CEO Nguyễn Văn Tam trải lòng về “cuộc giông bão nghìn tỷ” của Asanzo

Khánh Hà 15/08/2019 15:06

“Sau những giông bão vừa qua, tôi vẫn hướng đến khát khao tạo ra những sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam!”.

Đó là trải lòng của ông Nguyễn Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo khi nói về quá trình dành nhiều tâm huyết để gây dựng thương hiệu tivi Asanzo nhưng lại đang rơi vào cảnh kiệt quệ do sự chưa rõ ràng trong chính sách về nguồn gốc xuất xứ tại Tọa đàm chủ đề “Hàng Việt Nam nhìn từ Asanzo” tổ chức sáng nay (15/8), tại Hà Nội.

Từ đi buôn đến sản xuất hàng điện tử

Kế lại về quá trình xây dựng nên thương hiệu Asanzo, ông Phạm Văn Tam cho biết: "Thời gian vừa qua, rất nhiều dư luận nói về tôi, nói về Asanzo. Người ta thậm chí còn nói rằng Phạm Văn Tam chỉ là người đi buôn. Nhưng tôi hỏi, đi buôn đồ điện tử thì có gì sai hay không?" ông Tam nói.

Ông Nguyễn Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo.

Ông Nguyễn Văn Tam - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo chia sẻ tại Tọa đàm.

Theo ông Tam, nhờ việc đi buôn hàng điện tử mà ông có được kinh nghiệm tạo ra các sản phẩm của Asanzo hôm nay chứ không phải dựa vào bề thế gia đình.

"Các sản phẩm đầu tiên của Asanzo đều nhờ những chuyến đi buôn, nhờ những lần tôi cung cấp hàng điện tử cho các vùng miền Tây. Ở đây họ thiếu điện, chúng tôi phải tạo ra những chiếc tivi sử dụng ắc quy để phục vụ họ. Tôi luôn tâm niệm, Asanzo được thành lập để phục vụ cho những người tiêu dùng bị bỏ quên chứ không phải dành cho người tiêu dùng hiện đại", ông Tam khẳng định.

Ông Tam cho rằng, toàn bộ bo mạch của tivi Asanzo không hề giống với bất kỳ hãng tivi nào trên thế giới bởi công ty phải thiết kế lại để phù hợp với nguồn điện đặc thù tại từng khu vực.

"Trong 1 tháng ở thời điểm năm 2013, chúng tôi bán ra hơn 1.000 chiếc tivi, phục vụ cho bà con khu vực miền Tây. Thời điểm đấy, tôi chỉ nghĩ rằng thế này là đủ rồi bởi nhu cầu của bà con ở đây chỉ có thể", ông Tam kể lại.

Bên cạnh đó, thiết kế, màu sắc của mỗi chiếc tivi cũng được “may đo” cho phù hợp nhu cầu khách hàng của từng vùng miền. Ví dụ, người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long thích màu vàng phù sa, trong khi khách hàng khu vực Tây Nguyên chọn màu đất đỏ bazan, người miền Bắc thích màu đen sang trọng...

Cũng theo ông Tam, đến giai đoạn smart tivi ra đời, Asanzo tiếp tục thiết kế lại toàn bộ giao diện của loại tivi này để cắt giảm chi phí sản xuất, từ đó giúp người tiêu dùng có điều kiện kinh tế thấp vẫn có thể sử dụng được smart tivi.

Trong 1 tháng đầu tiên, Asanzo đã rất hài lòng với việc phục vụ những khách hàng trong thị trường ngách mà mình hướng đến. TV của Asanzo là sản phẩm trong phân khúc giá rẻ nhưng không vì thế là sản phẩm có chất lượng thấp.

“Lúc khởi đầu, chúng tôi bán hàng bằng những chân tình. Các chủ cửa hàng, khách hàng họ tin tôi. Đó là hướng đi ngược với cách của các hãng khác đã làm. Tôi quan trọng là người ta thương tôi, người ta thấy được những gì tôi đã làm và mua sản phẩm” - ông Tam chia sẻ về hoạt động bán hàng của Asanzo thời điểm ban đầu.

Chỉ trong vòng 5 năm, Asanzo đã có tới 15.000 điểm bán hàng. “Đây là điều đáng mơ ước của nhiều hãng khác” - ông Tam bình luận.

Đau đớn đứng lên sau “cuộc khủng hoảng nghìn tỷ”

Theo ông Tam, các thông tin như giả xuất xứ hàng điện gia dụng và mô tả quá tình sản xuất tivi của Asanzo chỉ là lắp ráp đơn giản 4 khối linh kiện nhập về từ Trung Quốc rồi dán nhãn xuất xứ Việt Nam đã khiến người tiêu dùng hiểu nhầm.

“Chúng tôi chịu nhiều sự chỉ trích. Nhưng nói chúng tôi nhập linh kiện Trung Quốc về rồi gắn mác hàng Việt Nam là oan uổng. Chúng tôi không trả lương cho hơn 2.000 công nhân chỉ để họ bóc tem và dán nhãn. Tôi khẳng định Asanzo không có quy trình bóc tem”, ông Tam nói.

Có thể bạn quan tâm

  • Asanzo và hồi chuông

    Asanzo và hồi chuông "cảnh tỉnh" cho các doanh nghiệp Việt

    06:00, 07/08/2019

  • Xác minh 28 doanh nghiệp có hoạt động liên quan Tập đoàn Asanzo

    Xác minh 28 doanh nghiệp có hoạt động liên quan Tập đoàn Asanzo

    19:39, 01/08/2019

  • Từ vụ Asanzo: Nhìn lại C/O trong quan hệ kinh tế quốc tế

    Từ vụ Asanzo: Nhìn lại C/O trong quan hệ kinh tế quốc tế

    11:43, 01/08/2019

  • Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm có kết luận về Asanzo để làm rõ đúng sai

    Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ: Sớm có kết luận về Asanzo để làm rõ đúng sai

    06:00, 01/08/2019

  • Từ câu chuyện Asanzo: Doanh nghiệp khổ vì những quy định chưa rõ ràng

    Từ câu chuyện Asanzo: Doanh nghiệp khổ vì những quy định chưa rõ ràng

    04:30, 30/07/2019

Thiệt hại do khủng hoảng của Công ty Cổ phần Tập đoàn Asanzo lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Ông Tam cho biết thêm, đối với các mặt hàng tự sản xuất Asanzo vẫn ghi xuất xứ Việt Nam trên sản phẩm. Còn các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, công ty vẫn để nhãn xuất xứ Trung Quốc.

Bởi “theo quy định về việc ghi nhãn hàng hoá, (bắt buộc) Asanzo phải ghi xuất xứ Việt Nam cho tất cả các hàng hoá lắp ráp hoàn chỉnh tại Việt Nam dù linh kiện nhập về từ nhiều nước khác nhau, miễn sao là sản phẩm hoàn chỉnh tại Việt Nam”, ông Tam giải thích thêm và khẳng định “Không có chuyện chúng tôi lừa dối người tiêu dùng ghi xuất xứ Việt Nam cho mặt hàng tivi”.

Theo CEO Asanzo: "Khát khao hướng đến là tạo ra những sản phẩm hoàn toàn của Việt Nam, không chung đụng với đất nước nào khác. Sau những giông bão vừa qua, tôi vẫn quyết tâm hướng đến những khát khao đó. Tôi muốn khẳng định một người đi buôn sản xuất được thiết bị điện tử!”.

“Cái gì tôi sai tôi sẵn sàng chịu, tôi rất buồn vì những khủng hoảng suốt 2 tháng qua. Tôi khát khao muốn làm ra sản phẩm điện tử Việt Nam, tivi của tôi là hàng của Việt Nam. Tôi phải đấu tranh để cùng mọi người duy trì Asanzo. Sau sự việc này tôi vẫn phát triển Asanzo, tôi sẽ không ngừng đấu tranh để phát triển Asanzo”, người sáng lập Asanzo nghẹn ngào.

Chia sẻ thêm về trường hợp của Asanzo, luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng, Asanzo còn thiếu kinh nghiệm trong dán nhãn hàng hóa nên dẫn đến tình trạng bị động, là cái cớ để người khác nhìn vào, đánh giá và bình luận. Do đó, Asanzo dễ trở thành nạn nhân của truyền thông.

Căn cứ theo thông lệ quốc tế, nếu dán nhãn “Made in” thì giá trị chi phí bằng tiền trực tiếp (bao gồm: lao động, linh kiện đầu vào, chi phí bán hàng) khoảng trên 50%, không đi vào yếu tố kỹ thuật. Nếu ghi sản phẩm của nước nào đó, thì phải ghi là 98% từ một nước nào đó. Còn các mặt hàng khác, tùy vào yếu tố kỹ thuật có thể ghi là Thiết kế ở đâu, lắp ráp ở đâu...

Đối với các nhãn hiệu nổi tiếng, vấn đề sản xuất ở đâu không còn quan trọng nữa. Người tiêu dùng họ mua là mua giá trị của thương hiệu.

“Đối với khía cạnh quản lý nhà nước, cái họ quan tâm đến xuất xứ, vì còn liên quan đến hưởng các ưu đãi về chính sách, các FTAs. Hải quan các nước tính chi li hơn nhiều, dùng những biện pháp kỹ thuật để áp vào” - LS. Nguyễn Tiến Lập chia sẻ thêm.

Diễn đàn Doanh nghiệp sẽ tiếp tục thông tin.

Khánh Hà