Vì sao Lộc Trời chậm chuyển sàn?

Khánh Hà 04/07/2019 00:20

Các bước chuẩn bị niêm yết cổ phiếu LTG của Lộc Trời tại sàn HOSE đang được triển khai nhằm tăng giá trị của công ty. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2019 diễn ra mới đây của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG), trả lời cổ đông về nguyên nhân chậm chuyển sàn, bà Thủy Vũ Dropsey, Thành viên HĐQT cho biết, các bước chuẩn bị niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE đang được triển khai và tiến hành nhằm gia tăng giá trị của công ty. Tuy nhiên, thời điểm cụ thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Cố đông của Lộc Trời cũng thắc mắc về mức cổ tức 2018 là 16%, rất thấp so với các năm trước

Cố đông của Lộc Trời cũng thắc mắc về mức cổ tức 2018 là 16%, rất thấp so với các năm trước.

Về điểm rơi, trong năm 2018, công ty gặp nhiều khó khăn trong ngành, các yếu tố về môi trường kinh doanh thuốc, gạo…. Hội đồng quản trị nhiệm kỳ mới sẽ tiếp tục tìm ra các giải pháp để tháo gỡ các vấn đề này.

Cũng chính vì lợi nhuận không cao nên năm 2018, Lộc trời quyết định chi cổ tức ở mức 16%. Con số này theo cổ đông là mức rất thấp so với các năm trước. Trong khi trích 210 tỷ cho quỹ đầu tư phát triển. Về vấn đề này, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT một lần nữa khẳng định nguyên nhân là lợi nhuận không cao dẫn đến mức chi cổ tức thấp và cho biết Công ty đã cố gắng và cân nhắc về mức cổ tức được chia và nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Thòn cũng cho biết, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ phụ thuộc vào chiến lược của công ty trong thời gian tới. Hiện Lộc trời ưu tiên sử dụng phần lợi nhuận giữ lại phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2019, Lộc Trời đặt kế hoạch doanh thu đạt 8.678 tỉ đồng, giảm 3,9% so với thực hiện năm 2018. Lợi nhuận trước thuế đạt 656 tỉ đồng, tăng 19,4%.

Kết thúc quý I/2019, doanh thu thuần của Lộc Trời đạt 1.569 tỉ đồng, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2018. Lãi ròng đạt hơn 58 tỉ đồng, giảm 21% do chi phí tài chính tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, Lộc Trời mới chỉ thực hiện được 18% kế hoạch về doanh thu thuần và 11% mục tiêu về lãi ròng.

Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Lộc Trời đạt 7.149 tỉ đồng, tăng hơn 7% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho tăng nhẹ lên 3.135 tỉ đồng, khoản phải thu giảm từ 2.594 tỉ đồng xuống 2.029 tỉ đồng.

Tiền thân của Lộc Trời là Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế của SRP (Diễn đàn lúa gạo bền vững quốc tế do Uỷ ban môi trường của Liên Hợp Quốc và Viện nghiên cứu lúa gạo quốc tế thành lập). Lộc Trời niêm yết trên sàn UPCoM ngày 24/7/2017 với mã cổ phiếu LTG

Vào cuối năm 2014, SCPE đã chi ra hơn 90 triệu USD để mua lại hơn 21,5 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 34% vốn của Lộc Trời thuộc sở hữu của nhóm VinaCapital. Ngoài ra, SCPE còn cho Lộc Trời vay 70 triệu USD để phát triển chương trình “Cánh đồng lớn”.

Đến đầu năm 2016, SCPE thông báo đã chuyển nhượng gần 17 triệu cổ phiếu Lộc Trời (25,21%) cho nhà đầu tư Marina Viet Pte. Ltd và chỉ còn nắm giữ hơn 8% vốn.

Standard Chartered Private Equity Pte. Ltd (SCPE) đã chính thức rút lui khỏi Lộc Trời sau gần 5 năm đầu tư khi bán toàn bộ gần 6,6 triệu cổ phiếu LTG, tương đương 8,18% vốn vào ngày 24/6.

Lộc Trời đơn vị đầu tiên tại Việt Nam triển khai mô hình sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn quốc tế của SRP.
Thị giá của LTG hiện quanh mức 23.200 đồng/cổ phiếu. Tạm tính theo giá này, SCPE thu về hơn 153 tỷ đồng sau đợt thoái vốn.

Cùng ngày, ở chiều ngược lại, Augusta Viet Pte.Ltd đã mua vào gần 4,6 triệu cổ phiếu LTG, tương đương với 5,71% vốn vào 24/6.

Hiện, các cổ đông lớn của LTG gồm Marina Viet (25,2%), UBND tỉnh An Giang (24,15%), Kingsmead Vietnam and Indochina Growth Master Fund (6,02%) và Augusta Viet.

Khánh Hà