Tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các Bộ, ngành liên quan chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.
6 tháng đầu năm, cả nước đã bán cổ phần lần đầu tại 6 doanh nghiệp, thu về 562,707 tỷ đồng; thoái vốn tại 30 doanh nghiệp, thu về 4.589,335 tỷ đồng, gấp 1,82 lần giá trị sổ sách. Lũy kế từ năm 2016 đến nay, cả nước đã cổ phần hóa 162 doanh nghiệp với tổng quy mô vốn nhà nước được xác định lại đạt 205.433,2 tỷ đồng, bằng 108% tổng giá trị phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa cả giai đoạn 2011-2015; tổng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn đạt 218.255,691 tỷ đồng gấp 2,8 lần tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn của cả giai đoạn 2011-2015; số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn chuyển Ngân sách Nhà nước để đáp ứng nhu cầu của kế hoạch đầu tư công trung hạn theo Nghị quyết của Quốc hội đạt 185.000/250.000 tỷ đồng, đạt 74% kế hoạch của cả giai đoạn 2016-2020.
Có thể bạn quan tâm
Lo ngại tiêu cực cổ phần hóa DNNN
10:48, 01/06/2019
Bộ Tài chính: Tiến độ cổ phần hóa DNNN chưa đạt yêu cầu
18:40, 04/05/2019
Cổ phần hóa DNNN: Tài sản thất thoát đủ kiểu
13:45, 27/01/2019
Thủ tướng Chính phủ: “Cổ phần hoá DNNN không thể “vô Chính phủ” - làm cũng được, không làm cũng được”
12:20, 21/11/2018
Cổ phần hóa DNNN: Quan ngại thất thoát tài sản công và hiện tượng tư nhân hóa ngầm
06:30, 08/11/2018
Bên cạnh các kết quả đạt được, thì vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn chậm so với kế hoạch đề ra. Một số Bộ, ngành, địa phương phản ánh còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn do việc rà soát, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để tháo gỡ chưa kịp thời...
Do đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu 6 tháng cuối năm 2019 các Bộ, cơ quan theo chức năng nhiệm vụ được giao trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để ban hành đầy đủ, đúng tiến độ các cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật 6 tháng cuối năm 2019; tiếp tục rà soát toàn diện các văn bản pháp luật liên quan để ban hành hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc khó khăn theo thẩm quyền, bảo đảm rõ ràng, minh bạch, khả thi trong triển khai thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 8/7 của Ban chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp để đánh giá tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển doanh nghiệp 6 tháng đầu năm 2019; nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2019, nhiều doanh nghiệp than vướng nhiều thứ, đặc biệt là đất đai, nên không chắc kịp cổ phần hóa theo kế hoạch.
Cụ thể, Tập đoàn Bưu chính viễn thông (VNPT) đáng ra phải hoàn tất xác định giá trị doanh nghiệp vào cuối năm 2018. Nhưng theo ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐTV, việc sắp xếp nhà đất chưa xong, mới thực hiện được 95,8%, nên chưa thể có quyết định phê duyệt cổ phần hoá, nghĩa là chưa có cơ sở để xác định chi phí cổ phần hoá để thuê tư vấn cổ phần hoá. Với tiến độ này, ông Hùng thừa nhận, khả quan nhất thì phải đến 31/12/2020 mới xác định giá trị doanh nghiệp, tức là phải sang năm 2021 mới cổ phần hoá.
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Tổng giám đốc Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood I) cũng có những băn khoăn tương tự về tiến độ hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch. “Nói thật là đến thời điểm 31/12/2019 chúng tôi chưa chắc là có hoàn thành được việc sắp xếp đất đai hay không”, bà Tâm than thở.
Trong năm 2019, Vinafood phải cổ phần hoá 19/22 đơn vị và các vấn đề công nợ, đất đai đã gần như ổn thoả khi kết thúc 1/2019. Thế nhưng, từ tháng 4/2019, Công văn 4544 của Bộ Tài chính quy định phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp mở rộng thêm các công ty cấp 1, cấp 2 mà công ty mẹ có cổ phần chi phối, khiến công việc phải tiếp tục làm với 22 đơn vị, 248 mảnh đất thuộc 25 địa phương.
Quy định mới về đất đai như trên cũng khiến việc thoái vốn tại 19 đơn vị trong năm 2019 Vinafood I gặp khó. “Nếu đến cuối năm mà không kịp cả cổ phần hoá lẫn thoái vốn thì chúng tôi sẽ chính thức báo cáo lên trên để xin gia hạn”, bà Tâm bày tỏ..
Đề cập về vấn đề quyết toán trong cổ phần hóa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam Trần Sỹ Thanh cho rằng, vấn đề quyết toán mắc ở tất cả các doanh nghiệp, bây giờ hiểu từ quyết toán mỗi lĩnh vực một phạm trù có ý nghĩa khác nhau nhưng quyết toán cổ phần hóa lại khác, quyết toán công nợ, quyết toán xây dựng cơ bản cũng khác nhau. “Nếu chúng ta không giải thích rõ từ quyết toán cho chuẩn sẽ khiến tắc toàn bộ vấn đề quyết toán trong cổ phần hóa dẫn đến các doanh nghiệp tổng công ty không làm được gì cả.”
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp chỉ rõ, tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp vẫn chậm so với kế hoạch đề ra, bởi theo Danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1232 giai đoạn 2017-2020 phải hoàn thành thoái vốn 403 doanh nghiệp, nhưng đến nay mới chỉ thoái vốn tại 88 doanh nghiệp đạt 21,8%.
Nguyên nhân là do một số Bộ, ngành địa phương Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước và DNNN chưa nghiêm túc, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, triển khai thực hiện, đặc biệt vẫn còn hiện tượng không dám làm, không dám chịu trách nhiệm, viện dẫn vào các khó khăn vướng mắc để chậm hoặc không thực hiện.