco giai đoạn 2012-2015?
17:01, 16/01/2018
Được "vua hàng hiệu" dẫn lối, Sasco thay đổi thế nào?
16:37, 13/07/2017
“Vua hàng hiệu” sẽ thay đổi Sasco thế nào?
06:37, 15/05/2017
SASCO đã “lột xác” ra sao?
07:35, 27/08/2016
Ông Jonathan Hạnh Nguyễn đề nghị được mua thêm cổ phần của SASCO
09:21, 16/09/2015
- Từ những thay đổi trên, Sasco đã đạt được những thành quả gì thưa ông?
Nói đến thành quả, điều đầu tiên phải nói đến đó chính là giá trị thương hiệu của Sasco đã được nâng lên 1 tầm cao mới, doanh thu và lợi nhuận trước thuế cũng tăng đều theo các năm. Năm 2014, trước thời điểm Sasco chuyển sang cổ phần hóa, lợi nhuận trước thuế chỉ đạt hơn 177 tỷ đồng, đến năm 2018, con số này đã tăng lên đến 409 tỷ đồng, tương đương với mức tăng trưởng gần 2,5 lần. Điều đáng nói là doanh thu và lợi nhuận đều tăng, nhưng lực lượng lao động bình quân thì lại giảm đều theo các năm. Năm 2015, số lượng lao động bình quân là 1.399 người, nhưng đến năm 2018, số lao động bình quân giảm xuống chỉ còn 1.129 người. Điều này cho thấy, việc tái cấu trúc lại, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Sasco là đã đi đúng hướng và nó đã mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
Một thành công nữa mà HĐQT cũng như Ban điều hành luôn cảm thấy tự hào, đó chính là thu nhập và phúc lợi của người lao động được nâng cao, đời sống của người lao động được ổn định. Không những thế, Sasco đã nhận dược nhiều giải thưởng uy tín trong nước và nước ngoài, như Top 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, top 10 doanh nghiệp bán lẻ uy tín, giải thưởng kinh doanh xuất sắc Châu Á. Sasco được đánh giá là một nơi có môi trường làm việc tốt nhất, được tạp chí HR Asia- một trong những tạp chí uy tín hàng đầu Châu Á về nhân sự bình chọn và trao giải thưởng Nơi làm việc tốt nhất Châu Á năm 2018. Rõ ràng, ngoài việc hoạch định đường lối chiến lược đúng đắn, thì cán bộ, công nhân viên cũng là một yếu tố làm nên thành công.
- Có thể thấy Sasco đang cựa mình “trỗi dậy”. Vậy trong tương lai các cổ đông của Sasco có thể kỳ vọng vào tiền đồ rộng mở hơn của doanh nghiệp?
Theo tôi những chỉ số lợi nhuận năm qua vẫn chưa phản ánh đúng tiềm lực của Sasco, bởi hiện nay, Sasco vẫn còn đang trong thời gian nâng cấp, cải tạo và còn nhiều dự án đang trong quá trình chuẩn bị, triển khai. Trong vòng 3 năm tới, khi các nhà ga được hình thành (Nhà ga T3 - Sân bay Tân Sơn Nhất, Sân bay Long Thành, Sân bay Phú Quốc) thì thời kỳ đột phá của Sasco mới chính thức bắt đầu và tiềm năng của Sasco sẽ được đánh giá sau 3 năm nữa.
Hiện tại Sasco đang tập trung kiến tạo một đội ngũ nhân viên vững mạnh, đầy đủ chất lượng, quá trình chuẩn bị phải dài hơi. Theo kế hoạch thì 3 năm sau Sasco sẽ "cất cánh" mạnh mẽ và có tính chất đột phá. Để thực hiện chiến lược này, hiện Sasco đang tham gia vào việc đấu thầu mặt bằng kinh doanh tại các nhà ga sân bay mới.
- Hiện nay mảng dịch vụ ngoài sân bay cũng như hoạt động đầu tư ra bên ngoài đã mang lại cho Sasco những giá trị gì, cũng như chiếm tỷ lệ như thế nào trong tổng doanh thu của Công ty?
Đối với các lĩnh vực ngoài sân bay, hiện Sasco đang sở hữu một quỹ đất tương đối lớn ở các địa phương như Phú Quốc, Bình Dương, Nha Trang - Khánh Hòa. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đang trong quá trình ổn định lại về mặt thủ tục hành chính và pháp lý. Sasco hoàn toàn có thể tự làm với sự trợ lực của IPPG hoặc đưa ra đấu thầu với các đơn vị khác. Đây là một mảng kinh doanh tiềm năng nhằm bổ sung cho kế hoạch phát triển 5 năm tiếp theo của Sasco. Cụ thể về lực (tài chính), IPPG sẽ hỗ trợ để Sasco thực hiện các dự án này khi có quyết định đầu tư của ACV.
Dư địa phát triển dồi dào là vậy song hiện tại mảng dịch vụ ngoài sân bay vẫn chưa mang lại nhiều giá trị cho Sasco. Doanh thu của Sasco chủ yếu vẫn đến từ các dịch vụ chính là các cửa hàng miễn thuế, dịch vụ phòng chờ, mảng bán lẻ và mảng thức ăn (chiếm trên 95% doanh thu của Công ty). Dự kiến sau Đại hội cổ đông năm nay, ACV sẽ có quyết định đầu tư cho mảng bất động sản và đây sẽ là một bước đột phá mới của Sasco trong vòng 5 năm tới. Còn đối với hoạt động đầu tư ra bên ngoài, hiện Sasco mới chỉ hợp tác trong lĩnh vực xăng dầu, cung cấp các suất ăn… Hy vọng trong thời gian tới các lĩnh vực này cũng sẽ phát triển mạnh.
- Xin cảm ơn ông!