Vinalines thanh lý tàu già để cắt lỗ
Trong bối cảnh thị trường vận tải biển còn chông chênh, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) sẽ tiếp tục thanh lý các tàu già để cắt lỗ, cải thiện kết quả kinh doanh.
Cụ thể, năm 2019, Vinalines sẽ thanh lý, nhượng bán 11 tàu với tổng trọng tải khoảng 232 nghìn tấn. Trong đó, số tàu nhượng bán, thanh lý tại công ty mẹ là 3 tàu với tổng trọng tải 127 nghìn tấn, số tàu bán tại các công ty con là 8 tàu với tổng trọng tải là 105 nghìn tấn. Dự kiến, giai đoạn 2019 - 2020, số tàu thanh lý, chuyển giao là 23 tàu với tổng trọng tải khoảng 500 nghìn tấn.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, quyền Tổng giám đốc Vinalines cho biết, chủ trương tái cơ cấu đội tàu đã giúp Vinalines giải quyết được những tàu già, cũ, vốn đầu tư lớn nhưng khai thác không hiệu quả, khối vận tải biển đã giảm lỗ hơn 70%.
Có thể bạn quan tâm
Vinalines chính thức giành lại quyền kiểm soát cảng Quy Nhơn
23:24, 29/06/2019
Vinalines đã chuyển tiền sang nhượng 75,01% cổ phần cảng Quy Nhơn
15:37, 29/05/2019
Lỗ sau thuế của Vinalines giảm mạnh nhờ đâu?
11:01, 25/05/2019
Vẫn theo lãnh đạo Vinalines, cùng với việc thanh lý tàu già, Vinalines sẽ nghiên cứu đầu tư đội tàu mới có công nghệ hiện đại, tiết kiệm nhiên liệu. Dự kiến, sẽ có 4 tàu container cỡ 1.000 - 5.000 Teus, 3 tàu hàng rời cỡ handysize (15.000 - 35.000 DWT), 1 tàu supramax (50.000 - 60.000 DWT) được đơn vị đầu tư dưới hình thức mua hoặc thuê mua nhằm tăng cường năng lực vận tải trên toàn tổng công ty, tăng khả năng cạnh tranh khi thị trường vận tải biển phục hồi.
Trước đó, tháng 5/2019, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã ký Quyết định số 137/QĐ-UBQLV phê duyệt kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2019 của Vinalines trên cơ sở đề nghị của chính nhóm người đại diện phần vốn đang nắm hơn 99% vốn điều lệ tại tổng công ty này.
Theo yêu cầu của Ủy ban Quản lý vốn tại doanh nghiệp, công ty mẹ - Vinalines phải hoàn thành 3 chỉ tiêu kinh doanh chính trong năm 2019 là đạt sản lượng vận tải biển 4.670.000 tấn, doanh thu 1.549 tỷ đồng, lợi nhuận 0 đồng.
Một lãnh đạo Vụ Công nghệ và hạ tầng (Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp) cho biết, đã cân nhắc rất kỹ khi chỉ yêu cầu Vinalines đạt mức lợi nhuận 0 đồng năm 2019, trong khi năm ngoái lợi nhuận trước thuế vẫn đạt 261 tỷ đồng.
Lý do là, năm 2018, Bộ Giao thông - Vận tải giao công ty mẹ - Vinalines đạt mức lợi nhuận âm 800 tỷ đồng do phải thực hiện một loạt chương trình tái cơ cấu đội tàu, trong đó chấp nhập bán dưới giá thành nhiều tàu già để cắt lỗ. Song do phần lớn chương trình đã không thể hoàn thành, nên khoản lỗ kế hoạch này sẽ dồn sang năm 2019 và một số năm tiếp theo.
Khó khăn vẫn ‘đeo bám” Vinalines từ quý I/2019, khi lỗ hơn 57 tỷ đồng, tổng nợ phải trả hơn 17.124,7 tỷ đồng, cao gấp hơn 1,8 lần vốn chủ sở hữu. Doanh thu thuần hơn 2.769 tỷ đồng, giảm gần 10% so với cùng kỳ năm trước, giá vốn giảm hơn 11% và chiếm 87% doanh thu thuần.
Doanh thu hoạt động tài chính đạt 29 tỷ đồng, giảm 7%. Trong khi đó, chi phí tài chính giảm hơn 17% còn 159,7 tỷ đồng chủ yếu do cắt giảm chi phí lãi vay và lỗ chênh lệch tỉ giá. Kết quả, Vinalines lỗ sau thuế gần 29,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lỗ 105 tỷ đồng cùng kỳ. Lỗ sau thuế của cổ đông công ty mẹ gần 57,5 tỉ đồng, trong khi cùng kì lỗ hơn 85 tỉ đồng.