Gánh nặng của Gemadept

Khánh Hà 16/08/2019 11:10

Quy mô đầu tư tài chính dài hạn chiếm tỷ trọng cao và hiệu quả chưa rõ ràng cùng với tỷ lệ đầu tư tài chính ngắn hạn phải trích lập lớn là những "điểm trừ" của Công ty cổ phần Gemadept (mã GMD).

CTCP Gemadept (mã chứng khoán GMD) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2019 với doanh thu thuần tăng trưởng nhưng lợi nhuận lại giảm sút so với cùng kỳ.

Lợi nhuận giảm sâu 6 tháng đầu năm

Cụ thể, doanh thu thuần trong kỳ đạt 668 tỷ đồng – tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu chủ yếu của Gemadept hiện đến từ hoạt động khai thác cảng và logistics.

Doanh thu tăng trưởng nhưng giá vốn hàng bán tăng mạnh hơn khiến lãi gộp Gemadept trong quý 2/2019 chỉ đạt hơn 265 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong riêng quý 2, lãi ròng Gemadept cũng giảm 27% so với quý 2/2018, đạt gần 202 tỷ đồng.

Trong riêng quý 2, lãi ròng Gemadept cũng giảm 27% so với quý 2/2018, đạt gần 202 tỷ đồng.

Doanh thu tài chính quý 2/2019 giảm mạnh 36%, đạt gần 94 tỷ đồng, mặc dù các khoản chi phí phát sinh trong kỳ giảm nhưng sau khi giảm trừ, lãi ròng Gemadept vẫn giảm 27% so với kết quả quý 2/2018, đạt 201,6 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Gemadept ghi nhận doanh thu đạt hơn 1.297 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với cùng kỳ. Trong đó doanh thu hoạt động khai thác cảng chiếm hơn 1.133 tỷ đồng, tăng gần 11% so với cùng kỳ. Giá vốn giảm nhẹ, Công ty thu về hơn 515 tỷ đồng lợi nhuận gộp, tăng hơn 6% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận hơn 105 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước khoản mục này lên tới 1.546 tỷ đồng. Theo bản thuyết minh, Gemadept ghi nhận khoản lợi nhuận chuyển nhượng các khoản đầu tư gần 1.520 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2018, trong khi cùng kỳ năm nay chỉ ghi nhận khoản mục này ở mức gần 98 tỷ đồng. Chi phí tài chính trong kỳ đạt gần 82 tỷ đồng trong khi nửa đầu năm ngoái Gemadept ghi âm hơn 24 tỷ đồng giá trị khoản mục này, do Công ty đã thực hiện hoàn nhập dự phòng các khoản đầu tư tài chính hơn 114 tỷ đồng.

Kết quả Gemadept ghi nhận lãi trước thuế 398 tỷ đồng, giảm 78% so với kết quả cùng kỳ năm trước. Với mục tiêu đạt 2.800 tỷ đồng doanh thu và 695 tỷ đồng LNTT, kết thúc nửa đầu năm Công ty đã thực hiện hơn 46% kế hoạch doanh thu và hơn 57% kế hoạch lợi nhuận cho cả năm 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng, giảm gần 78% so với 6 tháng đầu năm 2018, trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 289 tỷ đồng.

Đồng thời, Gemadept xem xét thực hiện thoái vốn cổ phần tại một số lĩnh vực kinh doanh chưa hiệu quả và không thuộc lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như cao su, bất động sản khi có điều kiện thuận lợi.

Ban lãnh đạo cho biết, đối với mảng cao su, công ty sẽ dừng trồng mới, chỉ dừng lại ở khâu chăm sóc diện tích hiện hữu.

Trong đó, lô đất trồng đầu tiên dự kiến trong năm nay sẽ khai thác thử, vì hiện giá trên trị trường vẫn chưa cao. Từ năm 2020 có thể khai thác nhiều hơn.

Riêng về bất động sản, dự án Saigon Gem (diện tích 3.640m2) hiện hồ sơ pháp lý đang trong quá trình hoàn tất, theo kế hoạch sẽ triển khai vào năm 2020.
Dự án Viêng Chăn – Lào đang xây dựng phần móng, sẽ thoái vốn khi điều kiện thị trường thuận lợi và giá chuyển nhượng hợp lý.

Trên thị trường, so với mức giá 29.800 đồng/cp hồi giữa tháng 11/2018, hiện cổ phiếu GMD giảm 11% và đang giao dịch quanh mức 26.550 đồng/cp. Được biết, năm 2019, Gemadept tiếp tục tập trung vào hai mảng hoạt động kinh doanh cốt lõi là khai thác cảng và logistic.

Gánh nặng của Gemadept

Theo Chứng khoán Bản Việt (VCSC), tăng trưởng lợi nhuận kinh doanh cốt lõi của Gemadept đến từ 11% tăng trưởng doanh thu mảng vận hành cảng (chiếm 87% tổng doanh thu 6 tháng 2019) và tăng trưởng 1,2 lần ở thu nhập ròng từ công ty liên kết (chiếm 30% lợi nhuận trước thuế 6 tháng 2019).

Mặc dù đã rút vốn khá nhiều từ năm 2018, nhưng quy mô đầu tư tài chính của Gemadept đến nay vẫn còn khá lớn. Tại thời điểm ngày 30/6/2019, quy mô đầu tư tài chính dài hạn của công ty này lên tới 2.661 tỷ đồng.

Đầu tư vào công ty liên doanh liên kết có giá trị 2.435 tỷ đồng, nhiều công ty trong số này là những doanh nghiệp hoạt động trong ngành nghề có liên quan đến hoạt động của Gemadept, nhưng cũng khá nhiều khoản đầu tư phát sinh thua lỗ kể từ khi Gemadept đầu tư.

Chẳng hạn như khoản đầu tư tại Công ty cổ phần Liên hiệp thực phẩm thua lỗ hơn 21 tỷ đồng, tại Công ty cổ phần Cảng Cái Mép Gemadept - Teminal Link thua lỗ 131,4 tỷ đồng, tại Công ty TNHH Gemadept Shipping Holding thua lỗ 2,18 tỷ đồng, tại một số công ty khác thua lỗ 19,8 tỷ đồng…

Ngoài ra, Gemadept cũng còn các khoản vốn góp tại các đơn vị khác, thuộc các ngành nghề khác nhau không liên quan đến hoạt động chính của Công ty. Ví dụ các khoản góp vốn tại Ngân hàng TMCP Hàng hải, Công ty cổ phần Chứng khoán công nghiệp Việt Nam, Công ty cổ phần Mặt trời Đông Dương, Công ty cổ phần Quản lý quỹ Trí tuệ Việt Nam. Trong đó, Công ty Chứng khoán công nghiệp Việt Nam đang thực hiện các thủ tục giải thể.

Đầu tư tài chính ngắn hạn tuy có quy mô không lớn so với đầu tư tài chính dài hạn, nhưng tỷ lệ phải trích lập dự phòng lại rất cao. Tổng giá trị các khoản đầu tư vào chứng khoán kinh doanh theo giá gốc là 140,7 tỷ đồng, nhưng đến thời điểm giữa năm 2019, Gemadept phải trích lập tới gần 69 tỷ đồng dự phòng cho các khoản đầu tư này. Đây là các khoản đầu tư mua cổ phiếu tại Ngân hàng TMCP Quốc dân, Công ty cổ phần Thép Thủ Đức, Công ty cổ phần Khoáng sản Mangan...

Khánh Hà