Điều gì đằng sau dự kiến lỗ gần 600 tỷ năm 2019 của Gỗ Trường Thành?
Năm 2019, Gỗ Trường Thành vẫn phải tiếp tục xử lý những vấn đề còn tồn đọng từ những năm trước.
Sau khi sáp nhập với Sứ Thiên Thanh, chiều ngày 24/6, Công ty CP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019. Theo báo cáo của ông Lê Văn Minh – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính Gỗ Trường Thành, doanh thu thuần năm 2018 đạt 1.044 tỷ đồng và lỗ ròng 804 tỷ đồng. Một số nguyên nhân dẫn đến kết quả không đạt kế hoạch. Thứ nhất, do nhu cầu thị trường giảm. Thứ 2, trong năm 2018, Gỗ Trường Thành đã chọn lọc lại khách hàng và xử lý các vấn đề tồn đọng của những năm trước còn lại.
Có thể bạn quan tâm
Chủ tịch HĐQT mới có "đổi vận" được Gỗ Trường Thành
11:00, 18/06/2019
Năm 2019, Gỗ Trường Thành sẽ sạch nợ?
06:00, 01/02/2019
Gỗ Trường Thành muốn phát hành 100 triệu cổ phiếu mới để M&A
16:00, 16/10/2018
Cửa “thoát hiểm” cho gỗ Trường Thành
11:02, 05/08/2018
Tuy nhiên, ngoài việc trích lập dự phòng và xử lý các tồn đọng cũ thì hoạt động chính của tập đoàn vẫn bình thường. Tại ngày 31/12/2018, các khoản vay ngắn hạn giảm hơn 65% so với năm 2017, đồng thời, tổng nợ phải trả ngắn hạn cũng giảm tương ứng gần 28%. Ngoài ra, trong năm 2018, Ban Giám đốc đã tái cơ cấu lại hoạt động kinh doanh, đầu tư và bước đầu chuyển biến tích cực. Theo đó, báo cáo lưu chuyển tiền tệ của Tập đoàn trong năm 2018 đã phản ánh dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh và hoạt động đầu tư tương ứng đạt 29 tỷ và 63,7 tỷ đồng.
Tổng tài sản của Gỗ Trường Thành tại thời điểm cuối năm 2018 là 2.780 tỷ đồng, giảm 1.386 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn giảm 782 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu giảm 808 tỷ đồng.Tỉ lệ nợ phải trả/tổng nguồn vốn 99,29%, tỉ lệ tổng tài sản dài hạn/tổng tài sản 26,21%; khả năng thanh toán nhanh 0,49 lần, giảm so với 0,61% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Minh cho biết, 2019 là năm cuối cùng mà Gỗ Trường Thành sẽ xử lí mọi tồn đọng cũ từ trước đến nay. Kế hoạch xây dựng cho năm 2019 như sau: Doanh thu 1.291 tỷ đồng; giá vốn hàng bán 1.377 tỷ đồng (cao hơn doanh thu vì Gỗ Trường Thành xử lý vấn đề cũ); lỗ thuần từ HĐQT 588 tỷ đồng. Mục tiêu chính trong năm 2019 là tiếp tục tái cơ cấu và giải quyết các vấn đề về dòng tiền. Gỗ Trường Thành sẽ tiếp tục cơ cấu lại nguồn vốn của Gỗ Trường Thành thông qua việc chuyển nhượng vốn góp của công ty con, các công ty liên kết nhằm bổ sung vốn lưu động cho việc sản xuất của công ty mẹ.
Gỗ Trường Thành sẽ đẩy mạnh cung cấp sản phẩm cho các tập đoàn lớn như Vingroup, Sungroup, Tân Hoàng Minh…Tìm kiếm các đối tác để tạo ra chuỗi giá trị, trong năm 2019 Gỗ Trường Thành sẽ đẩy mạnh hợp tác với Boho Décor để góp phần thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực thiết kế, thi công nội thất… Đẩy mạnh mảng xuất khẩu qua các thị trường Mỹ, Nhật, Ý thông qua các nhà phân phối như Ikea, Ashley, At Home, Kosmo,…Bên cạnh đó, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng hơn nữa thương hiệu Sứ Thiên Thanh giai đoạn sau sáp nhập.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ Gỗ Trường Thành chia sẻ, HĐQT đã hoàn tất đợt phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi để sáp nhập Sứ Thiên Thanh. Tỉ lệ hoán đổi 8,21:1, tức các cổ đông của Sứ Thiên Thanh tại ngày chốt danh sách hưởng quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF. Sau phát hành, công ty tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích của việc sáp nhập giúp Gỗ Trường Thành thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ.
Trong năm 2019, HĐQT sẽ tiếp tục thực hiện thep quy định của pháp luật liên quan đến sáp nhập Sứ Thiên Thanh. Dự kiến sau sáp nhập, Gỗ Trường Thành và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh là công ty con do Gỗ Trường Thành sở hữu 100% vốn. Bên cạnh đó, HĐQT sẽ thúc đẩy hợp tác chiến lược giữa Gỗ Trường Thành và Công ty Cổ phần Đồng Tâm. Ngoài ra, Gỗ Trường Thành sẽ tiếp tục tìm kiếm các đối tác tiềm năng trong lĩnh vực đồ gỗ nội thất nhằm liên doanh, liên kết để gia tăng năng lực cạnh tranh nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.