Doanh nghiệp vận tải "choáng" vì giá xăng dầu tăng liên lục

Lê Linh 04/05/2019 12:07

Trong vòng chưa đầy 1 tháng, xăng dầu đã 2 lần tăng giá, điều này khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải... choáng váng.

Theo thống kê chi phí của một doanh nghiệp vận tải hành khách trước khi giá dầu tăng thường là 42% cho phí xăng dầu. Nhưng xăng dầu tăng “chóng mặt” như thế này, giá vé vẫn giữ nguyên thì mức phí sẽ đội lên là 50 - 55%, điều này sẽ đẩy doanh nghiệp vào khủng hoảng. Giá xăng dầu tăng khiến cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách thực sự lao đao. Trung bình một doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bình quân một tháng tiêu thụ từ 200- 300 khối dầu, trong khi đó dầu tăng từ 2000 - 3000 đồng/1 lít. Như vậy doanh nghiệp phải oằn mình lên một tháng từ 600 - 900 triệu.

Có thể bạn quan tâm

  • Thuế xăng dầu tăng kịch trần: Tăng áp lực cho doanh nghiệp ngành vận tải!

    Thuế xăng dầu tăng kịch trần: Tăng áp lực cho doanh nghiệp ngành vận tải!

    11:02, 02/10/2018

  • Thuế xăng dầu tăng kịch trần, vận tải điêu đứng

    Thuế xăng dầu tăng kịch trần, vận tải điêu đứng

    09:12, 27/09/2018

Trao đổi với PV Báo Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Hoàng Văn Dinh, Giám đốc Cty TNHH Thương Mại Đoàn Xuân (xe khách Ô Hô) chia sẻ: “Đơn vị chúng tôi có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách. Khi giá  xăng dầu tăng, chúng tôi được phép tăng giá vé. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần phải cân đối thực sự trước khi ra quyết định tăng giá. Doanh nghiệp vận tải đang phải cạnh tranh khốc liệt, chỉ cần tăng giá vé không phù hợp sẽ dẫn đến khách hàng sử dụng dịch vụ khác”.

ông Hoàng Văn Dinh, Giám đốc Cty TNHH Thương Mại Đoàn Xuân, xe khách Ô Hô

Ông Hoàng Văn Dinh, Giám đốc Cty TNHH Thương Mại Đoàn Xuân, xe khách Ô Hô

"Với những khách hàng nhỏ lẻ có thể điều chỉnh giá nhưng với những đơn vị là tập đoàn nước ngoài đã ký hợp đồng bền vững thì việc điều chỉnh giá là vô cùng khó khăn thậm chí là không thể. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải bán đi phân nửa lượng xe của mình. Họ cho rằng thà nằm im còn “chết ít” chứ càng chạy hàng càng lỗ và thậm chí còn phá sản", ông Dinh chia sẻ.

Ông Đinh Kim Đức, Chủ tịch CLB liên kết các nhà xe chia sẻ: "Việc tăng giảm chi phí xăng dầu tác động đến chi phí doanh nghiệp vận tải và chủ hàng. Xăng dầu là chi phí chủ yếu nhất của kinh doanh vận tải. Việc tăng giá liên tục như thế này khiến doanh nghiệp không kịp đưa ra lộ trình để điều chỉnh và đàm phán với chủ hàng. Tuy nhiên, người chịu thiệt cuối cùng vẫn là khách hàng.Thiết nghĩ giá xăng dầu kỳ điều hành tới cần cân nhắc kỹ theo đúng nguyên tắc hài hòa quyền lợi doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng, trong đó cần lưu tâm giá điện đã tăng, người tiêu dùng cũng đã chia sẻ nhiều, nhiều doanh nghiệp đang lỗ”.

Cây xăng Đông Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng thường xuyên được nghe chia sẻ của người tiêu dùng về giá xăng dầu tăng, giá điện tăng.

Xăng dầu là chi phí lớn đối với kinh doanh vận tải

Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ cây xăng Đông Viên, Ngô Quyền, Hải Phòng, cho biết: Lượng khách đến đổ tại cây xăng vẫn đông, tuy nhiên họ dường như coi chúng tôi như những “nhà sản xuất” ra xăng dầu. Ai đến đổ cũng "kêu" là điện tăng, xăng dầu tăng. Chúng tôi rất chia sẻ với cảm giác của người tiêu dùng nên cũng cố gắng phục vụ tốt nhất để khách hàng yên tâm về chất lượng”.

Lê Linh