Chống rác thải nhựa: Cần chính sách khuyến khích doanh nghiệp
Khối lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn Thành phố Hà Nội mỗi ngày tới khoảng 6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm từ 8-10%...
Rác thải nhựa đang gia tăng không ngừng và hiện hữu mối hiểm hoạ khôn lường với môi trường sống nếu không có các biện pháp giảm thải, thay thế sử dụng túi nilon...
Túi nilon, vật dụng từ nhựa - hại nhưng vẫn dùng
Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho rằng, rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng rất lớn. Rác thải bao bì nilon, sản phẩm nhựa sử dụng một lần phát sinh trong sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng thuộc loại khó và lâu phân huỷ.
Tuy nhiên, với đặc điểm ưu việt trong sản xuất và tiêu dùng, túi nilon và các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa được sử dụng rất phổ biến, dù đã có những cảnh báo về tác hại to lớn và nhiều mặt tới môi trường, sức khoẻ cộng đồng. Theo đại diện Sở Công Thương, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 100 doanh nghiệp sản xuất nhựa, các sản phẩm từ nhựa. Trong đó, nhựa dùng trong sản xuất bao bì hiện đang phục vụ nhu cầu cho khoảng 1.000 cơ sở sản xuất thực phẩm tại Thành phố Hà Nội. Các cơ sở này sử dụng nhựa để bao gói trong sản xuất thực phẩm.
Ngoài ra, thành phố có 24 trung tâm thương mại, 140 siêu thị, 454 chợ, hàng nghìn cửa hàng tiện lợi và cửa hàng chuyên doanh thực phẩm, 123 chuỗi, gần 800 cửa hàng trái cây của 12 quận... Với số lượng đông đảo vậy nhưng trong những năm qua, hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực phân phối tiêu dùng đều sử dụng các loại túi nilon khó phân huỷ. Tình trạng các sản phẩm bao gói thực phẩm khó phân huỷ được bày bán ở các siêu thị, cửa hàng, các hộ kinh doanh trong chợ vẫn đang phổ biến.
Cũng theo bà Lan, hiện vẫn chưa có số liệu thống kê chính thức về rác thải túi nilon và các sản phẩm từ nhựa trong hoạt động phân phối tiêu dùng. Nhưng, qua nắm bắt tại một số chợ, hệ thống cửa hàng tiện lợi, siêu thị, trung tâm thương mại... cho thấy khối lượng rác thải từ nilon và rác thải có nguồn gốc từ nhựa là rất lớn.
Dù công tác phòng chống rác thải nhựa được Thành phố Hà Nội tích cực tuyên truyền, nhưng bà Lan cho rằng, nhận thức về tác hại của rác thải nhựa còn hạn chế. Chính vì vậy, việc phân loại rác thải nhựa từ nguồn tại các hệ thống phân phối, nhà hàng, khách sạn, hộ gia đình... chưa được thực hiện. Bên cạnh đó, việc sử dụng túi nilon và sản phẩm nhựa một lần của người tiêu dùng vẫn như một thói quen.
Chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng này, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, hiện Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể về thuế, vốn vay... để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện với môi trường. Và cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp phân phối tiêu dùng chuyển đổi từ túi nilon khó phân huỷ sử dụng một lần sang túi nilon dễ phân huỷ, thân thiện với môi trường.
Có thể bạn quan tâm
Đông Nam Á - Nơi "tập kết" mới của rác thải nhựa
06:30, 24/06/2019
Bức tử môi trường bằng rác thải nhựa
15:30, 19/06/2019
[Diễn đàn NGƯỜI VIỆT TỬ TẾ] Thay đổi thói quen sẽ hạn chế rác thải nhựa
05:30, 19/06/2019
Cần khuyến khích sự tham gia của khu vực công - tư giải quyết rác thải nhựa
00:00, 16/06/2019
Thủ tướng phát động phong trào "toàn quốc chống rác thải nhựa"
14:40, 09/06/2019
Cần chính sách cho doanh nghiệp sản xuất, sử dụng túi thân thiện
Yêu cầu túi nilon thân thiện với môi trường trước khi được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận thì nhà sản xuất phải có kiểm nghiệm ĐẠT về khả năng tự phân huỷ tại phòng thí nghiệm được cấp phép tại Ấn Độ, Thuỵ Điển. Tiêu chuẩn kiểm nghiệm này rất khắt khe trong khi tại Việt Nam chưa có đơn vị nào được cấp phép kiểm nghiệm. Điều này dẫn đến khó khăn cho các doanh nghiệp khi sản xuất các loại túi nilon thân thiện với môi trường.
Hơn nữa, việc chuyển đổi từ sử dụng các sản phẩm túi nilon khó phân huỷ sang túi nilon thân thiện với môi trường của các doanh nghiệp phân phối tiêu dùng sẽ gặp nhiều khó khăn do giá thành của túi nilon thân thiện với môi trường đắt gấp nhiều lần so với túi nilon khó phân huỷ. Việc sử dụng túi nilon thân thiện với môi trường làm ảnh hưởng đến lợi nhuận của doanh nghiệp, giá thành của sản phẩm, quyền lợi của người tiêu dùng, tính cạnh tranh trên thị trường...
Mặt khác, bà Lan cho rằng, tâm lý e ngại của các doanh nghiệp sản xuất, khi sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường sẽ khó khăn trong công tác tiêu thụ sản phẩm trong thời gian đầu khi mà việc sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường chưa trở thành bắt buộc, cũng phần nào ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Nhận thấy nhiều ưu điểm từ việc dùng các nguyên vật liệu tự nhiên để bao gói thực phẩm, một số siêu thị, cửa hàng tiẹn tích đã và đang thử nghiệm và từng bước nhân rộng việc gói các loại rau, củ, quả bằng lá chuối tươi. Có thể kể đến như Big C, Co.opmart, Co.op Xtra, Co.op Food, Co.op Smiles. Bà Phạm Thị Ngọc Lan - Phó Giám đốc Co.op Food miền Bắc đồng tình, giá thành sử dụng chất liệu thay thế túi nilon tăng lên 30 thậm chí 40 lần so với túi nilon. Tuy nhiên, đây là một trong những nỗ lực của Co.opmart nhằm giảm thiểu tác hại của túi nilon, góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sống, hướng đến lợi ích cộng đồng.
Đại diện chính quyền Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Doãn Toản - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay, Thành phố quyết tâm cam kết trong công tác chống rác thải nhựa. Theo đó, đối với các doanh nghiệp sản xuất, cần giảm dần % tỷ lệ nguyên liệu nhựa; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại từ nguồn. Phấn đấu đến 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân huỷ. Các siêu thị, trung tâm thương mại phấn đấu đến 31/12/2020, 100% không dùng túi nilon khó phân huỷ. Giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân huỷ tại các chợ dân sinh đến 31/12/2020...
Để thực hiện được mục tiêu này, ông Toản cho rằng, các sở ngành liên quan cần rà soát khung chính sách về ngăn ngừa túi nilon tại Việt Nam. Đề xuất các cơ chế chính sách về khoa học công nghệ, công nghiệp hỗ trợ, đất đai, thuế, tín dụng... nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, phân phối, kinh doanh sử dụng các sản phẩm thân thiện... Xây dựng các tiêu chí đánh giá chứng nhận các sản phẩm thân thiện.... Tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân...