CTCP Thủy Tạ: Lợi nhuận "tan chảy" đi đâu?

Nguyễn Việt 18/05/2019 06:00

CTCP Thủy Tạ (TTJ) vừa lên kế hoạch tăng vốn lên 10 lần, lên 300 tỉ đồng, nhằm phục vụ mục tiêu đầu tư nhà máy sản xuất kem hiện tại.

Năm 2018, Thủy Tạ lãi sau thuế 2,3 tỉ đồng, giảm 60% so với năm trước đó, lợi nhuận này sẽ được giữ lại để đầu tư nhà máy.

Năm 2018, Thủy Tạ lãi sau thuế 2,3 tỉ đồng, giảm 60% so với năm trước đó, lợi nhuận này sẽ được giữ lại để đầu tư nhà máy.

CTCP Thủy Tạ (TTJ) cho biết, hiện dây chuyền sản xuất kem và nước tinh khiết thương hiệu Thủy Tạ đã lạc hậu, công suất thấp không đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Do đó, để mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho thương hiệu kem, nước tinh khiết Thủy Tạ công ty cần triển khai nhà máy kem hiện đại, nâng cấp dây chuyển sản xuất nước tinh khiết. Việc tăng vốn nhằm huy động tài chính cho kế hoạch đầu tư này.

Chiếm lĩnh các vị trí đắc địa

Năm 2018, Thủy Tạ đạt 102 tỉ đồng doanh thu, trong đó doanh thu từ bán kem và doanh thu nhà hàng chiếm tỉ trọng chính lần lượt 46 tỉ đồng (giảm nhẹ 3%) và 35 tỉ đồng (tăng 4%), doanh thu từ bán đá và nước đá 4,6 tỉ đồng và doanh thu khác trên 16 tỉ đồng. Công ty lãi sau thuế 2,3 tỉ đồng, giảm 60% so với năm trước đó, lợi nhuận này sẽ được giữ lại để đầu tư nhà máy.  Đại hội đồng cổ đông thường niên của Thủy Tạ tổ chức cuối tháng 5 tới đây trình kế hoạch doanh thu 109 tỉ đồng và lợi nhuận sau thuế 6,9 tỉ đồng.

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng ACB muốn thoái toàn bộ vốn tại Thuỷ Tạ

    Ngân hàng ACB muốn thoái toàn bộ vốn tại Thuỷ Tạ

    18:00, 19/03/2019

Ngoài ra, HĐQT cũng sẽ trình lên tờ trình miễn nhiệm 5 thành viên HĐQT và 3 thành viên BKS nhiệm kỳ 2018 – 2022, trước đó nhóm này đồng loạt nộp đơn xin từ nhiệm vào ngày 16/5. HĐQT Thủy Tạ xin thông qua nhiệm kỳ mới kéo dài 5 năm từ 2019 – 2024, số lượng thành viên HĐQT 3 người và BKS 3 người. Thủy Tạ cũng sẽ xin ý kiến sửa đổi nhiều nội dung trong điều lệ công ty theo hướng dẫn của Thông tư 95 năm 2017 của Bộ Tài chính áp dụng đối với các công ty đại chúng.

Tính đến thời điểm 10/5/2019, cổ đông lớn nhất tại Thủy Tạ là Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) sở hữu 51,2% vốn điều lệ; phần còn lại được phân chia cho 4 cổ đông lớn khác là Công ty TNHH Rồng vàng Thái Bình Dương 11,2% vốn điều lệ; ông Nguyễn Mạnh Hà 10,3% vốn điều lệ; Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) 10% vốn điều lệ và bà Nguyễn Minh Hương 9,4% vốn điều lệ. Được biết, ACB đang có nhu cầu thoái vốn tại Thủy Tạ nhưng chưa thực hiện được.

Không chỉ sở hữu vị trí đắc địa, đây gần như được xem là biểu tượng bên Hồ Gươm với nườm nượp du khách đến thăm, chủ yếu là khách nước ngoài. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong tổ hợp bốn nhà hàng đang hoạt động của CTCP Thủy Tạ. Ba nhà hàng còn lại đặt ngay đầu phố Lê Thái Tổ gồm Nhà hàng Đình Làng (ẩm thực truyền thống), Nhà hàng Mamarosa (ẩm thực Âu - Ý) và Nhà hàng Long Vân (đồ ăn nhanh, giải khát), không nhiều người biết việc chúng cùng được điều hành dưới tay một chủ.

Nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng

Do chiếm vị trí đắc địa, dễ hiểu vì sao mà giá đồ ăn, thức uống ở đây đều ở mức mặt bằng khá cao so với thông thường, thậm chí gấp từ hai đến ba lần, nhưng quán thì lúc nào cũng đông khách. Nhiều người sẽ tò mò xem, với khối lượng khách và giá bán như vậy, doanh thu hàng năm của các nhà hàng này liệu có thể đạt được con số bao nhiêu?

Báo cáo tài chính sau kiểm toán năm 2017 của CTCP Thủy Tạ cho thấy, doanh thu thuần mà công ty đạt được trong năm đạt gần 102,5 tỷ đồng, giảm hơn 7% so với năm trước đó. Trong đó, doanh thu hoạt động nhà hàng đem về khoảng 34 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 33%. Đáng chú ý, với giá vốn hàng bán của hoạt động nhà hàng chỉ là hơn 12,5 tỷ đồng, người ta mới thấy biên lãi gộp mà hoạt động kinh doanh này ấn tượng đến mức nào, đạt trên 63%.

Một hoạt động khác nổi tiếng không kém chính là bán kem, kem Thủy Tạ đạt doanh thu 47,4 tỷ đồng trong năm, chiếm tỷ trọng 46,2% trong cơ cấu doanh thu. Biên lãi gộp của mảng kem cũng đạt gần 37%. So với các năm trước đó, hoạt động nhà hàng của Thủy Tạ duy trì biên lợi nhuận từ 60 – 65%, trong khi hoạt động kinh doanh lại biến động hơn ở những năm trước và gần đây đã ổn định trở lại.

Thống kê kết quả kinh doanh cũng cho thấy, tất cả các hoạt động làm ăn của Thủy Tạ đều đem về lợi nhuận, thậm chí cả kinh doanh nước khoáng, nước đá và các hoạt động kinh doanh khác. Vậy câu hỏi đặt ra, với hoạt động kinh doanh hiệu quả như vậy, doanh thu hàng năm trên trăm tỷ đồng, nguyên nhân nào khiến cho lợi nhuận sau thuế của công ty chỉ vỏn vẹn vài tỷ đồng?

Xét các khoản chi phí, hàng năm Thủy Tạ dành một khoản rất lớn cho chi phí bán hàng, năm 2017 là gần 35 tỷ đồng trong khi năm trước đó gần 39 tỷ đồng. Khoản mục này chiếm tỷ trọng từ 75-80% so với lợi nhuận gộp hàng năm của công ty. Đáng nói, khoản mục có tỷ trọng lớn như vậy lại không được Thủy Tạ thuyết minh cụ thể trong báo cáo tài chính, hay nói chính xác hơn là không có thuyết minh.

Một hoạt động khác cũng đáng lưu ý, Thủy Tạ thường xuyên chi vượt quỹ tiền lương được phê duyệt từng năm. Năm 2017, Công ty chi vượt hơn 4 tỷ đồng; năm 2016 không đáng kể; tuy nhiên trước đó năm 2015 và 2014 cũng đều ghi nhận số tiền gần 2 tỷ và 6 tỷ đồng. Tổng các khoản chi vượt được chuyển vào khoản phải thu khác tính đến cuối năm 2017 là gần 12 tỷ đồng.

Nguyễn Việt