Vocarimex "hao gầy" vì nguyên liệu?
Tổng Công ty Công nghiệp Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex - VOC) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với doanh thu thuần và lợi nhuận đều giảm.
Cụ thể, doanh thu thuần giảm 35,2% còn 693,7 tỷ đồng. Giá vốn hàng bán giảm ít hơn khiến lợi nhuận gộp giảm mạnh 77,6%, còn 6 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế giảm 38,5%, còn 34,7 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh nhất, 318%, từ 28,3 tỷ đồng vào quý II/2018 lên 118,3 tỷ đồng vào quý II/2019. Đóng góp vào tăng trưởng của doanh thu tài chính là các hoạt động khác chiếm 114,2 tỷ đồng.
Chi phí tài chính tăng 51,4%, chủ yếu là do chi phí lãi vay (15,4 tỷ đồng). Nhờ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp được hoàn lại 251 triệu đồng trong quý II nên lợi nhuận sau thuế cao hơn lợi nhuận trước thuế. Lũy kế 6 tháng, Vocarimex đạt 2.172 tỷ đồng doanh thu, giảm 39%. Tuy nhiên, nhờ doanh thu hoạt động tài chính, lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm ít hơn, 30% đạt 105 tỷ đồng. Lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (EPS) là 860 đồng.
Có thể bạn quan tâm
Hợp nhất với Vocarimex và Tường An, Kido bắt đầu "hái" quả ngọt?
16:00, 19/10/2017
KIDO muốn “ẵm trọn” Vocarimex
04:35, 30/06/2016
Trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của công ty là 2.982,8 tỷ đồng, giảm gần 1% so với cùng kỳ, chủ yếu nằm ở khoản mục đầu tư tài chính dài hạn với 1.429,9 tỷ đồng, chiếm khoảng 47,9% tổng tài sản. Vocarimex hiện đang đầu tư vào Công ty dầu thực vật Cái Lân (Calofic) với 572,6 tỷ đồng, các công ty khác lần lượt là Công ty cổ phần Dầu thực vật Tường An, Công ty TNHH Mỹ Phẩm LG VINA và Công ty Golden Hope Nhà Bè.
Trước đó, chia sẻ tại ĐHCĐ gần đây, bà Nguyễn Thị Xuân Liễu, Tổng giám đốc Vocarimex cho biết, các doanh nghiệp dầu ăn đối diện khó khăn khi giá dầu giảm liên tục, đặt mua dầu chưa kịp cập cảng đã lỗ giá dầu nguyên liệu. Chưa kể, lợi thế về thuế tự vệ với thị trường nội địa cũng bị dỡ bỏ khiến VOC cũng giảm lợi thế cạnh tranh. Chính vì vậy, VOC đã dịch chuyển kinh doanh, từ thuần mua bán nguyên liệu sang mô hình công nghiệp và kênh xuất khẩu.
Trả lời thắc mắc cổ đông về doanh thu giảm, đại diện VOC cho biết, giá dầu đi xuống khiến VOC phải thực hiện kinh doanh thận trọng. Nếu gia tăng sản lượng sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận rất nhiều do giá không thuận lợi. Càng tồn trữ kho càng lớn sẽ ảnh hưởng lợi nhuận. Vì vậy, VOC giảm kênh thương mại, tập trung vào kênh xuất khẩu và kênh công nghiệp, ít bị tác động bởi biến động của giá dầu.
Hiện công ty đã xuất khẩu dầu mè cho Nhật Bản, Trung Quốc... VOC cũng sẽ tập trung xuất khẩu dầu chuyên biệt có lợi thế như dầu mè, cải, hướng dương... cho các thị trường mới, phấn đấu tỷ trọng khoảng 30% tổng doanh thu. "Đối với chiến lược xuất khẩu thì lợi thế là dòng sản phẩm chuyên biệt như dầu mè, cải, hướng dương... còn công nghiệp thì tập trung công thức hoá", bà Liễu nói.
Năm 2019, VOC đặt kế hoạch doanh thu thuần 4.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 290 tỷ đồng, tăng 12% so thực hiện năm 2018. Cổ tức trả bằng tiền mặt dự kiến tỷ lệ 12%. Kết thúc quý I, VOC đạt 626 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 43% so với cùng kỳ; lợi nhuận trước thuế 64 tỷ đồng.