Xây dựng trạm dừng nghỉ phức hợp trên cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
Với tổng vốn đầu tư là 335 tỷ đồng, Dự án trạm dừng nghỉ Trung Lương - Mỹ Thuận sẽ là trạm dừng nghỉ hiện đại và quy mô lớn nhất Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang đã chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xăng dầu Châu Thành đầu tư trạm dừng nghỉ phục vụ khách trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Dự án trạm dừng nghỉ tọa lạc trên khu đất rộng khoảng 98.600 m2 tại vị trí km 78+220 thuộc địa bàn xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, có quy mô gồm hai trạm nằm đối xứng nhau ở hai bên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Các trạm xây dựng đạt loại 1 quốc gia theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về trạm dừng nghỉ đường bộ ban hành kèm Thông tư số 48/2012/TT-BGTVT ngày 15/11/2012 của Bộ Giao thông Vận tải. Tổng vốn đầu tư là 335 tỷ đồng và thời hạn hoạt động của dự án 50 năm kể từ ngày nhận được quyết định chủ trương đầu tư. Khi đi vào hoạt động, trạm dừng, nghỉ sẽ phục vụ 3.000.000 lượt khách/ năm.
Đại diện Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Xăng dầu Châu Thành, chủ đầu tư dự án cho biết: Trạm dừng nghỉ Trung Lương – Mỹ Thuận là công trình thuộc kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thực hiện chức năng phục vụ người và phương tiện dừng, nghỉ trong quá trình tham gia giao thông trên tuyến đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Đây là trạm dừng nghỉ mang tính chuyên nghiệp, có quy mô lớn, hiện đại, tiện ích, đáp ứng nhu cầu đa dạng của hành khách, du khách trong và ngoài nước qua tuyến đường này.
Trên thực tế, Dự án trạm dừng nghỉ Trung Lương – Mỹ Thuận được hình thành từ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Tiền Giang và phù hợp với chính sách phát triển bền vững, chính sách phát triển hạ tầng giao thông, nâng cao chất lượng phục vụ, đảm bảo an toàn mà Chính phủ cũng như địa phương đã định hướng. Bởi, Tiền Giang được ví là “cửa ngõ”, “mặt tiền” của Đồng Bằng Sông Cửu Long, “vương quốc trái cây” với rất nhiều loại trái cây và nông sản nổi tiếng, đồng thời có nhiều tiềm năng phát triển du lịch miệt vườn sông nước.
Trạm dừng nghỉ phức hợp Trung Lương – Mỹ Thuận gồm nhiều hạng mục khang trang, hiện đại với phương án phân kỳ đầu tư hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu dừng, nghỉ của lái xe, hành khách và phương tiện giao thông, phát triển hệ thống dịch vụ như: Thương mại mua sắm, ăn uống, nhà nghỉ, trạm bảo dưỡng xe, cửa hàng xăng dầu, nhà kho sơ chế- đóng gói- tiêu thụ trái cây đặc sản tỉnh Tiền Giang phục vụ khách,… Trạm sẽ là nơi thực hiện các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông, cung cấp dịch vụ cứu nạn, cứu hộ, sơ cấp cứu tai nạn giao thông và các hoạt động cần thiết khác. Đây cũng là nơi quảng bá rộng rãi các đặc sản trái cây tại địa phương, giới thiệu quảng bá du lịch sông nước, miệt vườn đến với khách hàng mọi miền đất nước và thế giới.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP Hồ Chí Minh và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Từ khi chuyển đổi cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ Giao thông Vận tải về UBND tỉnh Tiền Giang (22-3-2019), địa phương đã phối hợp cùng doanh nghiệp dự án trao đổi, giải quyết kiến nghị một số nội dung liên quan đến việc triển khai Dự án. Đến thời điểm hiện tại, đã bàn giao 50,77 km/51,1 km mặt bằng, đạt 99,34%. Theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sẽ thông tuyến vào năm 2020 và năm 2021 hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của vùng.
“Sau khi được chấp nhận quyết định chủ trương đầu tư Dự án trạm dừng nghỉ phục vụ khách trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Châu Thành đã khẩn trương hoàn thiện thủ tục pháp lý. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực, sẵn sàng triển khai thi công dự án, đảm bảo kỹ- mỹ thuật, tiến độ, vận hành khai thác chính thức vào quí I/2021(cùng thời điểm Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận đưa vào sử dụng- PV). Không những đáp ứng mục đích kinh doanh, phát triển của Công ty, nhu cầu của người dân, Dự án còn tạo thêm một công trình kiến trúc đặc sắc, điểm du lịch quảng bá về đất và người Tiền Giang giàu bản sắc văn hóa, lịch sử”- đại diện chủ đầu tư nhấn mạnh.