Con đường Viettel…

Nguyễn Việt - Tuyết Mai - Minh Đức 01/06/2019 14:00

Viettel trong Top 15 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về số thuê bao, Top 40 công ty viễn thông lớn nhất thế giới về doanh thu... và chặng đường chinh phục vẫn đang nối dài...

Viettel don nhân huân chương

Viettel don nhân huân chương

Giá trị thương hiệu của Viettel được Brand Finance xác định là 4,3 tỷ USD - thuộc Top 500 thương hiệu lớn nhất trên thế giới. Riêng Viettel Global – đơn vị phụ trách lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài của Viettel – đang có giá trị gần 2,4 tỷ USD trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ngày 26/6/2018 khi đến thăm Tổng Công ty Viễn thông Quân đội.

Thành lập năm 1989, Sigelco (tiền thân của Viettel) có nhiệm vụ chuyển một phần cán bộ kỹ thuật giàu kinh nghiệm của quân đội sang làm kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Sau 30 năm, những người lính làm kinh tế đã gây dựng Viettel trở thành một trong 30 công ty viễn thông lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 500 thương hiệu có giá trị nhất toàn cầu. Viettel đã hiện diện tại 17 quốc gia, trong đó đầu tư và kinh doanh tại 10 thị trường nước ngoài, doanh thu hàng năm đạt hơn 10 tỷ USD, tương đương với 3% GDP của Việt Nam.

Kết thúc năm 2018, Viettel đã hình thành nhiều sản phẩm, dịch vụ, hệ sinh thái công nghệ sẵn sàng trở thành nhà cung cấp dịch vụ số bên cạnh vai trò là nhà khai thác và cung cấp dịch vụ viễn thông đã được định vị trong suốt gần hai thập kỷ qua.

Tập đoàn cũng xây dựng các trung tâm sáng tạo để kích thích việc hình thành và thực thi các ý tưởng mới. Cơ chế lương mới được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trả lương theo giá trị tạo ra, định vị lương của Viettel dẫn đầu thị trường nhằm thu hút được lực lượng lao động toàn cầu.

Đến hết năm 2018, Viettel đạt tổng doanh thu hơn 234 nghìn tỷ, chiếm 60% tổng doanh thu toàn ngành viễn thông Việt Nam; tổng lợi nhuận hợp nhất đạt 37,6 nghìn tỷ, chiếm hơn70 % lợi nhuận toàn ngành, nộp ngân sách nhà nước 37 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 70 % số tiền nộp ngân sách toàn ngành.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Bộ Trưởng Bộ Thông tin truyền thông - Nguyên Chủ tịch, Tổng giám đốc Viettel

Doanh thu dịch vụ của Viettel trong lĩnh vực cốt lõi của Tập đoàn vẫn tăng trưởng tăng trưởng 8%, trong đó doanh thu dịch vụ viễn thông trong nước tăng 4,2%. Lĩnh vực đầu tư quốc tế có doanh thu dịch vụ tăng trưởng khoảng 20%. Dòng tiền chuyển về nước đạt 240 triệu USD, cao hơn 3% so với năm ngoái. 

Thuê bao di động của các thị trường nước ngoài tăng gần 20%, đóng góp vào gần 12 triệu thuê bao di động phát triển mới trong năm, nâng tổng số thuê bao của Viettel trên toàn cầu là hơn 110 triệu thuê bao di động. Đặc biệt, thị trường Myamar của Viettel đã đạt 4 triệu thuê bao sau 6 tháng kinh doanh, một kỷ lục hiếm có trên thế giới.

Năm 2018, Viettel tiếp tục là thương hiệu đứng số 1 về giá trị ở Việt Nam, nằm trong top 50 thương hiệu viễn thông giá trị lớn nhất thế giới,  với mức định giá 3,178 tỷ USD - tăng 23,7% so với năm 2017.

Năm 2018 đánh dấu nhiều dấu mốc quan trọng đối với Viettel khi được Chính phủ đổi tên thành Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội và phê duyệt phương án tái cơ cấu Tập đoàn đến năm 2020; công bố bước vào giai đoạn phát triển thứ 4: Giai đoạn của 4.0 và Kinh doanh toàn cầu. 

Với sự tư vấn của 2 trong số 4 công ty trong lĩnh vực tư vấn chiến lược nổi tiếng thế giới (BCG và Hay Group), Viettel đang có những chuyển dịch mang tính nền tảng để trở thành Tập đoàn toàn cầu với các tiêu chuẩn quốc tế theo hướng tinh gọn, linh hoạt, lấy khách hàng làm trung tâm.

Mô hình mới đã được thiết kế theo hướng tăng tính tự chủ của các đơn vị kinh doanh, Tập đoàn chịu trách nhiệm dẫn dắt về chiến lược, tri thức, giảm số lớp, giảm chồng chéo giữa các đơn vị, hình thành các đơn vị kinh doanh theo các phân khúc khách hàng, thiết kế lại các quy trình tiếp xúc với khách hàng, đưa các công nghệ mới, tự động hoá quy trình để tăng trải nghiệm khách hàng. Một trong số những ví dụ rõ nét là Tập đoàn Viettel trước có tới hơn 20 phòng ban giờ giảm còn 12.

Tập đoàn cũng xây dựng các trung tâm sáng tạo để kích thích việc hình thành và thực thi các ý tưởng mới. Cơ chế lương mới được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, trả lương theo giá trị tạo ra, định vị lương của Viettel dẫn đầu thị trường nhằm thu hút được lực lượng lao động toàn cầu.

Bước sang năm 2019, Viettel đề ra mục tiêu tăng trưởng doanh thu 7,3% (hơn 251 nghìn tỷ đồng); lợi nhuận tăng 4,6% (hơn 39 nghìn tỷ đồng) so với năm 2017. Viettel cũng dự kiến sẽ nộp 38.100 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước năm 2019.

Trong chiến lược giai đoạn 4 của mình, Viettel cũng xác định phải đi đầu trong cuộc cách mạng 4.0 cho nền kinh tế với vai trò dẫn dắt và lan tỏa cả về công nghệ, dịch vụ, mô hình kinh doanh, nghiên cứu sản xuất, sản phẩm. Trong đó tập trung vào các dự án 4.0 cho Chính phủ điện tử, giáo dục, nông nghiệp, thành phố thông minh,… từ cấp trung ương đến cấp địa phương, tới từng lĩnh vực cuộc sống.

Nói về nhiệm vụ năm 2019 và những năm tiếp theo, ông Lê Đăng Dũng- Chủ tịch Tập đoàn Viettel cho biết, Viettel là doanh nghiệp chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông và CNTT. Để kiến tạo xã hội số, Viettel trước mắt cần làm hai việc: một là tạo ra các sản phẩm, dịch vụ chuẩn công nghệ 4.0; hai là thể hiện tiếng nói, góp phần thúc đẩy thể chế đi nhanh hơn, Chính phủ số đi nhanh hơn.

Ngày 25/4/2019, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm, Hà Nội và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép. Viettel cho biết, tốc độ kết nối trong các bài thử nghiệm dao động từ 600 - 700Mbps, tương đương với tốc độ cung cấp cho khách hàng mạng 5G Verizon của Mỹ.

Đội ngũ kỹ thuật của Viettel đã chuyển sang tiến hành các bài kiểm tra kỹ thuật trên thực địa, bao gồm đánh giá về khả năng tương thích ngược (với các thiết bị 4G, 3G, 2G hiện có của khách hàng), đánh giá vùng phủ tối ưu cho tốc độ, dịch vụ khác nhau. Thách thức lớn nhất của nhóm là mạng 5G còn nhiều thành phần cần được điều chỉnh tối ưu: từ tần số thử nghiệm, số lượng tần số, thiết bị đầu cuối, tương quan vùng phủ và vị trí phát… Khi hoàn thành các bài test và hiệu chỉnh, tốc độ truy cập sẽ thực sự bùng nổ. 

“Viettel đặt mục tiêu tiên phong phát triển và triển khai các công nghệ mới nhất, trong đó có công nghệ 5G đồng bộ với các nhà mạng hàng đầu thế giới để phục vụ cho chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam, sẵn sàng cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Các kỹ sư nghiên cứu phát triển 5G của Viettel cũng đang trong quá trình nghiên cứu, làm chủ công nghệ, sáng tạo và phát triển sản phẩm trạm phát sóng 5G Viettel”, ông Tào Đức Thắng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel khẳng định.

Như vậy, Việt Nam là một trong những quốc gia thử nghiệm 5G sớm nhất trên thế giới. Thời gian từ khi những thiết bị 5G đầu tiên cập cảng ngày 25/3 đến thời điểm tích hợp và phát sóng xong chỉ trong 1 tháng. Các kỹ sư Viettel đã lắp đặt gần 1 tấn thiết bị chỉ trong 5 ngày. Toàn bộ thời gian còn lại cho tích hợp thiết bị và cấu hình mạng lõi bởi 5G vẫn là công nghệ mới đối với các nhà mạng trên thế giới. Việc sớm tiếp cận và thử nghiệm công nghệ mới giúp Việt Nam bắt kịp xu thế của thế giới. Điều này rất khác so với triển khai 4G, bởi khi đó tất cả đối tác đều có kinh nghiệm và công nghệ đã cũ.

Theo công bố kết quả kinh doanh hợp nhất năm 2018 đã kiểm toán của Tổng CTCP Đầu tư Quốc tế Viettel - Viettel Global (VGI),  lũy kế cả năm 2018 của Viettel Global đạt 16.867 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm hơn 2.100 tỷ đồng so với năm trước, chủ yếu do doanh thu kinh doanh thiết bị giảm từ gần 3.900 tỷ đồng xuống 1.300 tỷ đồng.

Việc thu hẹp mảng kinh doanh thiết bị vốn có tỷ suất lợi nhuận thấp là chủ trương đã được Viettel Global đưa ra từ đầu năm để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi là dịch vụ viễn thông. Doanh thu dịch vụ tiếp tục tăng hơn 400 tỷ đồng so với năm 2017 lên trên 15.500 tỷ đồng - đây cũng là mức cao nhất từ trước đến nay.

Tỷ trọng doanh thu dịch vụ trên tổng doanh thu năm 2018 chiếm đến 92% - mức cao nhất kể từ năm 2012 khi Viettel Global bắt đầu mở rộng sang khu vực châu Phi. Nhờ tập trung vào dịch vụ có tỷ suất lợi nhuận cao nên dù tổng doanh thu có giảm so với năm ngoái nhưng lợi nhuận gộp vẫn tiếp tục lập kỷ lục mới, đạt hơn 5.300 tỷ đồng - tăng 19% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận gộp đạt 31,5%, là mức cao nhất trong 4 năm trở lại đây.

Về cơ cấu doanh thu, đóng góp chính vào vẫn là 2 thị trường châu Phi và ASEAN, đạt lần lượt là 7,100 tỷ đồng và 6.100 tỷ đồng. Thị trường Mỹ La-tin đóng góp gần 2.300 tỷ đồng. Hai mạng viễn thông tại Lào và Myanmar không hợp nhất vào doanh thu do Viettel Global nắm giữ dưới 50% vốn. Trong năm qua, Viettel Global cũng đẩy mạnh cắt giảm chi phí với kết quả là giảm được 650 tỷ đồng chi phí quản lý và chi phí bán hàng so với năm trước.

Với các yếu tố trên, trong điều kiện tương đương năm 2017 (không có khoản lỗ kế hoạch của thị trường Myanmar), thì lợi nhuận của Viettel Global có thể đạt được gần 2.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, do thị trường Myanmar đầu tư lớn trong năm đầu đi vào vận hành nên Viettel Global đã ghi nhận khoản lỗ trước thuế khoảng 139 tỷ đồng.

Với thị trường Myanmar, dù mới đi vào hoạt động nhưng đây là thị trường đạt tăng trưởng ấn tượng nhất trong lịch sử đầu tư nước ngoài của Viettel Global. Chỉ sau hơn 6 tháng khai trương, Mytel – thương hiệu của Viettel tại đây, vượt mốc 5 triệu thuê bao – con số mà tất cả thị trường trên toàn cầu kể cả Việt Nam phải mất nhiều năm mới có được. Mytel cũng là hiện tượng tăng trưởng của ngành viễn thông toàn cầu. Theo dự kiến, Mytel sẽ có lãi trong năm 2019 và tiếp tục là động lực tăng trưởng lớn nhất của Viettel Global.

Từ đầu năm 2019 đến nay, cổ phiếu VGI của Viettel Global đã tăng rất mạnh với mức đỉnh gần 28.000 đồng/cp đạt được vào giữa tháng 3 - tăng gấp đôi so với cuối năm 2018. Hiện, VGI đang dao động quanh mức 22.500 đồng/cp, tương ứng với vốn hóa thị trường hơn 50.000 tỷ đồng (2.2 tỷ USD).

Trong lịch sử 30 năm, Viettel đã liên tục làm bùng nổ dịch vụ viễn thông di động ở nhiều thị trường trên thế giới, sở hữu khoảng 100 triệu khách hàng, Viettel đã trở thành 1 trong 15 doanh nghiệp viễn thông lớn nhất thế giới. Tập đoàn Viettel đã phát triển nhiều ngành nghề mới như ngành công nghiệp điện tử viễn thông, ngành công nghiệp vũ khí công nghệ cao, ngành công nghiệp an ninh mạng…

Theo báo cáo, chỉ riêng hai ngành công nghiệp điện tử viễn thông và công nghiệp vũ khí công nghệ cao đã có doanh thu 12.000 tỷ đồng, tương đương với lĩnh vực đầu tư quốc tế của Tập đoàn. Nhiều sản phẩm trong lĩnh vực này đã được trang bị trong Quân đội và được đánh giá có tính năng tương đương với sản phẩm của NATO, phù hợp với khả năng tác chiến của Quân đội.

Về lĩnh vực dân sự, Viettel đã nghiên cứu và sản xuất thành công và đưa vào mạng lưới viễn thông Viettel tại Việt Nam và các thị trường Viettel đầu tư những thành phần quan trọng nhất của hạ tầng mạng viễn thông, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin. Đó là thiết bị đầu cuối, mạng truy nhập, mạng lõi và cung cấp dịch vụ như trạm phát sóng BTS 4G, các loại tổng đài, hệ thống tính cước….

Viettel đã phát triển giải pháp tường lửa quốc gia, chặn lọc tin rác, hệ thống giám sát an ninh mạng 24/7. Mục tiêu của Viettel tới năm 2020 là trở thành một Tập đoàn công nghiệp công nghệ cao, viễn thông, toàn cầu với tăng trưởng 10-15%/năm. Viettel đặt ra chỉ tiêu sẽ đạt doanh thu từ 350.000-400.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế 50.000-55.000 tỷ đồng và vào top 10 công ty viễn thông toàn cầu.

Xây dựng Viettel thành tập đoàn nổi tiếng mang tầm khu vực như khẩu hiệu của Tập đoàn là “đuổi kịp, đi cùng, vượt lên”. Viettel phải bảo vệ thương hiệu của mình như bảo vệ tài sản quốc gia. Nói đến Viettel là nói đến sự tín nhiệm, chất lượng, hiệu quả, công nghệ, do đó cần dự báo, phân tích, quản trị rủi ro tốt hơn.

Còn nhớ, năm 2012, Viettel chính thức giữ vị trí số 1 trên thị trường viễn thông và là một tập đoàn kinh tế nhà nước hàng đầu về cả doanh thu, lợi nhuận cũng như đóng góp vào ngân sách. Đây là công ty viễn thông có bước phát triển ấn tượng nhất cả nước, dù sinh sau đẻ muộn, nhưng hiện nay trở thành công ty có doanh thu lớn nhất, vượt qua cả “ông lớn” VNPT với hai “con gà đẻ trứng vàng” MobiFone và VinaPhone. Chặng đường của Viettel được vẽ lại bằng những nét chấm phá từ những ngày đầu với chiến lược “lấy nông thôn vây thành thị”. Lúc Viettel bước chân vào thị trường này đã có hai “ông lớn” MobiFone và Vinaphone đang thống lĩnh thị trường. Viettel không chọn cách đối đầu trực tiếp mà đi đường vòng – phủ sóng về khu vực nông thôn. Khi thành trì nông thôn của Viettel đã vững vàng với hệ thống trạm thu phát sóng hòa mạng hầu hết các tỉnh thành, nhà mạng này lại có thêm độc chiêu “vừa bán vừa cho” điện thoại Viettel, loại điện thoại chỉ dùng được sóng di động Viettel.

Chính sách khôn ngoan đó giúp Viettel trở nên gần gũi hơn với hình ảnh người nông dân cầm điện thoại di động khắp nơi, từ đồng ruộng, khi chăn bò, lúc trò chuyện nghỉ ngơi… Nhờ chiến dịch marketing thông minh này, Viettel khai thác được một lượng lớn khách hàng nông thôn. Đó là chưa kể, họ còn xây dựng mạng lưới cộng tác viên là những nông dân đi bán sim di động lúc nông nhàn để tăng thu nhập ở khắp vùng thôn quê. Thông qua đó, Viettel đạt được hiệu quả quảng bá cao hơn là việc quảng cáo trên báo chí, truyền hình trong thời gian đầu. Cứ như thế, những chiếc điện thoại di động này dần đẩy lui chiếc điện thoại cố định vào quá khứ.

Ngoài nông dân, Viettel còn khai thác được một đối tượng khách hàng khác mà sau này đã khiến những nhà mạng khác phải ngước nhìn: học sinh và sinh viên. Đây là đối tượng ít tiền và lúc bấy giờ còn rất ít người dùng điện thoại di động. Trong lúc các nhà mạng khác mải mê đánh chiếm những vùng xa mà bỏ lơ nhóm đối tượng này, Viettel đi tiên phong với những gói cước ưu đãi và gói cước phụ huynh – học sinh để cha mẹ dễ dàng quản lý con cái. Hầu như mức cước Viettel thu được không đáng kể ở phân khúc này. Tuy nhiên, đây chính là nguồn đầu tư cho tương lai của Viettel, những lớp học sinh đó sau này trở thành giới văn phòng, doanh nhân… người đem lại cho Viettel doanh thu lớn. Chính việc đầu tư bài bản và có phần ngược chiều so với những nhà mạng khác đã giúp Viettel đạt doanh thu “khủng” và lợi nhuận mỗi năm đều ở mức 20-25%.

Khi Viettel đã xây vững thành trì nông thôn và “dạy” người dân nơi đây cách dùng điện thoại di động, các nhà mạng khác mới hốt hoảng nhìn thấy nguy cơ bị soán ngôi. Họ rầm rập kéo về nông thôn thì Viettel lại tiến quân ngược về thành thị, tiếp tục viết nên câu chuyện “bành trướng” khắp mọi ngõ ngách đất nước. Chiến lược của nhà mạng khoác áo lính là đi ngược dòng, xây dựng hệ thống trạm thu phát sóng ở các thành phố lớn, cạnh tranh sòng phẳng từ đó sinh ra tiền. Nắm chắc sân nhà, Viettel là một trong số những doanh nghiệp viễn thông đầu tiên của Việt Nam tiến quân ra nước ngoài. 

JW Thomson (JWT) – Công ty quảng cáo lớn nhất thế giới có mặt tại Việt Nam – đã được chọn để “định vị” thương hiệu cho Viettel từ 2003. Đối với đại đa số các công ty Việt Nam, việc thuê một công ty quảng cáo nước ngoài làm thương hiệu là một việc làm quá “xa xỉ” thì việc thuê JWT có thể coi là một hành động “chơi trội”. Trị giá hợp đồng của Viettel và JWT lúc đó có giá trị 45.000 USD và được thực hiện trong vòng 2 tháng (thực tế mất tới 8 tháng), được coi là một hợp đồng lịch sử làm marketing của công ty này. Thế nhưng có lẽ là một trong những hợp đồng về thương hiệu hời nhất mà Viettel có được.

Khi bắt đầu làm thương hiệu, Giám đốc sáng tạo của JWT- Steve Bonnell nói: “Xây dựng thương hiệu là đi tìm một triết lý sống cho công ty của các ông, đừng dễ tính với chúng tôi và chúng tôi cũng không mong điều đó”. Steve cũng không ngờ rằng sau này những người của Viettel làm việc với mình lại thực hiện một cách nghiêm túc đến mức kinh khủng câu nói của mình.

Khi cùng các chuyên gia thương hiệu của JWT làm việc, phía Viettel đã đưa ra một yêu cầu cho việc xây dựng tầm nhìn của thương hiệu (brand vision); sự kết hợp của văn hoá phương Đông và phương Tây. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Viettel thời bấy giờ nhận xét “khi bắt tay vào làm thương hiệu cho Viettel thì văn hoá của công ty chưa được định hình. Vì thế chúng tôi có khát vọng đưa văn hoá của công ty vào tầm nhìn của thương hiêu, trong đó chúng tôi muốn kết hợp văn hoá Đông Tây vào đó”.

Theo ông Hùng, người phương Đông thì thường ra quyết định dựa trên 3 yếu tố. Thứ nhất là dựa vào cảm nhận trực quan để ra quyết định. Thứ hai là nặng về tư duy tình cảm. Thứ ba là chú ý về cơ chế cân bằng. Thế nhưng, mặt yếu của nó là thiếu tư duy phân tích, logic, tính hệ thống và sự sáng tạo mà đây là những điểm nổi bật của người Phương Tây. “Sự kết hợp của văn hoá Đông -Tây sẽ là một sự bổ sung hoàn hảo cho văn hoá của Viettel”, ông Hùng nhận xét.

Với ý tưởng của dấu ngoặc kép logo của Viettel được thiết kế với hình elipse biểu tượng cho sự chuyển động liên tục, sáng tạo không ngừng (Văn hóa phương Tây) và cũng biểu tượng cho âm dương hòa quyện vào nhau (Văn hóa phương Đông). 3 màu trên logo cũng có những ý nghĩa đặc biệt: màu xanh (thiên), màu vàng (địa), và màu trắng (nhân). Theo đúng bát quái thì thiên ứng với màu đỏ nhưng đuợc đổi thành màu xanh để tông màu phù hợp với bố cục và biểu trưng của quân đội.

Kể từ khi hoàn thành việc xây dựng tầm nhìn thương hiệu, slogan và logo, Viettel dường như bắt đầu 1 cuộc sống mới. Trong số các công ty viễn thông mới hoạt động, Viettel là công ty duy nhất đi vào tâm trí khách hàng với 1 ý tưởng rất khác biệt vế cá thể hóa việc phục vụ các dịch vụ viễn thông và về sự lắng nghe nhu cầu của từng khách hàng tại Việt Nam và giờ đây là tầm thế giới.

Thế nhưng, với Viettel mọi thành công mới chỉ là bước khởi đầu, nói như Thiếu tướng Lê Đăng Dũng, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn cho biết: “Chỉ có một cách duy nhất để bảo tồn lịch sử là xây dựng tương lai. Những kỳ tích lớn lao nhất của Viettel vẫn đang chờ được tạo nên ở phía trước. Đó là trách nhiệm của Viettel cũng chính là lời hứa của Viettel. Viettel sẽ tiếp tục duy trì sứ mệnh “Sáng tạo vì con người” để luôn bảo vệ và phụng sự cho Tổ quốc, góp phần hưng thịnh đất nước”.

Nguyễn Việt - Tuyết Mai - Minh Đức