KMS Technology và triết lý "Người Việt không thua kém"
KMS Technology có khoảng 1.000 nhân sự người Việt, hầu hết trong số đó là những kỹ sư công nghệ trẻ. Trên thế giới và đặc biệt đối với thị trường Mỹ, họ là một công ty làm công nghệ có tiếng…
Từ “Make in Việt Nam” của… 3 thập kỷ trước
Sản xuất ở Việt Nam – phương châm mà Chính phủ đề ra, kêu gọi các nhà đầu tư công nghệ chọn Việt Nam làm bến đỗ sản xuất, với nhà sáng lập – Giám đốc điều hành toàn cầu của KMS Technology, đã được ứng từ những năm 1990’s của thế kỷ trước.
Ở thời điểm đó, anh Lâm Quốc Vũ, một Việt kiều, luôn ấp ủ khát vọng trở về, làm gì đó cho quê hương. Đó là một khát vọng vĩnh cữu của mọi người dân cho Tổ quốc mình. Nhưng với anh, còn là khát vọng của tuổi trẻ và cống hiến, là khát vọng tự tôn dân tộc, tin tưởng vào các trí tuệ, tài năng của người Việt mà vào thời điểm đó, gần như chưa hề có “điểm chấm Việt” nào trên thang điểm công nghệ thông tin của toàn cầu.
Thành lập Paragon Solutions – lúc bấy giờ, anh Vũ đóng vai trò là nhà đầu tư nước ngoài trở về Việt Nam – một lựa chọn được cho là thuận lợi và đúng thời điểm, chỉ sau vài năm kể từ khi Việt Nam có Luật Đầu tư Nước ngoài đầu tiên (1987-NV). Và đó là nền tảng của KMS sau này.
KMS Technology được hình thành và phát triển trong vòng 10 năm trở lại đây. Rất nhanh, lại thiết lập cho mình một mạng lưới cơ sở ngoài tài sản vô giá là đội ngũ nhân sự kỹ sư, là 5 cơ sở gồm 4 tại Việt Nam và 1 tại Atlanta (Mỹ). KMS đã tiên phong không chỉ trong làng IT Việt mà cũng có thể xem là một điển hình tiên phong cho phương châm “Make in Việt Nam” – xác thực rằng Việt Nam là bến đỗ tuyệt vời cho các nhà làm công nghệ thông tin.
Có thể bạn quan tâm
CEO startup chia sẻ: Căn bệnh nan y cần tránh xa - “TÍNH KHÔN LỎI” của người Việt
06:19, 27/05/2019
Thủ tướng: ‘Mỗi người Việt ở Nga phải là đại lý tiêu thụ hàng Việt"
11:32, 22/05/2019
Doanh nghiệp công nghệ Việt với khát vọng "Make in Viet Nam"
03:22, 09/05/2019
Đến những sản phẩm công nghệ “Made in Việt Nam” - thuần Việt
Thực tế, KMS có gì trong 10 năm qua để được xem là một “đế chế” công nghệ điển hình và kiểu mới, khác với các nhà đầu tư công nghệ ở thế hệ đầu tiên đi ra từ vốn hay công ty liên doanh Nhà nước?
Anh Trần Trọng Đại, một cựu sinh viên Bách khoa TP HCM, xuất thân từ kỹ sư phần mềm của KMS và gắn bó với Công ty này trong vòng 9 năm qua, nay là Tổng giám đốc Công ty KMS Technology Việt Nam cho biết, KMS trước hết đã xây dựng được mối quan hệ gắn bó với nhiều khách hàng lớn.
Ở giai đoạn phát triển trước đây, anh Đại cho biết, KMS chủ yếu gia công cho các những công ty công nghệ cung cấp phần mềm cho các công ty khác. Những khách hàng của KMS đa phần là những tập đoàn lớn, có công ty khoảng hơn 1 tỷ USD. Ngoài ra cũng có một số công ty vừa, nhỏ và start up.
“Có một đặc điểm rất thú vị là khách hàng đã làm với KMS, thường cứ… làm hoài. Thậm chí, nhiều công ty nhỏ, sử dụng phần mềm của KMS cung cấp, dần phát triển, được thâu tóm, sáp nhập, trải qua vài vòng M&A và cứ lớn dần lên, nhưng dù có về tay đối tác nào, sẽ vẫn tiếp tục làm với KMS.”.
Ngoài ra, với mảng phát triển sản phẩm phần mềm, điển hình có thể kể đến QASymphony, nền tảng kiểm kiểm thử phần mềm phát triển bởi KMS đã nhận được khoản đầu tư 40 triệu USD năm 2017, sau đó sáp nhập với công ty Tricentis (Áo) và chính thức trở thành start-up kỳ lân (Unicorn) của Châu Âu năm 2018.
Phát triển QASymphony rất thành công, KMS Technology tự tin tiếp tục phát triển các sản phẩm phần mềm tiếp theo, được ấp ủ kĩ lưỡng và đầu tư tâm huyết, hứa hẹn sẽ là những sản phẩm công nghệ mang dấu ấn Việt đầy tiềm năng cho thị trường toàn cầu. Một số các ứng dụng khác được phát triển bởi đội ngũ kĩ sư người Việt của KMS có thể kể đến như: Kobiton - ứng dụng phần mềm đã nhận được khoản đầu tư 03 triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Kinetic (Mỹ). Ứng dụng này hỗ trợ khách hàng là các doanh nghiệp, công ty công nghệ trên thị trường toàn cầu trong việc kiểm thử và đánh giá chất lượng các ứng dụng trên các thiết bị di động khác nhau, tối ưu hoá hiệu quả và tiết kiệm kinh phí. Hay Katalon - ứng dụng cung cấp các giải pháp kiểm thử phần mềm tự động với hơn 42,000 khách hàng doanh nghiệp sử dụng trên hơn 150 quốc gia gần đây cũng đạt được danh hiệu ‘Lựa chọn của khách hàng Gartner Peer Insights’ (The Gartner Peer Insights Customers’ Choice); một thương hiệu do Gartner, Inc sáng lập và đăng ký bảo hộ.
“Những công nghệ mà KMS cung cấp cho khách hàng quốc tế vẫn được giữ bản quyền, đánh dấu một bước phát triển mới của công ty người Việt trong làng công nghệ thế giới. Hiện nay, tuy doanh thu của KMS phần lớn vẫn đến từ nguồn gia công, nhưng những giá trị các sản phẩm của KMS phát triển cũng rất đáng kể. Với các phần mềm do chúng tôi sở hữu bản quyền, thì thâm nhập thị trường càng lớn, người dùng càng nhiều, doanh thu sẽ càng tăng”, Tổng Giám đốc KMS chia sẻ.
Tài sản vô giá: những nhân tài đất Việt
Trong vòng 10 năm qua, trung bình KMS đạt mức tăng trưởng đều đặn 20%/ năm. “20% không phải là 1 con số lớn nhưng nó đảm bảo chúng tôi đang làm tốt. Chỉ cần có định hướng tốt và với những tài sản vô giá - con người của mình, KMS có thể làm được nhiều hơn, đi xa hơn”, anh Đại nói.
Tại KMS, có lẽ mô hình không gian công nghệ của những ông lớn Google, Apple…có dấu ấn ảnh hưởng khá mạnh. Thứ chúng tôi nhìn thấy không chỉ là một không gian cực rộng, thoáng và đồ sộ ở một trong bốn văn phòng nơi “đầu não” – dàn kỹ sư chính của KMS và khối văn phòng lãnh đạo, quản lý tập trung, mà cực thú vị là không gian vui chơi, nghỉ ngơi với đầy đủ cà phê lounge, phòng tập thể dục hay đơn giản là phòng riêng cho chị em trong kỳ bỉm sữa…
Giải thích vì sao tôi chỉ nhìn thấy hầu hết nơi đây là các kỹ sư trẻ, ở độ tuổi khoảng 20-30, một nhân viên KMS cho biết vì đây chính là không gian ưa thích của các bạn trẻ, sinh viên từ các trường ĐH công nghệ uy tín trong nước. “Chúng tôi được thu hút bởi sự đãi ngộ tương xứng với năng lực, cống hiến của mình, cùng sự chia sẻ và giá trị mà KMS mang lại cho cộng đồng CNTT”.
Tấm gương của nhà điều hành KMS Trần Trọng Đại đi lên từ một kỹ sư phần mềm có lẽ cũng là động lực để các bạn trẻ trong ngành công nghệ phấn đấu– trở thành những người tiếp nối giấc mơ ghi danh Việt Nam trên bản đồ công nghệ toàn cầu.
“Hiện chúng tôi có khoảng hơn 1000 nhân sự, với đội ngũ sales và hỗ trợ kỹ thuật khoảng hơn 30 người tại Mỹ, còn lại hơn 95% đều là người Việt, làm việc tại Việt Nam. Lứa lớn tuổi nhất… có lẽ là tôi, thế hệ 7x đầu cuối. Hội tụ được các tinh hoa, các bạn trẻ tài năng, sự thành công của KMS cũng chính là sự thành công của các kỹ sư trẻ, chứng minh rằng người Việt chúng ta không hề thua kém ai về trí thông minh, logic, thậm chí còn có tố chất để phát triển công nghệ. Quan trọng hơn, để thành công không chỉ nằm ở năng lực hay sự thông minh, mà còn nằm ở định hướng, cách làm và tầm nhìn. Nếu ta có tầm nhìn đi ra thế giới, chắc chắn sẽ có nhiều hơn nữa những sản phẩm công nghệ ‘made in Việt Nam’ thành công trên toàn cầu”, TGĐ KMS chia sẻ
Sau 10 năm phát triển với 2 trụ cột chính là gia công phần mềm và phát triển sản phẩm phần mềm cho thị trường quốc tế, từ 2019, KMS sẽ hướng về thị trường nội địa và khu vực. Thời điểm thiên thời, địa lợi, nhân hòa với làn sóng chuyển đổi số, sự sẵn sàng đầu tư của Chính quyền, doanh nghiệp với số hóa, sự hòa nhập mọi xu hướng công nghệ của người tiêu dùng khiến KMS - đế chế công nghệ thành công trên thế giới - lại hơi kín tiếng ở Việt Nam, xác thực rằng: Thị trường nội địa đã đủ lớn. Đã đến lúc Việt Nam trở thành một “khách hàng lớn” và quan trọng của mọi nhà cung cấp sản phẩm công nghệ, thông tin quốc tế. Hay nói cách khác, đã đến lúc công nghệ Việt, của người Việt, cho người Việt, theo chuẩn toàn cầu - cất tiếng!