IPPG và hành trình chinh phục thị trường bán lẻ cao cấp
Sau hơn 10 năm hoạt động, DAFC và ACFC đã chiếm lĩnh 70% thị phần, phân phối cho hơn 100 thương hiệu nổi tiếng thế giới và đưa ông Johnathan Hạnh Nguyễn trở thành “ông vua hàng hiệu” tại Việt Nam.
Vào thời điểm Tập đoàn IPPG thành lập Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Duy Anh (DAFC) năm 2005 và Công ty Thời trang và Mỹ phẩm Châu Âu (ACFC) năm 2009, để thâm nhập vào thị trường bán lẻ thông qua kinh doanh các sản phẩm thời trang xa xỉ như: Burberry, Rolex, Gucci, Nike, etc., nhiều nhà phân tích cho rằng, ông Johnathan Hạnh Nguyễn – Chủ tịch IPPG đã đi một nước cờ mạo hiểm. Tuy nhiên, chỉ sau hơn 10 năm hoạt động, hai công ty này đã chiếm lĩnh 70% thị phần hàng hiệu cao cấp và phân phối cho hơn 100 thương hiệu nổi tiếng thế. Cho đến giờ, mảng kinh doanh này vẫn tiếp tục mở rộng với doanh thu trung bình mỗi năm gần 660 triệu USD.
Tận dụng lợi thế từ thị trường
Theo Vietnam Report, Việt Nam đang là một trong những thị trường tiêu dùng lớn ở châu Á do tăng trưởng kinh tế và chi tiêu tiêu dùng gia tăng, với tốc độ tăng trưởng thị trường bán lẻ duy trì ở mức khá cao, khoảng 10%/năm, giá trị thị trường bán lẻ ước đạt khoảng 160 tỉ USD vào năm 2020.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2018 đạt 3.306,1 ngàn tỉ đồng (tương đương 142,8 tỉ USD), tăng 12,4% so với năm trước. Đây là mức tăng trưởng khá cao so với những năm trước đó. Cụ thể năm 2016 doanh thu bán lẻ đạt khoảng 118 tỉ USD, tăng 10,2% so với năm 2015 (gần 110 tỉ USD). Năm 2017 đạt mốc 129,56 tỉ USD, tăng 10,9%. Với kết quả này, cho thấy thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao và ổn định.
Ngoài ra, báo cáo của Global Confidence Report cho biết, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam đạt 124 điểm vào Quý 1/2018, xếp thứ 5 toàn thế giới. Con số này cho thấy người Việt đang lạc quan về khả năng tài chính và nền kinh tế, như vậy họ sẽ sẵn sàng chi tiêu nhiều hơn.
Còn theo báo cáo về người siêu giàu thế giới của World Ultra Wealth Report, Việt Nam đứng thứ 3 trong nhóm nước có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu cao nhất thế giới với 12,7% mỗi năm trong giai đoạn 2012 - 2017. Một báo cáo khác từ Nielsen nhận định khả năng mở rộng của ngành tiêu dùng cấp cao trong những năm tiếp theo là khá lớn, khi rào cản của việc chi tiêu tín dụng và giới hạn thu nhập ngày càng thu hẹp.
“Thị trường Việt Nam đang trong thời điểm lý tưởng cho sự xâm nhập của những thương hiệu xa xỉ. Tuy nhiên, để có khả năng đưa thương hiệu vào nhu cầu và lòng trung thành của người tiêu dùng, doanh nhiệp cần phải tận dụng được lợi thế từ thị trường. Đây là một trong những yếu tố đã giúp IPPG thành công”. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Khả năng thương lượng và sự độc quyền thương hiệu
Rolex - một trong những thương hiệu đồng hồ cao cấp thế giới được IPPG mang về đầu tiên tại Việt Nam. Tập đoàn này tạo sự khác biệt trong cách vận hành chuỗi cửa hàng thông qua chính sách khá bất ngờ về giá. Không giống như định kiến cố hữu về hàng nhập khẩu phải chịu thuế đội giá, những chiếc đồng hồ Rolex chính hãng được IPPG phân phối gần như sát với giá bán của hãng ở các thị trường khác nhờ vào khả năng thương lượng của lãnh đạo, cũng như vị thế là nhà phân phối độc quyền.
Song song với chiến lược về giá, công ty DAFC liên tục tấn công vào thị trường bằng việc tập trung vào các yếu tố mà người mua hàng xa xỉ quan tâm hàng đầu như chương trình hậu mãi, hay bảo hành theo chất lượng chính hãng trong các Rolex Service Center. Với chiến lược này, IPPG đã từng bước làm cho khách hàng tin rằng họ thật sự “mang thương hiệu Rolex” về Việt Nam.
Khi mảng kinh doanh này sinh lời, IPPG có những cơ sở để đàm phán với hãng về mặt điều kiện kinh doanh, hay các chính sách liên quan đến quyền lợi phân phối, thương hiệu để từ đó, có nhiều lợi ích hơn cung cấp cho người dùng nhằm xây dựng lòng trung thành với doanh nghiệp.
Địa bàn khẳng định giá trị thương hiệu bán lẻ cao cấp
Không giống như các mô hình bán lẻ khác, IPPG không tìm kiếm hướng khai thác lợi nhuận của mình bằng việc mở quá nhiều cửa hàng, mà chỉ tập trung ở những địa bàn đắc địa. Ông Johnathan Hạnh Nguyễn từng chia sẻ: “Một trong những điều kiện thiết yếu trong nhượng quyền thương hiệu là phải tìm được một mặt bằng tốt. Độ nhận biết thương hiệu từ khách hàng sẽ ảnh hưởng lớn từ vị trí cửa hàng, cũng như thiết kế, chất lượng dịch vụ cần chuẩn theo thương hiệu”.
Trong thị trường bán lẻ, phân khúc trung tâm thương mại chiếm thị phần lớn nhất với 53%. Những vị trí như khách sạn Rex ở TP.HCM, hoặc Tràng Tiền Plaza ở Hà Nội, đều nằm ở trung tâm thành phố và đón tiếp những khách hàng cao cấp. IPPG đã đầu tư vào hai khu mua sắm nổi bật nhất, với những hãng thời trang hàng đầu thế giới, tiện ích đầy đủ và quan trọng nhất là vị trí đắc địa.
Trong những năm đầu tiên, IPPG thông báo đã đạt mức doanh thu tăng trưởng hơn 38% so với dự kiến từ khu trung tâm mua sắm Rex. Vì tâm trí khách hàng luôn mong muốn được trải nghiệm mua sắm ở một nơi sang trọng và tiện nghi. Ngoài ra, họ cũng cảm nhận được giá trị đích thực của sản phẩm khi được tọa lạc tại các vị trí đắt đỏ của khu vực trung tâm. Tâm lý này được IPPG khai thác thành công trong các cửa hàng mà họ khai trương.
“Với sứ mệnh “đem tinh hoa thế giới về Việt Nam”. Ngoài mảng thời trang, IPPG còn chú trọng định hướng đầu tư vào các thương vụ nhượng quyền trong ngành F&B (Gà Rán Popeyes, Domino’s Pizza,…), cùng với việc mở các cửa hàng miễn thuế tại sân bay. Ngoài ra, IPPG cũng đã bước chân vào mảng bán lẻ công nghệ khi khai trương cửa hàng eDiGi – Trung tâm bán lẻ và bảo hành chuẩn Apple đầu tiên tại Việt Nam vào tháng 9/2018”. - Chủ tịch Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ thêm.
Thị trường bán lẻ đang thay đổi từng ngày, với tiện ích hiện đại phục vụ tối đa nhu cầu trải nghiệm, giải trí lẫn sáng tạo. Theo thống kê của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), tổng mức bán lẻ của thị trường bán lẻ Việt Nam tăng mạnh qua các năm. Và hơn hết, những thay đổi này đều hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng.