Ẩn số tài chính của Vietravel Airlines
Vietravel vừa thông qua kế hoạch huy động 700 tỷ trái phiếu nhằm bổ sung vốn cho dự án Vietravel Airlines - đúng bằng vốn điều lệ đăng ký của công ty hàng không này.
Cụ thể, Công ty dự kiến phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ với tổng giá trị 700 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm, thời hạn 2 năm. Được biết, phương án này nhằm thay thế kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi với giá trị 80 tỷ đồng được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên tháng 4/2019.
Bên cạnh sự hấp dẫn nói chung của ngành hàng không Việt Nam, việc Vietravel tham gia vào lĩnh vực hàng không có thể coi là một bước đi hợp lý khi chi phí lớn nhất của các tour du lịch đường dài luôn là vé máy bay. Bản thân Vietravel cũng luôn phải thuê chuyến để phục vụ cho các tour du lịch của mình. Hiện tại, Vietravel đang là công ty lữ hành lớn nhất nước với doanh thu năm 2018 lên đến trên 7.000 tỷ đồng.
Trả lãi là bài toán khó với Vietravel
Theo Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên, Vietravel Airlines có lợi thế về thị trường khi khai thác dịch vụ bay thuê chuyến. Năm 2018, Vietravel đã thuê bao hơn 300 chuyến bay để đưa khách đi du lịch trong và ngoài nước. Hoạt động cho thuê nguyên chuyến đang tăng trưởng mạnh mẽ những năm gần đây nhờ sự bùng nổ của ngành du lịch. Số liệu tài chính của Vietjet phần nào minh chứng cho điều này: doanh thu cho thuê chuyến và thuê ướt của Vietjet đã tăng từ 1.300 tỷ năm 2015 lên gần 7.000 tỷ đồng năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù hội tụ được nhiều yếu tố thuận lợi để gia nhập thị trường hàng không nhưng Vietravel lại có tiềm lực tài chính không mạnh. Có thể nói Vietravel là một trong những cái tên có năng lực tài chính khiêm tốn nhất muốn tham gia thị trường hàng không. Để một hãng hàng không vận hành được thì tiềm lực tài chính mạnh của nhà đầu tư là một yếu tố then chốt bên cạnh những vấn đề về chuyên môn vận hành.
Tại thời điểm 31/3/2019, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của Vietravel chỉ đạt lần lượt là 1.368 tỷ và 235 tỷ đồng. Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Tương ứng ở phía bên nguồn vốn là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.
Với năng lực tài chính như hiện tại, việc nhà đầu tư chấp nhận mua trái phiếu của Vietravel đồng nghĩa với việc chấp nhận rủi ro lớn. Bên cạnh đó, đầu tư hàng không là một dự án dài hạn nhưng Vietravel lại vay vốn với thời hạn chỉ 2 năm để tài trợ là một quyết định có phần khó hiểu.
Chưa tính đến phương án trả gốc, ngay việc trả lãi trong 2 năm cũng là bài toán khó với Vietravel khi lợi nhuận của công ty hiện chỉ hơn 50 tỷ đồng/năm. Hai năm tới là khoảng thời gian setup và mới đi vào hoạt động - nếu được cấp phép - của Vietravel Airlines nên hãng hàng không này cũng chưa thể tạo ra được lợi nhuận ngay để giúp công ty mẹ chi trả lãi vay.
Rõ ràng, để tránh rủi ro từ việc sử dụng đòn bẩy quá cao, Vietravel cần phải có phương án tăng mạnh vốn chủ sở hữu. ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Vietravel cũng đã thông qua phương án tăng vốn nhưng số vốn huy động thêm dự kiến chỉ hơn 30 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu ESOP và chào bán cho cổ đông chiến lược.
Áp lực tài chính
Để một hãng hàng không vận hành được thì tiềm lực tài chính mạnh của nhà đầu tư là một yếu tố then chốt bên cạnh những vấn đề về chuyên môn vận hành - trong khi đó đây lại không phải thế mạnh của Vietravel. Phần lớn tài sản của công ty là các chi phí trả trước liên quan đến việc khai thác tour du lịch cùng các khoản phải thu khách hàng. Tương ứng ở phía bên nguồn vốn là các khoản phải trả người bán và người mua trả tiền trước.
Lượng tiền mặt tại thời điểm trên là gần 168 tỷ đồng và tổng các khoản vay nợ là gần 100 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của công ty mẹ cũng mới chỉ đạt 235 tỷ đồng - nhỏ hơn nhiều so với vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng của Vietravel Airlines. Rõ ràng, những con số đang cho thấy Vietravel không mấy dư dả về tài chính khi phải huy động ra 300 tỷ đồng để góp đủ vốn của Vietravel Airlines.
Là doanh nghiệp lớn nhất trong ngành lữ hành nhưng quy mô vốn của Vietravel khá bé do công ty ít huy động thêm vốn mới và lợi nhuận giữ lại hàng năm không nhiều. Năm 2018, với doanh thu lên đến trên 7.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận ròng chỉ có 54 tỷ đồng tức tỷ suất lợi nhuận chỉ hơn 0,7% dù đã cải thiện đáng kể so với các năm trước. Mức lợi nhuận của Vietravel thậm chí còn thua xa nhiều khách sạn 4-5 sao. Với việc tiềm lực tài chính "khá mỏng" của Vietravel thì cũng đặt ra những áp lực lớn về tài chính trong việc vận hành Vietravel Airlines.
Tất nhiên với một thương hiệu mạnh như Vietravel, công ty sẽ không khó để huy động thêm vốn chủ cũng như vốn vay để phục vụ cho tham vọng bay của mình. Cũng không loại trừ khả năng trong tương lai Vietravel Airlines có thể tìm kiếm được đối tác chiến lược đồng hành trong cuộc chơi.