Từ nghi án Asanzo dùng hàng Trung Quốc "đội lốt": Cần bộ tiêu chí cho hàng Việt

Anh Duy 24/06/2019 14:03

Theo chuyên gia, việc chưa có một bộ tiêu chí cho hàng Việt khiến một số doanh nghiệp lập lờ trong truyền thông, lạm dụng tinh thần dân tộc khiến người tiêu dùng thấy như bị lừa.

Trước “nghi án” Asanzo bán hàng Trung Quốc “đội lốt”, Nhà sáng lập Asanzo thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc. Tuy nhiên, “ông chủ” Asanzo cho rằng, đây là điều bình thường đối với doanh nghiệp sản xuất điện tử trên thế giới. 

Nhà sáng lập Asanzo thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc.

Nhà sáng lập Asanzo thừa nhận 70-80% phần cứng của sản phẩm tivi là nhập từ nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc.

Theo phản ánh, Asanzo cố ý xóa bỏ dấu vết “Made in China” trên Panel LCD (khung hiển thị màn hình tinh thể lỏng), ông Tam chia sẻ, theo quy trình của Asanzo, Panel LCD là một linh kiện bên trong của tivi và các công nhân không gỡ bỏ tem sườn có chữ “Made in China” trên linh kiện này. Công nhân chỉ dán thêm tem bảo hành cho linh kiện Panel LCD.

“Chúng tôi không việc gì phải xóa chữ Made in China đi cả, bởi bộ phận này sẽ nằm bên trong phần vỏ nhựa bao bọc bên ngoài. Chẳng lẽ chúng tôi nuôi hàng ngàn công nhân chỉ để xóa chữ thôi sao. Quy trình thực hiện của chúng tôi hoàn toàn không có điều này. Chúng tôi chỉ dán dòng chữ “Xuất xứ Việt Nam” ở bên ngoài sản phẩm hoàn thiện, điều này là phù hợp với quy định hiện hành”, ông Tam trình bày.

Theo ông Tam, nhiều hãng sản xuất điện tử lớn trên thế giới cũng đang phải nhập linh kiện từ nước ngoài. Trong đó, Trung Quốc là “thiên đường” nhập hàng của các hãng điện tử. Hiện nay, 70-80% phần cứng của tivi Asanzo là nhập từ nước ngoài, phần còn lại được sản xuất trong nước. 

Chia sẻ về vấn đề này, Chuyên gia marketing Vũ Quốc Chinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cho rằng, đến nay chưa có một bộ tiêu chí cho hàng Việt. 

“Thông thường, người ta hiểu nôm na gọi là hàng của quốc gia đó như hàng Việt, hàng Mỹ, hàng Nhật hay hàng Trung Quốc thì tối thiểu ý tưởng sản phẩm, thiết kế sản phẩm và thương hiệu sản phẩm đó phải được dựng lên từ quốc gia đó. Kiểu như sinh ra đứa con phải có hình hài, tâm hồn, tính cách. Còn lại sữa để nuôi con, áo quần cho con mặc… có thể sử dụng mua từ quốc gia khác. Thế nên định nghĩa là hàng gì phải bắt đầu từ 3 yếu tố nói trên”, chuyên gia Vũ Quốc Chinh nói.

Đồng thời vị chuyên gia cho rằng, thương hiệu chỉ là một phần trong câu chuyện hàng gắn mác xuất xứ quốc gia đó.

Nhìn nhận về truyền thông của Asanzo, ông Chinh cho rằng còn lập lờ, dù sản phẩm của họ tương tự sản phẩm điện tử gia dụng của Kangaroo, Sunhouse… nhưng các sản phẩm này đều ghi xuất xứ Trung Quốc. Chính vì việc không có tiêu chí nên trong cách làm truyền thông của doanh nghiệp khiến người tiêu dùng thấy như bị lừa khi hay tin đây là hàng Trung Quốc.

“Nhiều doanh nghiệp hiện nay quá lạm dụng cụm từ hàng Việt. Nó xuất phát từ phong trào kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, lẽ ra đòi hỏi hàng Việt vì người Việt. Điều này dẫn đến tình trạng lạm dụng tinh thần dân tộc của người tiêu dùng. Mà chính cách làm không rõ ràng của chúng ta đã dung dưỡng cho vấn nạn nói trên”, ông Chinh nêu quan điểm và khuyên doanh nghiệp Việt muốn làm hàng Việt cần có thái độ “bình tĩnh hơn” trong quá trình xây dựng và cẩn trọng hơn.

Được biết, xác định xuất xứ hàng hóa hiện được quy định tại nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 8/3/2018 quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa. 

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM: Vào cuộc kiểm tra thông tin Asanzo nhập hàng Trung Quốc, ghi xuất xứ Việt Nam

    TP HCM: Vào cuộc kiểm tra thông tin Asanzo nhập hàng Trung Quốc, ghi xuất xứ Việt Nam

    12:28, 24/06/2019

  • Cơ sở nào Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao “tước” danh hiệu của Asanzo?

    Cơ sở nào Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao “tước” danh hiệu của Asanzo?

    11:30, 24/06/2019

  • Vì đâu Asanzo có doanh thu khủng?

    Vì đâu Asanzo có doanh thu khủng?

    05:00, 24/06/2019

  • Nghi vấn Asanzo

    Nghi vấn Asanzo "đội lốt" hàng Việt Nam

    06:00, 22/06/2019

Cụ thể, khoản 1 điều 3 quy định: "Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng đối với hàng hóa trong trường hợp có nhiều nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ tham gia vào quá trình sản xuất ra hàng hóa đó".

Khoản 11 điều 3 nghị định 31 quy định: "Công đoạn gia công, chế biến hàng hóa là quá trình sản xuất chính tạo ra đặc điểm cơ bản của hàng hóa".

Còn khái niệm thay đổi cơ bản được quy định tại khoản 12 điều 3: "Thay đổi cơ bản là việc hàng hóa được biến đổi qua quá trình sản xuất, để hình thành vật phẩm thương mại mới, khác biệt về hình dạng, tính năng, đặc điểm cơ bản, hoặc mục đích sử dụng so với hàng hóa ban đầu".

Đối với sản phẩm đồ điện gia dụng Asanzo như ấm đun nước siêu tốc, bếp từ, bếp điện, nồi lẩu điện, nồi cơm điện, máy xay sinh tố, máy làm mát không khí, máy lọc nước... được nhập khẩu nguyên chiếc từ Trung Quốc. 

Các lô hàng có giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) của cơ quan thẩm quyền Trung Quốc cấp, được doanh nghiệp nhập khẩu nộp cho cơ quan hải quan khi làm thủ tục thông quan lô hàng. Theo quy định, khi bán ra thị trường và xuất khẩu sang nước thứ ba thì Asanzo buộc phải ghi rõ "xuất xứ Trung Quốc" trên nhãn mác hàng hóa. 

Trong khi đó, các sản phẩm trên hiện đang được bán ra trên thị trường, cũng như xuất khẩu sang Lào với xuất xứ được Asanzo ghi là Việt Nam. Điều này được đánh giá là Asanzo đã gắn xuất xứ không đúng cho hàng hóa của mình.

Như vậy, việc chưa có quy định rõ ràng về tỷ lệ sản xuất, chế biến ở Việt Nam như thế nào, chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá trị sản phẩm được cho là nguyên nhân khiến doanh nghiệp cũng như cơ quan quản lý nhà nước lúng túng khi không biết phân định một sản phẩm có phải là "hàng Việt Nam" hay "sản xuất tại Việt Nam".

Anh Duy