“Loay hoay” chuyển giao thế hệ trong doanh nghiệp gia đình
Ông Phạm Đình Đoàn chia sẻ từ một cuộc khảo sát gần đây cho thấy, chuyển giao thế hệ thứ 2 có 70% thất bại, thế hệ thứ 3 thì lên đến 90%.
Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái kiêm Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam chia sẻ, cũng đã nghĩ đến vấn đề kế nghiệp nhưng vẫn còn đang “loay hoay”. Cách đây khoảng 5 – 7 năm câu chuyện chuyển giao hay kế nghiệp còn ít được quan tâm và không có chuyên gia tư vấn. Nhưng hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp quan tâm, thậm chí “gấp gáp”, vì phần lớn những ông, bà chủ gây dựng lên doanh nghiệp đã bắt đầu cảm thấy mệt mỏi. Có nhiều doanh nghiệp trước đây phát triển rất nhanh, thì đến thời điểm này lại đang cảm thấy “hết bài” phát triển, đặc biệt trước làn sóng cách mạng 4.0, nhiều doanh nghiệp gia đình mong muốn có thêm nguồn lực khác từ bên ngoài.
Tìm “ngôn ngữ chung” giữa các thế hệ
Vẫn theo ông Đoàn, một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến sự phát triển doanh nghiệp gia đình Việt là do sức khỏe người đứng đầu. Sức khỏe giảm sút cùng với việc không theo kịp kiến thức trong giai đoạn phát triển mới, đã khiến nhiều doanh nghiệp gia đình Việt Nam có dấu hiệu “đi xuống” hoặc “dừng lại” không phát triển.
Có thể bạn quan tâm
“Lời giải” kế nghiệp cho doanh nghiệp gia đình
11:05, 03/04/2019
Quản trị năng lượng - Bí quyết đem lại sự phát triển bền vững cho các doanh nghiệp gia đình
10:54, 03/04/2019
Giải pháp để chuyển giao quyền lực trong doanh nghiệp gia đình thành công
00:46, 03/04/2019
Để tìm giải pháp cho vấn đề chuyển giao thế hệ, Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam đã thành lập câu lạc bộ kế nghiệp, nhằm đáp ứng yêu cầu của các thế hệ F2. Câu lạc bộ sẽ đóng vai trò như một sân chơi để 2 thế hệ có thể chia sẻ, giãi bày, thậm chí đối thoại một cách chuyên nghiệp giữa thế hệ F1 và F2.
“Trong nội bộ một gia đình, đôi khi giữa bố mẹ và con cái không tìm được tiếng nói chung, do đó cần có thêm “ngôn ngữ” thứ 3 để dẫn dắt và tìm đến điểm chung. Đây là sự tổng hợp khách quan và khoa học để giữa F1 và F2 có cùng tiếng nói”, ông Đoàn bày tỏ.
Sự năng động của thế hệ F3
Trên thực tế, có nhiều doanh nghiệp gia đình F1 thành công và tỏa ánh hào quang rất lớn, thậm chí che lấp hoặc làm lu mờ thế hệ F2. Nhưng sự thành công đó đến từ sự phát triển bền vững và chuyên nghiệp không, hay từ kinh nghiệm và quan hệ mà có được? Ông Đoàn nhận thấy, có nhiều bài học từ các doanh nghiệp gia đình không kế nghiệp thành công, phần lớn con cái kinh doanh hoặc đi làm việc khác. Vì “ánh hào quang” của thế hệ trước quá lớn, đã khiến thế hệ sau “mất tự tin”.
Chia sẻ về những khó khăn mà các doanh nghiệp gia đình thường gặp, ông Nguyễn Duy, Tổng Giám đốc KOVA Trading (Tập đoàn Sơn KOVA) cho biết, doanh nghiệp gia đình thường bị rơi vào “bẫy”, đó là không giao việc đúng chức năng, nhiệm vụ, năng lực mà giao việc theo cách thức “tiện việc gì giao việc đấy”. Thường các thành viên trong gia đình sẽ tiện giao việc hơn người ngoài, do “dễ bảo” hoặc nếu có xung đột xảy ra thì cũng dễ xử lý.
“Đây là bẫy các doanh nghiệp gia đình thường mắc phải, do đó muốn kéo dài việc chuyển giao hoặc có thể đảm bảo được sân chơi cho người ngoài thì không thể giao việc hay hành động một cách tùy tiện”, Nguyễn Duy chia sẻ.
Nguyễn Duy - Tổng Giám đốc KOVA Trading (Tập đoàn Sơn KOVA) là thế hệ lãnh đạo thứ 3 của Tập đoàn sơn KOVA, người được Forbes Vietnam bình chọn vào danh sách 30 nhân vật tiêu biểu dưới tuổi 30 năm 2018. Sau gần 6 năm điều hành Kova Trading, vị doanh nhân trẻ đã đem đến làn gió mới cho công ty gia đình có truyền thống trên 25 năm. Sự “trẻ hóa”, “hiện đại hóa” là những gì đang được nhìn thấy tại Kova.