Nam Kim và SMC: Cuộc 'hôn nhân' giữa thời khó

Theo NDH 29/07/2019 11:05

SMC đang có những động thái đẩy nhanh việc hợp tác với Nam Kim, kỳ vọng tạo ra sức cạnh tranh lớn hơn cho mỗi doanh nghiệp.

Tại đại hội thường niên ngày 29/6, CTCP Thép Nam Kim (HoSE: NKG) vừa quyết định thay đổi 2 lãnh đạo cấp cao, đánh dấu sự hợp tác chặt chẽ hơn với CTCP Ðầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC). Theo đó, hai nhân sự từ SMC được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị Nam Kim.

Ngay sau đó, SMC thống nhất miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Võ Hoàng Vũ để ông đảm nhiệm vị trí CEO tại Nam Kim. Hoạt động kinh doanh, quản trị của Nam Kim giờ đây gắn liền với SMC.

Hành trình hợp tác

Câu chuyện hợp tác của 2 doanh nghiệp ngành tôn thép xuất hiện từ năm 2017. Trong đợt phát hành riêng lẻ 30 triệu cổ phần năm đó, SMC chính là một trong những nhà đầu tư lớn mua cổ phần Nam Kim.

Cụ thể, SMC đã mua 2 triệu cổ phiếu để nắm giữ 1,54% vốn của Nam Kim trong năm 2017. Mục đích là nhằm tăng cường quan hệ kinh doanh và quan hệ đối tác chiến lược giữa Nam Kim và SMC.

Tuy nhiên, động thái hợp tác sâu rộng hơn giữa 2 doanh nghiệp thép diễn ra nhanh hơn trong khoảng thời gian ngắn gần đây. Ngoài việc đưa thêm 2 nhân sự vào ban quản trị, SMC còn quyết định tăng sở hữu cổ phần của Nam Kim.

SMC đăng ký mua thêm 6,3 triệu cổ phiếu NKG từ ngày 9/7 đến 7/8. Nếu giao dịch toàn bộ, SMC có thể nắm giữ 9,1 triệu cổ phiếu và chính thức thành cổ đông lớn. Ngoài ra, ông Võ Hoàng Vũ cũng mua thỏa thuận 15 triệu cổ phiếu để nắm giữ 8,24% vốn công ty.

Để mở đường cho SMC, công ty của Chủ tịch Nam Kim - Hồ Minh Quang là Thương mại Dịch vụ Đầu tư P&Q đã bán ra 19 triệu cổ phiếu và tiếp tục muốn bán toàn bộ hơn 6,8 triệu cổ phiếu còn lại từ 25/7 đến 23/8.

Với diễn biến trên, cơ cấu cổ đông của Nam Kim đã có biến động lớn. Dragon Capital là nhóm cổ đông lớn nhất sở hữu gần 19% vốn, ngoài ra còn có sự hiện diện của một số quỹ đầu tư khác như KIM Vietnam và Pyn Elite Fund. Một số lãnh đạo sở hữu lớn như Chủ tịch Hồ Minh Quang nắm 10,34% vốn, Tổng giám đốc Võ Hoàng Vũ sở hữu 8,24% vốn.

Cơ cấu cổ đông lớn tại Thép Nam Kim.

Cơ cấu cổ đông lớn tại Thép Nam Kim.

Cơ cấu cổ đông của Nam Kim có thể còn nhiều biến động thời gian tới khi công ty có kế hoạch phát hành riêng lẻ thêm 30 triệu cổ phiếu khác từ tháng 6/2019 đến 6/2020. Tiêu chí lựa chọn đối tác của Nam Kim là có kinh nghiệm trong ngành thép, có khả năng hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng kinh doanh, tham mưu chiến lược, tư vấn quản trị, năng lực tài chính mạnh và góp vốn nhanh.

Xem xét trong các cổ đông hiện hữu của Nam Kim, SMC trở thành ứng viên sáng giá nhất khi đáp ứng tất cả các tiêu chí trên.

Cuộc hôn nhân giữa thời khó

Việc hợp tác giữa Nam Kim và SMC diễn ra trong bối cảnh ngày tôn thép gặp nhiều khó khăn từ thị trường quốc tế cũng như sự canh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp trong nước.

Diễn biến giá thép bất lợi giai đoạn cuối năm 2018, đầu năm 2019 đã khiến nhiều doanh nghiệp lao đao. Các công ty phải đối mặt với các thách thức về thị trường tiêu thụ, giá vốn cao, chi phí lãi vay lớn… và hầu như thua lỗ trong hoạt động kinh doanh cốt lõi. Nam Kim và SMC cũng không ngoại lệ.

Sau khi đạt đỉnh lợi nhuận hơn 700 tỷ đồng năm 2017, Nam Kim bắt đầu gặp khó và chính thức thua lỗ trong quý IV/2018. Tình hình chưa có nhiều khả quan khi công ty tiếp tục lỗ thêm 100 tỷ trong quý I/2019. Doanh nghiệp kỳ vọng có lãi trở lại trong quý II năm nay nhưng chủ yếu đến từ hoạt động thanh lý nhà máy.

Sự sụt giảm trong kinh doanh khiến Nam Kim dần đánh mất thị phần. Theo báo cáo của Rồng Việt (VDSC), Nam Kim đạt 14% thị phần tiêu thụ tôn mạ 6 tháng đầu năm, đánh mất vị trí thứ 2 vào tay Tôn Đông Á (hơn 18%) và cách rất xa Hoa Sen (31%).

Trong khi đó, tình hình của SMC cũng không có nhiều sáng sủa. Năm 2018, lợi nhuận của doanh nghiệp giảm 40% còn 168 tỷ đồng. Trong nửa đầu năm 2018, SMC chỉ lãi hơn 80 tỷ đồng, bằng phân nửa cùng kỳ năm ngoái.

Có thể bạn quan tâm

  • Thép Nam Kim: Bán con vì quá tham vọng mảng tôn mạ?

    Thép Nam Kim: Bán con vì quá tham vọng mảng tôn mạ?

    05:00, 23/05/2019

  • “Nỗi ám ảnh” của Thép Nam Kim

    “Nỗi ám ảnh” của Thép Nam Kim

    05:00, 13/05/2019

  • Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Huyn: Cầu nối phát triển kinh tế, đầu tư

    Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Kim Do Huyn: Cầu nối phát triển kinh tế, đầu tư

    17:00, 03/05/2019

  • Rủi ro tiềm ẩn bủa vây Thép Nam Kim trong năm 2018

    Rủi ro tiềm ẩn bủa vây Thép Nam Kim trong năm 2018

    05:36, 16/04/2018

  • Vì sao SMC quyết

    Vì sao SMC quyết "chi mạnh" để mua Thép Nam Kim?

    06:00, 20/09/2017

Tuy nhiên, cái bắt tay của 2 doanh nghiệp thép này có thể tạo ra sức cạnh tranh mới cho đôi bên. Không chỉ sản xuất, SMC còn là nhà phân phối và gia công thép lớn tại Việt Nam, trong khi Tôn Nam Kim là thương hiệu có tên tuổi cả trong và ngoài nước.

Đặt kế hoạch năm 2019, Nam Kim muốn đẩy mạnh việc bán hàng nội địa. Chiến lược xoay về nội địa là hợp lý trong bối cảnh bảo hộ thương mại toàn cầu gia tăng. Tuy nhiên để đạt được kế hoạch này, Nam Kim sẽ cần hệ thống phân phối và gia công trong nước lớn hơn. Với thế mạnh gia công và bán hàng, SMC có thể là lời giải thích hợp.

Nam Kim muốn tập trung vào nội địa và giảm thương mại.

Nam Kim muốn tập trung vào nội địa và giảm thương mại.

Với địa bàn hoạt động tương tự nhau (chủ yếu tại TP HCM, Bình Dương và Vũng Tàu), việc kết hợp sản xuất và phân phối giữa 2 doanh nghiệp thép này có thể dễ dàng thực hiện. Trong động thái liên quan, SMC muốn tập trung hoàn toàn vào phía Nam khi đã thoái vốn khỏi công ty con Hanwa SMC Hà Nội.

Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của SMC theo khu vực địa lý.

Cơ cấu doanh thu và lợi nhuận của SMC theo khu vực địa lý

Ngoài ra, SMC cũng có ý định muốn tiến sâu hơn trong chuỗi giá trị ngành thép khi nắm giữ cổ phần tại nhiều doanh nghiệp thép khác nhau như Pomina (thép xây dựng), Thép tấm lá Thống Nhất, SMC Toami (lưới thép), Tổng công ty thép Việt Nam…

Về thị trường chung, ngành thép đang có tín hiệu khả quan hơn khi giá thép cán nóng đã ổn định trở lại nhờ lượng cung lớn từ Formosa. Với riêng Nam Kim, công ty còn hưởng lợi từ quyết định chống bán phá giá lên tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc, cũng như nguồn thu đột biến từ thanh lý các nhà máy. Sản lượng bán hàng của SMC nửa đầu năm vẫn tăng 10%; do đó khi giá cả đang có xu hướng ổn định trở lại, SMC có thể cải thiện hiệu quả hoạt động.

Theo NDH