"Vua cá tra" Hùng Vương lại.... mắc cạn

Nha Trang 01/08/2019 02:30

Từng được mệnh danh là "vua cá tra", nhưng Hùng Vương dường như đang "gặp hạn" vì nhiều chỉ số kinh doanh sụt giảm.

CTCP Hùng Vương (Mã: HVG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quí III/2019 (kì kế toán 1/10/2018 - 30/9/2019) với doanh thu thuần 527 tỉ đồng, giảm 64% so với cùng kì.

Giá vốn giảm sâu từ 1.391 tỉ đồng trong quí II/2018 xuống còn 559 tỉ đồng trong quí này.

Trong quí III/2019 (niên độ 1/10 - 30/9), Hùng Vương lỗ hơn 129 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 650 tỉ đồng.

Trong quí III/2019 (niên độ 1/10 - 30/9), Hùng Vương lỗ hơn 129 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 650 tỉ đồng.

Theo đó, Thủy sản Hùng Vương ghi nhận lợi nhuận gộp âm 32 tỉ đồng trong khi cùng kì dương gần 61 tỉ đồng. Doanh thu tài chính vỏn vẹn 5 tỉ đồng, giảm 96% trong khi đó chi phí tài chính tăng từ 68 tỉ đồng lên 75,5 tỉ đồng.

Trong quí này, Hùng Vương còn ghi nhận lãi từ công ty liên kết 22 tỉ đồng trong khi cùng kì âm 23 tỉ đồng. Chi phí bán hàng ở mức 35 tỉ đồng, giảm 26% còn chi phí quản lý doanh nghiệp giảm từ 35 tỉ đồng xuống 28 tỉ đồng

Sau khi trừ đi các loại chi phí, Hùng Vương ghi nhận lỗ sau thuế 129 tỉ đồng, trong khi cùng kì dương 14 tỉ đồng.

Hùng Vương cho biết, doanh thu giảm là do công ty đã thoái vốn khỏi Thức ăn chăn nuôi Việt Thắng, đồng thời cắt giảm mảng kinh doanh bán nguyên liệu thức ăn chăn nuôi.

Bên cạnh đó, giá cá nguyên liệu giảm mạnh từ 34.000 đồng/kg về 18.000 đồng/cp, kéo theo giá xuất khẩu thấp.

Có thể bạn quan tâm

  • Hùng Vương thoái vốn tại Sông Đốc sau thất bại POR14

    Hùng Vương thoái vốn tại Sông Đốc sau thất bại POR14

    12:00, 11/05/2019

  • Thủy sản Hùng Vương sau “cú sốc” POR 14

    Thủy sản Hùng Vương sau “cú sốc” POR 14

    06:00, 08/05/2019

  • Trở ngại “ngôi vương” của Hùng Vương

    Trở ngại “ngôi vương” của Hùng Vương

    22:05, 07/05/2019

Lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty đạt doanh thu thuần 3.264 tỉ đồng, giảm 49% so với cùng kì năm trước. Lãi sau thuế ghi nhận âm 257 tỉ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 650 tỉ đồng.

Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản của Hùng Vương đạt 8.833 tỉ đồng, tăng 3% so với ngày 1/10/2018. Trong đó, khoản phải thu ngắn hạn 4.226 tỉ đồng, tăng 4% còn hàng tồn kho 1.915 tỉ đồng, tăng nhẹ.

Về nguồn, nợ ngắn hạn của công ty tăng từ 6.298 tỉ đồng lên 6.842 tỉ đồng, chiếm 77% nguồn vốn, trong đó vay và nợ ngắn hạn 2.880 tỉ đồng, giảm 8%.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu HVG vẫn đang bị Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM duy trì trong diện kiểm soát do kết quả kinh doanh lỗ (sau soát xét bán niên niên độ 01/10/2018-30/09/2019, HVG bị điều chỉnh lãi thành lỗ gần 112 tỷ đồng) và vi phạm về công bố thông tin.

Ngoài ra, HVG cũng liên tục bị đặt dấu hỏi về tài chính khi nợ phải trả hơn 6.619 tỷ, tỷ số Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu của HVG đã ở mức 3,2 lần, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 6.419 tỷ đồng (tài sản ngắn hạn của HVG đạt 6.823 tỷ).

Phía kiểm toán cho biết, với khoản lỗ lũy kế hiện tại và tập đoàn có các khoản vay đến hạn trả chưa được thanh toán tại các ngân hàng thương mại cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.

Hồi tháng 4, Thủy sản Hùng Vương gặp cú sốc với kết quả đợt xem xét hành chính lần thứ 14 (POR 14) của Mỹ khi bị áp mức thuế chống bán phá giá cao nhất trong nhóm các doanh nghiệp thủy sản. Mức thuế mà HVG bị áp là: 3,87 USD/kg (so với mức 0 USD/kg của kết quả sơ bộ).

Theo Báo cáo tài chính hợp nhất niên độ 1/10/2017 - 30/9/2018 của Hùng Vương, kiểm toán nhấn mạnh các điều kiện cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu, có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.

Kiểm toán cũng nhấn mạnh, khả năng hoạt động kinh doanh của Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào khả năng sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai, cũng như việc được tái cơ cấu các khoản nợ ngân hàng.

Có thể thấy, “cú sốc” POR 14 trong bối cảnh tình hình tài chính chưa được cải thiện, khiến CTCP Hùng Vương đã khó càng thêm khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu HVG giảm sâu và khó có cơ hội hồi phục trong tương lai gần. Trong phiên giao dịch đầu tuần này, cổ phiếu HVG bán ra ở mức cao nhất 4.040 đồng/cổ phần, chưa bằng 1/2 so với mức đỉnh 8.150 đồng/cổ phần hồi giữa tháng 4/2019.

Khả năng hoạt động kinh doanh của CTCP Hùng Vương lúc này phụ thuộc vào việc sắp xếp được dòng tiền và kinh doanh có lợi nhuận trong tương lai.

Nha Trang