Gỗ dăm “điêu đứng” vì thị trường Trung Quốc
Đứng đầu thế giới về xuất khẩu dăm gỗ nhưng Việt Nam lại không ở thế “cầm trịch” thị trường khi chịu sự chi phối quá lớn từ Trung Quốc.
Cụ thể, lượng xuất khẩu sang thị trường này chiếm 70% tổng sản lượng dăm gỗ xuất khẩu.
Các doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ đang "kêu trời" vì hàng bị ứ đọng, chỉ riêng Quảng Ngãi lượng dăm gỗ bị ứ đọng trong kho đã lên tới cả nửa triệu tấn vì Trung Quốc ngừng mua.
Võ Vạn Toàn - Phó giám đốc Công ty TNHH Sông Kôn, Khu công nghiệp Phú Tài, TP Quy Nhơn: Chỉ trong một tháng Trung Quốc ngừng thu mua, Công ty tồn 8.000 tấn dăm khô, không còn chỗ chứa nên đành phải ngưng sản xuất. Cùng tình trạng như chúng tôi, nhiều nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu trên địa bàn Bình Định cũng ứ đầy hàng trong kho, đành chấp nhận dừng việc thu mua gỗ nguyên liệu. Thật đáng tiếc khi có doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm đã đầu tư rất bài bản vào lĩnh vực này để đảm bảo đủ sức cạnh tranh trên thị trường như tự tạo vùng nguyên liệu, tự mua tàu lớn, tự xây cảng để dành riêng xuất khẩu sản phẩm của họ. TS Tô Xuân Phúc (Tổ chức Forest Trends): Tính liên kết giữa các doanh nghiệp dăm của Việt Nam còn lỏng lẻo khiến ngành dăm gỗ Việt Nam dù cung một lượng lớn nhất cho thế giới nhưng vẫn tham gia thị trường thế giới với vị thế bị động chứ chưa phải chủ động. Vì vậy, với quy mô của ngành dăm gỗ như hiện nay, việc thành lập Hiệp hội dăm gỗ của Việt Nam là điều cần thiết để kết nối các doanh nghiệp, đảm bảo cân bằng lợi ích, giảm thiểu phát triển nóng và cạnh tranh không lành mạnh trong ngành. Hiệp hội cũng cần xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu, với chất lượng sản phẩm được đặt lên hàng đầu; kiểm soát chất lượng dăm xuất khẩu, nhằm duy trì thương hiệu nhằm nâng cao hình ảnh, xác định vị thế của ngành trên trường quốc tế. |
“Chết kẹt” vì thị trường Trung Quốc…
Chia sẻ với DĐDN, ông Lương Sơn Hải, Giám đốc Cty CPTM Lương Sơn (Phú Thọ) cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu 200.000 tấn dăm tươi mỗi năm. Tuy nhiên những tháng đầu năm, lượng xuất khẩu đã giảm đi nhiều, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 30%. Điều này khiến doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí để lao động “ngồi chơi xơi nước”.
Thê thảm hơn cả là các chủ doanh nghiệp tại Quảng Ngãi, không chỉ “gặp nạn” trong xuất khẩu, mấy tháng nay, sự xuất hiện của các trạm thu mua tự phát tại các huyện miền núi Quảng Ngãi, với nhiều thủ đoạn không lành mạnh để giành mua gỗ keo chở đi nơi khác bán đang đẩy các nhà máy chế biến dăm gỗ địa phương này càng đi vào ngõ cụt.
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam, với lượng nhập hàng năm lên tới 60-70% tổng lượng dăm của Việt Nam xuất khẩu đi tất cả các thị trường. Việc này khiến cho ngành dăm gỗ Việt đối mặt với nhiều rủi ro. Và thực tế, những năm gần đây, hầu như năm nào Trung Quốc cũng “giở trò” khiến các doanh nghiệp và người dân trồng rừng Việt Nam "khóc dở mếu dở".
Theo chia sẻ từ một số doanh nghiệp, ngành dăm có hiện tượng làm giá bởi các doanh nghiệp Trung Quốc tại Việt Nam. Các công ty dăm Trung Quốc sang mua lại các công ty dăm của Việt Nam, thuê quản lý người Việt - những người có nhiều kinh nghiệm trong ngành trước đó. Họ phối hợp với nhau, dìm giá bán.
Dăm gỗ là một trong những mặt hàng xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ với gần 10,4 triệu tấn khô năm 2018, tăng 27% so năm 2017, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,34 tỉ USD, tăng 25%.
“Nếu không cẩn thận, không tỉnh táo và đoàn kết lại thì chắc chắn chúng ta sẽ trở thành một công cụ để nước khác thâu tóm mình”, đại diện một doanh nghiệp dăm gỗ Việt nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Hiệp hội Gỗ lâm sản, Việt Nam đang là nước xuất khẩu dăm gỗ lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% tổng cung dăm toàn cầu. Tuy nhiên, ngành dăm phát triển nóng, mất kiểm soát dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, đặc biệt lại phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc. Điều này dẫn tới nhiều nhà máy dăm gỗ phải sản xuất cầm chừng, thậm chí ngừng sản xuất mỗi khi thị trường Trung Quốc “hắt hơi”.
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp dăm gỗ Việt: Lao đao vì thị trường Trung Quốc
05:00, 20/07/2019
Đề xuất tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ (Kỳ I): Đi ngược quy luật cung cầu?
16:01, 09/07/2019
Tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ: Rủi ro cho doanh nghiệp và người dân trồng rừng
05:00, 29/06/2019
“Bảo hộ” độc quyền vùng nguyên liệu dăm gỗ: Chính quyền đang lạm quyền
09:02, 28/11/2016
Doanh nghiệp dăm gỗ lại vướng vì “bảo hộ” vùng nguyên liệu
15:18, 19/09/2016
Cấm hoạt động các cơ sở chế biến dăm gỗ tại Thanh Hóa: Cần lộ trình để DN chuẩn bị
20:44, 04/09/2016
Doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ kêu cứu lên Chính phủ
15:08, 23/06/2016
Thêm “cú bồi” tăng thuế
Trong khi còn chưa giải được bài toán thị trường, thì doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ tiếp tục gặp sóng gió với đề xuất tăng thuế xuất khẩu từ 2% lên 5% của Bộ Tài chính. Lý do được cơ quan này đưa ra là nhằm mục tiêu hạn chế dăm gỗ xuất khẩu.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, mục tiêu này là thiếu thực tế, đi ngược với quy luật cung - cầu của nền kinh tế. Bởi lẽ, thực tiễn đã chứng minh, đầu năm 2016, Bộ Tài chính đã áp dụng mức thuế xuất khẩu dăm tăng từ 0% lên 2%. Tuy nhiên, trên thực tế, sản lượng dăm xuất khẩu không có chiều hướng giảm mà ngược lại, sản lượng xuất khẩu dăm tăng từ 7 triệu tấn (năm 2016) lên 10,3 triệu tấn khô (năm 2018).
Cùng với đó, việc tăng thuế sẽ làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành. Đánh giá ở lần tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ trước đó cho thấy, 2% mức thuế tăng sẽ làm tăng chi phí sản xuất từ 2,5 – 3 USD/đơn vị sản phẩm.
“Tăng thuế xuất khẩu sẽ làm giảm sức cạnh tranh của ngành dăm gỗ Việt Nam đối với các thị trường xuất khẩu dăm gỗ khác, vì phải bán với giá cao hơn mới đảm bảo lợi nhuận cho doanh nghiệp, như vậy sẽ khiến khách hàng chuyển hướng sang thị trường khác. Hệ lụy là ngành dăm gỗ gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí không thể duy trì hoạt động và phát triển”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH nguyên liệu giấy Quy Nhơn nhận định.
Trước đó, việc áp thuế 2% từ ngày 1/1/2016 được đánh giá là đã làm doanh nghiệp trong ngành lao đao khi nhân cơ hội này khách hàng đè bẹp giá xuất khẩu dăm gỗ 3 năm liền. Trong khi ngành dăm gỗ đang cần được hỗ trợ thì, việc tăng thuế từ 2% lên 5% như "đổ thêm dầu vào lửa". Các doanh nghiệp dăm gỗ không biết bấu víu vào đâu?
Theo ông Mai Thế Vinh, Giám đốc nhà máy chế biến lâm sản và dăm gỗ nguyên liệu giấy Nhất Hưng Sơn Hà, huyện Sơn Hà (Quảng Ngãi): Nếu để Trung Quốc tiếp tục điều tiết thị trường, ngành dăm gỗ Việt sẽ không tránh khỏi tình trạng cứ “đến hẹn” lại khủng hoảng. Rồi doanh nghiệp “thân ai nấy lo” và ai cũng bán phá giá sẽ khiến thị trường Việt Nam lũng loạn, ảnh hưởng cả đến nguồn nguyên liệu của nước ta.